Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Xóa độc quyền: Giá SGK chưa chắc đã rẻ

Tạp Chí Giáo Dục

Nguyên lý là khi có cạnh tranh, hàng hóa sẽ được nâng cao chất lượng và giá sẽ rẻ hơn so với sản phẩm độc quyền. Tuy nhiên, với hàng hóa là sản phẩm văn hóa đặc thù như SGK thì quy luật ấy  sẽ có những lối đi riêng.

Phụ huynh chọn SGK tại cửa hàng của Công ty Sách – Thiết bị và Xây dựng trường học. Ảnh: Phương Thanh

Đó là chưa kể, khi việc phát hành SGK được phó thác cho thị trường điều tiết thì liệu có tránh được tình trạng "sốt" sách trong những thời điểm nhạy cảm và HS phải mua SGK với giá cao gấp nhiều lần giá bìa như đã từng xảy ra?
In nhiều giá rẻ, in ít giá đắt
Hiện nay việc xây dựng giá SGK được thực hiện như sau: Hằng năm khi có in sách mới, Nhà xuất bản Giáo dục (NXBGD) tự xây dựng giá trên cơ sở các chi phí thực tế theo giá cả thị trường, theo số lượng bản dự kiến phát hành. Sau đó NXBGD trình lên Bộ GD-ĐT, Ban Vật giá Bộ Tài chính. Sau khi được duyệt, NXB thực hiện in. Ngoài các chi phí cơ bản như tất cả các NXB khác (giấy, công in, nhuận bút, tiền lương)… riêng đối với xuất bản SGK còn phải đầu tư thêm một chi phí rất đáng kể cho công tác thẩm định, góp ý hoàn thiện bản thảo SGK. Hiện nay, dư luận cho rằng giá SGK rẻ so với giá sách nói chung nhưng vẫn còn đắt so với giá thành vì có số lượng xuất bản lớn. Nhưng NXBGD lại cho rằng việc giữ ổn định không tăng giá SGK hàng năm chính là giảm giá bởi giá cả thị trường của tất cả  mặt hàng cấu thành SGK đều tăng hàng năm theo chỉ số tăng giá chung.
Các NXB khác cũng đều thừa nhận, giá thành một trang in SGK hiện thấp hơn giá một trang in các ấn phẩm khác nhưng họ cho rằng có thể thấp hơn nữa vì số lượng trang in SGK lớn. Đúng là như thế, nhưng nếu có nhiều bộ SGK, nhiều NXB cùng làm sách (ở đây bao gồm cả việc đặt người viết sách, trả chi phí thẩm định, nhuận bút… chứ không chỉ là khâu xuất bản: biên tập, in và phát hành như nhiều NXB mong muốn khi kêu gọi xóa độc quyền) thì số lượng trang in của mỗi cuốn SGK hay của mỗi bộ SGK có còn lớn như một bộ. Cạnh tranh, thị phần sẽ bị chia cắt, "đầu ra" nhỏ lại. Khi ấy, cơ sở nào để giảm giá thành mà vẫn nâng cao hoặc giữ được chất lượng? Quy luật: in nhiều giá rẻ, in ít giá đắt vẫn luôn đúng.
Phí phát hành, con dao hai lưỡi
Bốn năm trước, việc có nên có 1 chương trình (CT) nhiều bộ SGK cũng đã được đưa vào chương trình nghị sự của Quốc hội. Số đại biểu Quốc hội khi ấy tán thành phương án này chỉ đạt 36,45%, trong khi tỷ lệ tán thành 1 CT, 1 bộ SGK là 61,14%. Thuận theo đa số phiếu, trong Luật GD năm 2005 đã chỉ ghi 1 CT, 1 bộ SGK. Một thời gian dài đã trôi qua, nhưng nhiều vấn đề của CT và SGK thì vẫn thế. Xu thế 1 CT nhiều bộ SGK ngày càng rõ hơn, những mong huy động trí tuệ xã hội trong việc biên soạn, lựa chọn được bộ SGK tốt nhất, phù hợp với từng địa phương. Không ngoài mong muốn ấy, những câu hỏi, những vấn đề đặt ra trong loạt bài viết trên xin được gửi tới ngành GD-ĐT và hy vọng rằng chúng sẽ được trả lời một cách thấu đáo để quyền lợi của học sinh được bảo đảm và sự nghiệp trồng người sẽ ngày càng phát triển khi xóa bỏ độc quyền SGK.
