Sự kiện giáo dụcTin tức

Ngày đầu thi vào lớp 10 tại TP.HCM: Thí sinh khó đạt điểm cao

Tạp Chí Giáo Dục

TS làm bài thi môn văn tại HĐT Trường THCS Trần Văn Ơn – Q.1. Ảnh: D.B
Ngày 21-6, gần 50 ngàn thí sinh (TS) đã bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm 2011 với hai môn thi: văn và ngoại ngữ. Ở môn văn nhiều TS bất ngờ vì kiến thức chủ yếu nằm ở chương trình của học kỳ 1, tuy nhiên các em vẫn khẳng định làm được nhưng rất khó đạt được điểm cao. Còn ở môn ngoại ngữ, phần lớn TS thi môn tiếng Anh cho rằng đề thi rất khó…
Đề văn: Thí sinh khá bất ngờ
Ngay sau khi kết thúc môn văn, nhiều TS bất ngờ vì có tới ba câu hỏi nằm ở chương trình học kỳ 1. Tuy nhiên, hầu hết TS đều cho biết các em đã được ôn tập kỹ nên đề ra không quá khó, hoàn toàn vừa sức với mình. TS Bùi Thị Phương Linh (HS Trường THCS Võ Trường Toản), thi tại HĐT Trường THCS Trần Văn Ơn chia sẻ: “Đề thi năm nay hơi “sốc” với tụi em bởi vì trừ câu hỏi về văn nghị luận ra thì đề thi đều nằm ở trong chương trình học kỳ 1. Đặc biệt, ở câu 4 chúng em dự đoán năm nay là Năm hành động của thanh niên nên đề sẽ ra một câu nào trong bài Đồng chí, hoặc Tiểu đội xe không kính… nên đã rất bất ngờ với câu cảm nhận về Truyện Kiều của Nguyễn Du ở học kỳ 1. Tuy nhiên, trong quá trình ôn tập, chúng em đã được ôn kỹ tất cả các phần trong SGK nên vẫn làm tốt bài thi”. Còn đối với phần văn nghị luận xã hội, hầu hết TS đều cho rằng đa số học sinh THCS chưa được trải nghiệm về cuộc sống tự lập nhiều nên khó có thể viết sâu về đức tính này được.
Lý giải các thắc mắc của TS, cô Trần Thúy An, Phó hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn, (Q.1) phân tích: “Nội dung đề thi môn văn vẫn nằm hoàn toàn trong cấu trúc đề thi của Sở GD-ĐT nhưng nội dung chủ yếu nằm trong chương trình học kỳ 1 nên nếu em nào chỉ chú trọng vào ôn tập ở học kỳ 2 thì khó đạt kết quả cao. Ở câu 1, khác với những năm trước, TS học thuộc lòng là làm bài được thì ở đề thi này yêu cầu các em phải hiểu mới vận dụng được. Câu hai là câu tương đối dễ, những TS bình thường cũng có thể làm tốt bài thi. Còn ở câu 3 (văn nghị luận xã hội) đã đưa ra một lời dẫn rất hay để TS có thể dựa vào nội dung lời đề dẫn mà liên hệ với thực tiễn để vận dụng vào bài làm của mình. Hiện nay, tính tự lập của học sinh chúng ta vẫn còn hơi yếu, chủ yếu là dựa dẫm vào bố mẹ, vì thế với câu hỏi này, học sinh sẽ có nhiều mảnh đất để thể hiện suy nghĩ riêng của mình. Tôi cho rằng các em có đủ kiến thức để trình bày những suy nghĩ của mình ở phần văn nghị luận xã hội này vì đây cũng là một trong những kỹ năng, phẩm chất mà nhà trường và gia đình đang trang bị cho các em. Còn ở câu 4, câu chiếm tới 5 điểm trong bài thi cũng khá vừa sức với học sinh nhưng nếu các em không có tư duy văn học thì khó đạt được điểm cao. Đặc biệt, đề yêu cầu TS cảm nhận về cảnh mùa xuân trong bốn câu thơ đầu và sáu câu thơ cuối của đoạn trích Cảnh ngày xuân nên TS phải có chuyển ý phù hợp với những đoạn thơ không liền mạch và yêu cầu TS phải cảm nhận nghệ thuật tả cảnh ngụ tình của nhà thơ từ những biến đổi của thiên nhiên sang những biến đổi trong tâm trạng con người. Nhìn chung đề thi năm nay vừa sức với học sinh nhưng để đạt được điểm 8, 9 là không dễ. Tính phân hóa của đề cũng khá rõ rệt, đặc biệt là ở câu 4 vì chỉ có những em giỏi và có tư chất văn chương mới đạt điểm cao, còn với kiến thức cơ bản thì các em mới chỉ đạt được điểm khá”.
Môn tiếng Anh: TS than không làm được bài thi

