Trường THPT U Minh ra đời vào năm 1984 trong bối cảnh thị trấn U Minh chưa có một con đường nào được bêtông hóa. 25 năm trôi qua, ngôi trường cấp 3 nhỏ bé, tạm bợ nằm bên sông Cái Tàu của thị trấn nghèo ngày xưa giờ đã được xây dựng kiên cố, khang trang.
Hiệu trưởng nhà trường Hoàng Kim Dĩnh phấn khởi: “Hiện nay nhà trường có 17 lớp học với gần 600 học sinh. Không những có môi trường sạch – đẹp theo mô hình trường học thân thiện, học sinh tích cực mà từ năm 2005 nhà trường còn tự tích lũy tiền để trang bị cho đủ các điều kiện cho thầy và trò nghiên cứu giảng dạy và học tập tốt nhất”.
Chuyện dạy và những lợi ích thiết thực của ứng dụng tin học vào giảng dạy đã được thầy giáo Nguyễn Thành Trung, giáo viên dạy môn địa lý xác nhận với chúng tôi sau một năm áp dụng tin học trong giảng dạy. Điều này như một lực hút các thầy cô trong trường áp dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào giảng dạy. Tuy nhiên, mọi việc cũng không phải suôn sẻ. Lúc đầu, dạy và học bằng máy móc mà giáo viên chưa được đào tạo bài bản, hầu hết giáo viên phải tự mày mò nên thực hành khá lúng túng. Giáo trình khung chưa có nên giáo viên không biết lựa chọn nội dung nào sẽ trình chiếu và làm sao để không bị “cháy” giáo án. Mặt khác, nếu lạm dụng máy chiếu, các em sẽ bị thu hút vào hình ảnh minh họa sinh động sẽ quên việc ghi chép bài. Chính vì thế mà có lúc gần một nửa giáo viên bỏ cuộc. Trước tình cảnh đó, nhà trường quyết định tổ chức tập huấn kỹ năng sử dụng máy tính, máy chiếu cho giáo viên trong soạn giáo án và giảng dạy. Trao đổi kinh nghiệm chuyên môn, kỹ năng tin học là chuyên đề thường xuyên. Vì vậy, sau thời gian “phân tâm”, thầy cô ở trường đã nhất quyết dạy học theo phương pháp mới.
Đến nay, hầu hết giáo viên ở trường đã ứng dụng tin học vào công tác soạn giáo án và giảng dạy. Công tác quản lý điểm, quản lý học sinh khi áp dụng CNTT cũng rất dễ dàng và chính xác, không tốn nhiều thời gian. Em Lưu Phương Thùy và Bùi Hoài Thơ, học sinh lớp 12 của trường, cho biết: “Tụi em thấy được hình ảnh sinh động minh họa cho nội dung bài học nên hiểu bài ngay tại lớp và nhớ lâu. Tiết học rất tập trung khi thầy cô dùng máy chiếu giảng bài và minh họa nội dung bài học”. Đó là kết quả của sự đổi mới phương pháp dạy và học, đổi mới công tác quản lý giáo dục, xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực.
Đến nay Trường THPT U Minh có 38/40 giáo viên áp dụng CNTT trong công tác soạn bài và giảng dạy. 90% giáo viên của trường tự trang bị máy tính xách tay và máy tính để bàn phục vụ cho công tác dạy chuyên môn. Ngoài thư viện được kết nối internet, trường còn có hai phòng máy vi tính phục vụ cho công tác giảng dạy. Theo đánh giá của Sở GD-ĐT Cà Mau, Trường THPT U Minh đang là điểm dẫn đầu của ngành GD-ĐT Cà Mau về ứng dụng CNTT, tạo điều kiện cho học sinh ở vùng dân cư rừng U Minh Hạ hội nhập, phát triển.
Nguyễn Danh / SGGP
Bình luận (0)