Một tiết dạy văn ở trường phổ thông (ảnh minh họa). Ảnh: T.L |
Vừa qua, tòa soạn có chuyển cho tôi thư của cô Ngọc Linh (GV Trường THPT Phan Đăng Lưu) phản ánh về các bài viết của tôi ở mục “Cảo thơm lần giở” trên Báo Giáo Dục TP.HCM. Nội dung thư như sau: “Các bài viết của tác giả Lê Xuân Lít đăng trên Báo Giáo Dục TP không có sự thống nhất: khi ghi là Mã Giám Sinh (số 792), có khi lại viết Mã Giám sinh (số 800). Đầu lòng hai ả tố nga. Tố nga là: Tố Nữ, Hằng Nga (danh từ riêng). Thực ra trong tiếng Hán “tố” nghĩa gốc là sợi tơ đẹp, vẻ đẹp; tố nga: người con gái đẹp (danh từ chung) chứ không phải 2 nhân vật Tố Nữ, Hằng Nga (tố nữ cũng là cô gái đẹp)…”.
Những phản ánh của cô Ngọc Linh, tôi xin phép tách thành hai nội dung.
1. Vấn đề viết hoa các danh từ riêng trong Truyện Kiều. Phải nói ngay rằng đây là lĩnh vực khá phức tạp và không dễ gì có chung một cách giải quyết. Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam. Ngữ pháp nói chung, cách viết tiếng Việt nói riêng còn nhiều điều không thống nhất. Đã có mấy hội nghị khoa học bàn bạc, cũng chỉ đi đến một số điều thống nhất. Nhưng khi thực hiện, tùy quan điểm từng người, từng tổ chức (một tòa soạn báo, một nhà xuất bản) mà có cách xử lí khác nhau. Đó là viết tiếng Việt nói chung, còn phiên âm chữ Hán lại là một “mê hồn trận” khác. Chỉ nói chữ Mã giám sinh, như bạn Ngọc Linh đã nhắc đến chú thích của SGK: người học trò trường Quốc Tử Giám họ Mã. Đúng như vậy nhưng khi viết ba chữ này lại là chuyện không dễ. Quốc tử giám còn gọi là trường giám. Nếu hiểu theo nghĩa này chữ giám phải viết hoa (tên của trường). Nhưng nếu hiểu giám sinh giống như sinh viên, học sinh lại không viết hoa. Ngay như nhan sách Kim – Vân – Kiều Truyện, tôi và anh Nguyễn Thanh Tú, Phó tổng biên tập báo, cũng đã bàn đi bàn lại nhiều lần nhưng bề nào thì cũng chưa yên bề nào. Trước một việc nan giải như vậy, tôi tự nghĩ: Điều thứ nhất, phải có một quan điểm rõ ràng và bản thân tự cho là hợp lí. Tôi lục tìm cách viết của các bậc tiền bối và chọn ra một phương thức như tôi đã trình bày (Giáo Dục TP, 10-3-2010). Thứ hai là phải thống nhất. Tòa soạn và tôi đã thống nhất mở ra chuyên mục này khoảng 150 bài, đăng liền trong ba năm. Yêu cầu thống nhất được quan tâm đúng mức. Nhưng nếu ở bài này, bài kia có sự sai lệch, đấy là do tôi (tác giả) chấm morasse bỏ sót. Chúng tôi xin lỗi bạn đọc. Những điều trình bày ở trên, tôi muốn nói rõ mục đích bài viết: Thử bàn cách viết hoa (Giáo Dục TP, số 795). Nhưng đấy chỉ là một thông điệp gửi đến bạn đọc. Điều thứ hai theo tôi, quan trọng hơn nhiều. Tôi không đồng tình với việc Việt hóa các danh từ riêng. Tôi muốn trả lại cách nói, cách gọi tên mang bản sắc Trung Quốc. Trong bài báo ấy tôi đã viết: tất cả từ tình tiết, diễn biến câu chuyện, phong cảnh, nhân vật (cả cách gọi tên nhân vật) là của Trung Quốc, nhưng người Việt Nam lại cho rằng Truyện Kiều là của Việt Nam. Các nhà nghiên cứu Truyện Kiều hẳn phải tự đặt cho mình trách nhiệm lí giải điều ấy.
