Tạp Chí Giáo Dục TP.Hồ Chí Minh
Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Cần phân luồng học sinh ngay sau lớp 9

Tạp Chí Giáo Dục

“Không phân luồng được học sinh (HS) sau mỗi bậc học trung học là sự lãng phí và sẽ gia tăng gánh nặng lao động không được đào tạo cho xã hội”. Đó là nhận định của TS HOÀNG NGỌC VINH, vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT).

Số học sinh tốt nghiệp THCS không học THPT trong quy mô trung bình học sinh THCS và THPT
Trao đổi với PV, ông Vinh cho rằng:
– Với điều kiện về mọi mặt của Việt Nam hiện nay, chúng ta cần đẩy mạnh phân luồng ngay từ sau THCS, tức là sau khi HS tốt nghiệp lớp 9. Ngay cả khi chúng ta phấn đấu đạt mục tiêu phổ cập giáo dục trung học, thậm chí một số địa phương định phổ cập THPT thì cũng không nhất thiết tất cả HS sau khi tốt nghiệp THCS phải học THPT mà có thể đi theo những “luồng” khác, vẫn đạt trình độ văn hóa trung học, đồng thời được đào tạo nghề phù hợp.
Việc một tỉ lệ lớn học sinh trượt tốt nghiệp THPT cho thấy nếu các em lựa chọn vào học nghề từ sớm và Nhà nước tạo điều kiện thì thành công của các em đó sẽ đến sớm hơn.
* Theo ông vì sao phân luồng sau THCS và THPT hiện nay chưa đạt hiệu quả như mong muốn của Bộ GD-ĐT? Những năm gần đây các trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) đã có nhiều chính sách, biện pháp đổi mới trong tuyển sinh, đào tạo nhưng vẫn chưa thu hút được nhiều người học?
– Phân luồng chưa đạt hiệu quả là do nhiều nguyên nhân về nhận thức của xã hội đối với học nghề, điều kiện đầu tư mở rộng mạng lưới các cơ sở dạy nghề và TCCN có chất lượng còn hạn chế nên chưa đủ sức thu hút các học sinh tốt nghiệp THCS vào học, hệ thống tư vấn hướng nghiệp trong nhà trường hoạt động yếu, sự phát triển giáo dục trung học và giáo dục ĐH chưa tính đến bài toán hệ thống theo điều kiện kinh tế – xã hội ở mỗi vùng miền, hệ thống giáo dục trung học và sau trung học được thiết kế thiếu tính liên thông.
Đặc biệt việc làm trong xã hội cho những người học nghề, TCCN sau tốt nghiệp THCS cũng rất hạn chế, chưa tạo được nhiều đầu ra cho các trường dạy nghề và TCCN… Ngoài ra cũng phải chú ý đến khía cạnh tâm lý không thích học nghề của đại bộ phận thanh niên ngay cả khi năng lực học tập hạn chế, hoàn cảnh kinh tế gia đình rất khó khăn, những vẫn muốn học ĐH hoặc rất nhiều các gia đình đều muốn con em mình có được học vấn tối thiểu lớp 12…
Một số trường TCCN chưa thu hút được HS vào học chủ yếu do chất lượng đào tạo chưa tốt, đào tạo không theo nhu cầu của thị trường, thị trường việc làm chưa phát triển. Trên thực tế, ở địa phương nào có nhiều trường THPT hoặc các trường ĐH, CĐ thì trường TCCN cũng sẽ rất khó thu hút người học.
Số lượng học sinh hằng năm vào học THCS, THPT và không học THPT từ năm 2004-2008
* Nếu đã nhận ra những nguyên nhân hạn chế trong việc phân luồng HS sau mỗi cấp học THCS và THPT, sắp tới Bộ GD-ĐT có những giải pháp nào để đẩy mạnh phân luồng không, thưa ông?
– Bộ GD-ĐT đang khẩn trương chuẩn bị cho hội thảo về phân luồng học sinh sau THCS và THPT ngay trong tháng 5 này để bàn về những giải pháp, điều kiện để thực hiện đẩy mạnh phân luồng học sinh.
Tuy nhiên, từ những nguyên nhân dẫn đến phân luồng không hiệu quả, theo tôi, có thể có một số giải pháp từ việc đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức đối với học nghề, mở rộng quy mô, tăng cường đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới căn bản công tác hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông, tái cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân để tạo điều kiện học tập suốt đời cho người dân, đổi mới chương trình dạy nghề và TCCN theo hướng tích hợp các môn văn hóa, chuyên môn với đào tạo kỹ năng nghề và tiếp tục hỗ trợ tài chính cho học sinh nghèo được vay để học nghề và lồng ghép với các chương trình của Trung ương Đoàn, đề án đào tạo nghề cho nông dân. Ngoài ra, một giải pháp bên ngoài hệ thống giáo dục cũng rất quan trọng là tạo ra nhiều việc làm trong xã hội và hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động.
* Nghĩa là để phân luồng được hiệu quả không thể dùng những biện pháp thắt chặt luồng này để buộc người học phải đến với luồng kia mà phải khuyến khích được người học tự lựa chọn. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng hệ thống giáo dục hiện nay lại chưa phù hợp, chưa đáp ứng yêu cầu mở ra những con đường học tập khác nhau cho người học, thưa ông?
– Hiện nay phần rối nhất của hệ thống giáo dục là phần sau THCS và rối là trên bình diện không thống nhất trình độ trong mỗi lĩnh vực đào tạo. Trên cùng một địa bàn có nhiều cơ sở đào tạo có chức năng gần như nhau, chịu sự quản lý của những cơ quan khác nhau, dẫn đến việc khó thống nhất các chuẩn đầu ra trong mỗi chương trình và trong từng môn học hoặc môđun nên hạn chế việc công nhận kết quả học tập người học tích lũy được ngay trong bậc sau THCS và từ THPT đến sau THPT.
Bên cạnh đó, hệ thống các cơ sở đào tạo ở địa phương chưa đáp ứng được nhu cầu học nghề và học sau trung học rồi học liên thông lên ĐH. Một cơ cấu hệ thống giáo dục được thiết kế tốt phải đáp ứng được tính đa dạng của người học và nhu cầu đa dạng của thị trường lao động, đồng thời giúp nâng cao hiệu quả đào tạo, giảm sức ép lên các kỳ thi ĐH bằng chính các cơ sở giáo dục sau trung học ở địa phương như mô hình các trường CĐ hai năm ở một số nước khác đã có từ rất lâu.
Ở ta mô hình này mới được đề cập đến trong Luật giáo dục 2005 và trong quyết định của Thủ tướng phê duyệt mạng lưới các trường ĐH, CĐ năm 2007. Phải có quyết tâm phát triển mô hình trường CĐ đào tạo hai năm và mất một thời gian nữa để xây dựng hệ thống các trường CĐ cộng đồng ở địa phương, chúng ta sẽ có thêm một luồng ra cho HS sau trung học ngay tại địa phương, giảm sức ép vào các trường ĐH, CĐ trung ương.
THANH HÀ (TTO)

 

Bình luận (0)