Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Dạy học tiếng Việt thông qua nghệ thuật có quá khó?

Tạp Chí Giáo Dục

Thực hiện theo Công văn số 4225/GDĐT-TH ngày 14-11-2019 của Bộ GD-ĐT về việc tổ chức thực hiện mô hình “Học tiếng Việt thông qua nghệ thuật” cấp tiểu học đã được triển khai đến các trường. Thông qua  âm nhạc, mỹ thuật, kỹ thuật…, học sinh khai thác ngữ liệu tiếng Việt.


Một tiết dạy học tiếng Việt thông qua nghệ thuật ở Trường Tiểu học Đống Đa (Q.4, TP.HCM)

Việc học tiếng Việt thông qua nghệ thuật rất hay và thu hút học sinh bởi sự hấp dẫn đặc trưng vốn có của các môn nghệ thuật. Thế nhưng, khi dự các tiết dạy minh họa, tất cả giáo viên đều cảm thấy “choáng” vì sự hoành tráng – một tiết dạy mà đủ tất cả các môn nghệ thuật: âm nhạc, mỹ thuật, kịch nghệ, sáng tác thơ… Học sinh ở các lớp được dạy minh họa thật sự phải nhanh nhẹn và có năng khiếu mới có thể thực hiện được các hoạt động mà giáo viên yêu cầu. Với thời lượng 35 phút một tiết, giáo viên khó có thể dạy được như thế trong thực tế. Chính vì các tiết dạy minh họa được dàn dựng quá xa rời thực tế làm giáo viên cảm thấy hết sức khó khăn khi thực hiện dạy tiếng Việt theo mô hình này.

Giáo viên đừng quá ôm đồm, đừng cố gắng dạy y hệt các tiết dạy minh họa. Bởi các tiết dạy minh họa thường là đã được dàn dựng trước và cách xa với thực tế ở mỗi trường, mỗi lớp.

Trong thực tế giảng dạy nhiều năm qua khi chưa có Văn bản 4225, nhiều giáo viên cũng đã chủ động sáng tạo lồng ghép các môn nghệ thuật vào một số tiết dạy để sinh động hơn. Chẳng hạn, ở môn tập làm văn, thay vì giáo viên cho học sinh học thuộc dàn bài chung thì thầy cô cho các em đọc các bài vè. Nếu kết hợp với việc cho các em vừa đọc vè vừa gõ song loan nhịp nhàng thì việc chuyển tải sẽ hết sức nhẹ nhàng, hứng thú. Học sinh sẽ thuộc rất nhanh dàn bài “tự biên, tự diễn” hơn là học thuộc dàn bài chung khô khan. Ví dụ, bài vè tả cây cối ở lớp 4: “Nghe vẻ nghe ve/ Nghe vè miêu tả/ Tả cây tả cối/ Phải nói cây gì?/ Nhìn thấy ở đâu?/ Ai trồng ra nó?/ Phải tả đầy đủ/ Thân, rễ, lá, cành/ Quả ngọt, hoa thơm/ Thấy gì tả hết/ Khi đến phần kết?/ Nêu ích lợi cây/ Cái hay, cái tốt/ Rồi phần sau rốt/ Nói cảm nghĩ mình/ Yêu thích thế nào?/ Có gì nói hết/ Nếu cây vườn nhà/ Nhớ chăm, nhớ bón/ nghe vẻ nghe ve/ Nghe vè để nhớ!”. Hay bài vè tả người ở lớp 5: “Nghe vẻ nghe ve/ Nghe vè miêu tả/ Tả người phải nhớ/ Giới thiệu tả ai?/ Dáng điệu, tóc tai/ Đôi môi, cặp mắt/ Cái mũi, làn da/ Áo quần, giọng nói/ Cử chỉ, ngoại hình/ Hành động, tính tình/ Nhớ gì tả hết/ Khi đến phần kết/ Cảm xúc dâng trào/ Yêu ghét thế nào/ Phải nêu cho rõ/ Nghe vẻ nghe ve/ Nghe vè để nhớ”. Với thể loại tập làm văn Tập viết đoạn đối thoại ở lớp 5, thầy cô có thể cho các em diễn kịch. Chắc chắn thể loại văn mới lạ, khô cứng này sẽ được các em tiếp nhận dễ dàng và khắc sâu kiến thức hơn vì các nhân vật Thái sư Trần Thủ Độ, Linh Từ Quốc Mẫu, Ma-ri-ô, Giu-li-et-ta… trở nên hiện hữu và gần gũi hơn. Ở phân môn luyện từ và câu lớp 5, với các bài “Mở rộng vốn từ: Thiên nhiên”, giáo viên có thể cho học sinh sử dụng các bức tranh về thiên nhiên mà các em đã vẽ trong tiết mỹ thuật. Các em sẽ dựa vào tranh mình đã vẽ để đặt câu hay mô tả lại thành đoạn văn tả cảnh thiên nhiên. Bởi một tiết học chỉ có 35 phút, học sinh không thể vừa vẽ tranh vừa tả thành đoạn văn. Cũng với các bài “Mở rộng vốn từ: Thiên nhiên” ở lớp 5 này, thầy cô có thể cho học sinh tìm các bài hát đã học có nói về thiên nhiên và yêu cầu các em hát lại rồi tìm và sử dụng những từ ngữ nói về thiên nhiên có trong bài hát để đặt câu hay viết đoạn văn về chủ đề thiên nhiên này. Rất nhiều bài hát học sinh đã học có nói đến thiên nhiên như: Reo vang bình minh, Hãy giữ cho em bầu trời xanh, Con chim hay hót…, học sinh có thể tìm thấy dễ dàng. Ở lớp 3, khi dạy bài ôn tập mẫu câu kể: “Ai là gì?” ở phân môn luyện từ và câu, giáo viên có thể sử dụng bài hát – bài thơ Quê hương: “Quê hương là chùm khế ngọt… Quê hương là con đò nhỏ…” để tổ chức hoạt động dạy học theo hướng này.

Theo tôi, việc dạy học tiếng Việt thông qua nghệ thuật không quá khó. Với sự năng động, sáng tạo, giáo viên hoàn toàn có thể thiết kế một kế hoạch bài dạy học tiếng Việt qua nghệ thuật tùy theo nội dung bài dạy. Mỗi tiết dạy, giáo viên chỉ cần tổ chức một hoạt động dùng các loại hình nghệ thuật phù hợp với bài dạy và khả năng của học sinh là đã có hiệu quả cao trong việc dạy tiếng Việt ở tiểu học. Giáo viên đừng quá ôm đồm, đừng cố gắng dạy y hệt các tiết dạy minh họa. Bởi các tiết dạy minh họa thường là đã được dàn dựng trước và cách xa với thực tế ở mỗi trường, mỗi lớp. Nhân đây, tôi cũng đề nghị, các tiết dạy minh họa cần sát với thực tế để giáo viên dễ dàng tiếp nhận cái mới, cái hay và cảm thấy không quá khó khăn khi áp dụng. Có như thế, các tiết dạy minh họa mới thật sự hữu ích.

Lê Phương Trí

Bình luận (0)