Phí phát hành các loại sách hiện nay rất khó kiểm soát và đây là một nguyên nhân đẩy giá sách lên cao. Với mặt hàng SGK, vì xác định đây là sản phẩm đặc biệt nên phí phát hành hiện đang được quản lý ở mức vừa phải, trung bình 22%, có thay đổi theo vùng miền để đạt mục tiêu cao nhất là giá bán ổn định ở mọi nơi.
Khi nhiều NXB làm sách, để cạnh tranh, người ta sẽ dùng đòn bẩy kinh tế là phí phát hành để làm sao bán được sách. Hàng nghìn trường học, hàng chục triệu học sinh là một thị trường béo bở. Phải có phí phát hành thì sách mới được cõng lên miền núi, đưa ra hải đảo. Nhưng nếu không quản lý tốt, mà rất khó quản lý, thì phí phát hành sẽ tác oai tác quái, thậm chí đến mức sách tốt không đến tay người dùng, thay vào đó là những cuốn sách kém chất lượng.
Phát hành SGK cũng đặc biệt hơn những ấn phẩm văn hóa khác bởi tính mùa vụ rất cao. Cuối và đầu năm học là thời điểm rất nhạy cảm trong công tác phát hành SGK. Lâu nay, chỉ có một bộ sách nhưng việc giữ để không xảy ra "sốt" sách, thiếu sách cũng đã khó khăn. Nay có nhiều bộ sách, việc quản lý thế nào để thị trường không xảy ra tình trạng trên và mọi HS đều có SGK trước ngày khai giảng là điều cũng cần tính đến.
Triệt tiêu tủ sách dùng chung?
Mục tiêu phấn đấu của ngành GD-ĐT là tăng số lượng bản sách trên một HS. Để làm được điều đó, ngoài việc phát hành SGK đến tay HS, tặng SGK cho HS diện chính sách, hoặc giảm giá cho HS khó khăn về kinh tế thì giải pháp cơ bản và bền vững là xây dựng tủ SGK dùng chung. HS có thể đến thư viện mượn hoặc thuê SGK với giá rẻ. Trong nhiều năm, ngành GD-ĐT cũng đã có nhiều cố gắng đầu tư cho thư viện trường học nhưng vì đang trong giai đoạn thay sách nên tỷ lệ này chưa cao. Tuy nhiên, mấy năm nay, SGK chủ yếu đã được tái bản, HS hoàn toàn có thể sử dụng SGK cũ để học nên việc phát triển hệ thống thư viện và áp dụng chế độ mượn, thuê SGK hoàn toàn có thể giảm số lượng HS phải mua và tăng số lượng thuê, mượn SGK. NXBGD có nhiệm vụ và đã đầu tư lớn cho công tác xây dựng thư viện trường học với số tiền hằng năm khoảng dăm bảy tỷ đồng, năm ngoái là 8,5 tỷ.
Đấy là trong điều kiện một bộ SGK. Khi có nhiều bộ SGK thì ai sẽ là người chăm chút cho thư viện nhà trường. Nguồn kinh phí nào để các trường học mua nhiều bộ SGK để HS có thể dùng chung hoặc tham khảo. Việc xây dựng tủ sách dùng chung phụ thuộc rất nhiều vào việc chọn và sử dụng sách của cơ quan quản lý giáo dục địa phương. Và như thế, bài toán tránh lãng phí trong việc sử dụng SGK sẽ vẫn không có lời giải.
Kim Thoa (Theo HNM)

Bình luận (0)