2. Còn vấn đề thứ hai, tôi xin giải thích thế này: Thực ra hai chữ tố nga này cũng không đơn giản. Tố nga là từ ghép. Tố nga được hiểu như Tố Nữ: người con gái đẹp, thanh cao (Hán Việt Tân Từ điển – Nguyễn Quốc Hùng – Nhà sách Khai Trí, tháng 4-1975). Cụ Đào Duy Anh (Từ điển Truyện Kiều, NXB Phụ Nữ, 2007, trang 346) ghi: “Tố Nga tức Hằng Nga”. Như vậy Tố Nga có thể hiểu là Tố Nữ (NQH) và cũng có thể hiểu là Hằng Nga (ĐDA). Để tôn trọng hai ý kiến trên, tôi viết hoa các chữ Tố Nữ, Hằng Nga và viết vắn tắt trong dấu ngoặc đơn. Vì quá ngắn gọn, bạn Ngọc Linh đã hiểu nhầm (chứ tôi có nói đâu) rằng đấy là hai người, là hai danh từ riêng!
Có lần tôi muốn hiểu theo một cách khác hai chữ tố nga này. Tố là sợi tơ sống, chưa nhuộm, còn nguyên vẹn như lúc ban đầu mới có. Hay Nguyễn Du muốn nói đến sự trong trắng chưa vẩn đục của chị em Thúy Kiều? Và, Nga là đẹp như Hằng Nga. Một từ ghép đẳng lập vừa chỉ phẩm chất vừa chỉ sắc đẹp. Nhưng tôi thấy nghĩ như vậy là quá suy luận. Có lẽ không cần tách từ tố riêng (để nói tơ trắng(?) hay tơ sống, chưa nhuộm) mà nên dừng ở mức cô gái đẹp là đủ rồi.
Còn câu thơ: Một vùng như thể cây quỳnh, cành giao. Câu thơ này bạn Ngọc Linh viết: Không phải cụ Nguyễn Tiên Điền miêu tả vẻ đẹp của chị em Thúy Kiều như tác giả đã nêu mà câu thơ này nói vẻ đẹp của kẻ văn nhân Kim Trọng… Cô Ngọc Linh suy luận có lí khi hai câu lục bát, câu 6 chữ tả Kim Trọng (Hài văn lần bước dặm xanh). Nhưng câu 8 có phải cụ Nguyễn tiếp tục tả Kim Trọng? Tôi thấy không phải bởi mấy suy nghĩ sau đây: Khi ta nói một vùng tức chỉ định một không gian có giới hạn. Không gian ấy ở trạng thái cố định, yên tĩnh. Không lẽ Kim Trọng đi đến đâu mang theo một vùng đến đấy? Xem ra không ổn. Rồi cây quỳnh cành giao (Ngọc quỳnh, ngọc giao). Ý muốn chỉ vẻ đẹp thanh tao. Ý kiến của Ngọc Linh khiến tôi phải kiểm tra suy nghĩ của mình. Đọc các bản Kiều của Đào Duy Anh, Bùi Kỷ, Tản Đà, Bùi Khánh Diễn không thấy các cụ nói câu ấy chỉ vào Kim Trọng hay hai chị em Thúy Kiều. Chỉ riêng bản Trương Vĩnh Ký (một trong 18 nhà bác học trên thế giới mà người Tàu gọi: Thập bát hoàn cầu danh gia) ghi: Ngó vào đám ấy thấy hai người con gái xinh lắm.
Chúng tôi thấy ý kiến Trương Vĩnh Ký xác đáng ở chỗ giải quyết được hai chữ một vùng và cả hai đối tượng được nhắc đến là cây quỳnh, cành giao (hai người con gái). Không lẽ chỉ có Kim Trọng mà đối lại với hai loài cây quý? Hay Kim Trọng với sau chân theo một vài thằng con con, vô lí. Hay Vương Quan với Kim Trọng: chàng Vương quen mặt ra chào...? Cũng không ổn. Bởi Vương Quan chỉ là anh chàng mọt sách, chưa thấy có vẻ đẹp gì. Chắc là Kim Trọng từng bước ung dung đi tới, Kim ngẩng nhìn: hai chị em Thúy Kiều tỏa sáng, đẹp đẽ lạ thường!
Trong khoa học không ai dại gì cho ý kiến của mình là chân lí, là đúng trăm phần. Ý kiến của chúng tôi trong mấy trường hợp trên cũng như trong 150 bài viết chỉ là gợi ý, đề xuất mà thôi.
L.X.L
* Tựa do tòa soạn đặt
Bình luận (0)