Ông Dương Duy Khải, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nguyễn Tất Thành giải đáp thắc mắc cho học viên Trung tâm GDTX Q.7
|
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, học viên trung tâm GDTX sẽ thi chung với học sinh phổ thông. Điều này khiến không ít học viên lo lắng vì họ sẽ có những cơ hội hay thách thức gì khi xét tuyển ĐH, CĐ?
Băn khoăn đó đã được các chuyên gia giải đáp rõ tại buổi khai mạc chương trình tư vấn tuyển sinh “Học nghề, bước kế tiếp cho tương lai” lần III năm 2015 do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức ở Trung tâm GDTX Q.7 (TP.HCM).
Vào ĐH, CĐ không khó
Đó là khẳng định của ông Dương Duy Khải, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nguyễn Tất Thành. Ông Khải cho biết: “Những năm trước, học viên GDTX thi tốt nghiệp có mẫu đề khác với học sinh phổ thông, nhưng năm nay tất cả các em sẽ thi đề chung nhằm hai mục đích là xét tốt nghiệp THPT và ĐH, CĐ. Đây là thách thức cũng như cơ hội đối với học viên GDTX vì các em phải cố gắng chứng tỏ “học viên GDTX không hề thua kém học sinh phổ thông”, đồng thời đây cũng là cơ hội vì bằng tốt nghiệp đều giống nhau”.
Đồng tình với ý kiến này, ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, khẳng định: “Năm nay học viên GDTX sẽ thi chung với học sinh phổ thông, bằng được cấp có giá trị như nhau, điều này chứng tỏ các em có khả năng học lực như học sinh phổ thông. Tuy nhiên, điều quan trọng là các em phải nắm vững năng lực học tập của mình đến đâu để tham gia vào bậc học phù hợp”.
Đối với cơ hội xét tuyển vào ĐH, CĐ, ông Khải phân tích: “Năm nay có nhiều trường ĐH, CĐ xét tuyển bằng học bạ. Nếu đạt điểm tối thiểu học lực trung bình 3 năm THPT từ 6,0 trở lên thì các em sẽ được xét tuyển vào ĐH; 5,5 trở lên sẽ xét vào CĐ. Một số trường chỉ xét điểm THPT 3 môn ở tổ hợp môn xét tuyển từ 6,0 trở lên vào ĐH; từ 5,5 trở lên vào CĐ. Như vậy, cánh cửa vào ĐH mở rộng nhưng thực tế đầu ra sẽ nhỏ lại vì thực tế nhiều em không đánh giá đúng năng lực của mình nên vào ĐH 6-7 năm cũng không tốt nghiệp được. Một số em thả lỏng học tập, đến giờ kiểm tra đối phó với giảng viên bằng quay cóp thì ra trường dù có bằng tốt nghiệp nhưng đó là “bằng thật, người giả”, vì vậy ra trường cũng rất khó có việc làm”.
Bằng thật, người giả?
Không hề rụt rè, nhiều cánh tay giơ cao ngay sau khi các chuyên gia tư vấn về những điểm chung nhất của kỳ thi THPT quốc gia. Trong đó, vấn đề “bằng thật, người giả” mà chuyên gia tư vấn đặt ra được nhiều học viên thắc mắc nhất.
“Điều quan trọng là các em phải nắm vững năng lực học tập của mình đến đâu để tham gia vào bậc học phù hợp. Thị trường lao động hiện nay chỉ cần khoảng 12-15% trình độ ĐH, CĐ; 35% trình độ TC; khoảng 45% trình độ sơ cấp, công nhân kỹ thuật…”, ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, chia sẻ.
|
Em Cao Thúy Hiền (học lớp 12A2) phân vân: “Nếu tốt nghiệp ĐH xong mà “bằng thì thật, còn người lại giả” thì trách nhiệm của các trường đào tạo ở đâu?”.
Ông Dương Duy Khải tâm đắc: “Học ĐH các em đã 18 tuổi nên ý thức tự học vẫn là chính, nhà trường rất ít khi mời phụ huynh lên trao đổi, chỉ có những sinh viên vi phạm kỷ luật nặng mới mời phụ huynh đến trường làm việc. Vì thế, một số em đã tự do thái quá, không chịu học tập, đối phó với giảng viên bằng việc quay cóp bài, ít chịu khó nâng cao tay nghề. Nhà trường chắc chắn sẽ có trách nhiệm với sinh viên, tuy nhiên không thể phó mặc hết cho nhà trường được. Ví dụ, ở trường chúng tôi, những sinh viên nghỉ thường xuyên, kết quả học tập yếu kém sẽ được Phòng quản lý giáo dục lập danh sách đưa vào chế độ “chăm sóc đặc biệt” để mời sinh viên lên làm việc, trong học kỳ 2 không thay đổi sẽ mời phụ huynh đến”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Duy Thơ, Hiệu trưởng Trường MaacViet Arena, chia sẻ: “Vào ĐH, các em phải tự học, tự phấn đấu là chính, không phấn đấu thì sẽ tụt hậu. Riêng với trường dạy nghề có quy định khá chi tiết về nhiệm vụ của giáo viên dạy như thế nào, nhiệm vụ của học sinh là làm gì. Đối với Trường MaacViet Arena, cứ 3 tháng/lần, chúng tôi sẽ gửi bảng điểm và danh sách thi lại những môn nào cho phụ huynh biết”.
Bài, ảnh: Dương Bình
HỎI – ĐÁP
Em đã tốt nghiệp THPT, vậy em phải đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ như thế nào?(Lê Thị Diễm My, cựu học viên Trung tâm GDTX Q.7, hỏi)
– ThS. Lê Dũng, đại diện Ban tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (Hutech), trả lời: Với thí sinh đã tốt nghiệp THPT, các em nên tìm hiểu các trường xét tuyển điểm kỳ thi THPT quốc gia để đăng ký cụm thi do trường ĐH tổ chức. Hiện có nhiều trường xét tuyển bằng học bạ, em nên xem lại điểm trung bình các tổ hợp môn xét tuyển hoặc tất cả các môn trong 3 năm THPT xem đủ điều kiện không thì nộp hồ sơ tại các trường xét tuyển.
Em muốn học hai trường song song, vừa học ở Trường MaacViet Arena, vừa học một trường ĐH khác. Vậy nhà trường có tạo điều kiện để em học cùng một lúc hai trường hay không? (Một học viên nam hỏi).
– Ông Nguyễn Duy Thơ, Hiệu trưởng Trường MaacViet Arena, trả lời:Hiện nay, Trường MaacViet Arena có khoảng 80% sinh viên các trường ĐH như ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Bách khoa, ĐH Sư phạm TP.HCM… và một số sinh viên đã tốt nghiệp ĐH theo học. Lớp học được chia nhiều ca như sáng, trưa, tối hoặc chiều thứ bảy và nguyên ngày chủ nhật nên các em có thể bố trí thời gian phù hợp để vừa có thể học ĐH, vừa có thể nâng cao kỹ năng tay nghề tại trường đào tạo nghề.
M.Châu (ghi)
|
Bình luận (0)