Các thí sinh trao đổi bài thi môn văn sáng 21-6. Ảnh: D.Bình
Khác hẳn với môn văn, sau khi kết thúc buổi thi môn tiếng Anh, nhiều TS cho rằng đề hơi khó nên hầu hết đều không làm được bài. TS Nguyễn Hồng Nhung (HS Trường THCS Bàn Cờ), thi tại HĐT Trường THCS Colette than: “Chỉ có 5 câu đầu của phần thứ nhất là dễ, còn lại các phần khác đều có những câu hỏi rất khó, đặc biệt là phần viết lại câu sao cho nghĩa không thay đổi, em dự đoán chỉ làm được khoảng 60%”. Đồng tình với ý kiến này, TS Ngọc Anh, thi tại HĐT Trường THCS Trần Văn Ơn cũng nói: “Đề thì quả thật là rất khó, điểm tổng kết trung bình năm của em trên 7,0 nhưng với đề thi này em chỉ làm được 60%. Rất nhiều TS cùng HĐT của em cũng chia sẻ là chỉ làm được 50-60%”. Đối với những TS có điểm tổng kết môn tiếng Anh ở mức trung bình và khá, đề thi môn tiếng Anh rất khó nhưng đối với các TS có điểm tổng kết môn này ở mức độ giỏi thì các em cũng chỉ dự đoán làm được khoảng 70-80%. TS Huỳnh Thanh Nghi, thi tại HĐT Trường THCS Colette cho biết: “Điểm trung bình tổng kết môn tiếng Anh của em ở trường đạt 9,6 nhưng với đề thi này em chỉ làm được khoảng 80% vì có khá nhiều câu em buộc phải lựa chọn theo sự may rủi. Em nghĩ đề thi tuy có độ khó cao nhưng lại khá phù hợp để phân loại TS”.
Ông Hồ Phú Bạc, Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: “Nếu chỉ dựa vào một môn thi TS không làm được bài mà dự đoán điểm chuẩn cao hay thấp thì chúng ta không thể dự đoán được vì ngoài đề thi khó hay dễ còn nhiều yếu tố khác như số lượng TS dự tuyển vào các trường, chỉ tiêu tuyển sinh của các trường…”.
Nhóm PV

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT, số TS tham dự thi môn văn (lớp thường) đạt 99,24% (41.639 TS/41.956 TS), có 1 TS đến trễ nên không được tham dự kỳ thi, 1 TS bị bệnh. Gần 300 TS vắng không có lý do. Buổi chiều thi môn tiếng Anh, lớp thường có 351 TS vắng, lớp chuyên có 166 TS bỏ thi. Về vấn đề này, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP giải thích: “Nhiều TS đăng ký dự thi lớp 10 nhưng sau đó gia đình lại đăng ký cho các em học tại các trường tư thục, dân lập nên các em bỏ thi. Ngoài ra, một số TS thuộc địa bàn xét tuyển nhưng vẫn đăng ký dự thi lớp 10. Sau khi đăng ký, các em suy nghĩ lại và quyết định không tham gia thi nữa. Bởi nếu thi, các em sẽ mất quyền được xét tuyển vào lớp 10. Tình trạng này cũng thường xảy ra ở những kỳ thi tuyển sinh lớp 10 các năm học trước”… Cũng theo Giám đốc Sở, dự kiến ngày mai 23-6 sẽ có đáp án chính thức cho tất cả các môn thi.

 

Bình luận (0)