Từ lâu việc dự giờ thăm lớp đã trở thành điều bắt buộc đối với giáo viên để học hỏi kinh nghiệm của đồng nghiệp mình. Tuy nhiên việc dự giờ thế nào để đạt hiệu quả lại là vấn đề ít được các trường quan tâm. Ngay cả số tiết dự giờ của mỗi giáo viên trong các trường khác nhau cũng không có sự thống nhất. Có trường thì hiệu trưởng chỉ bắt giáo viên dự giờ 2 tiết trong một năm nhưng cũng có trường thì lại là 4 tiết hoặc nhiều hơn.
Chất lượng hay số lượng
Cô Bùi Thị Kim Châu, giáo viên Trường THCS Võ Văn Tần ở huyện Đức Hòa, tỉnh Long An cho biết trường của cô vì là trường lớn với số giáo viên quá đông cho nên ban giám hiệu nhà trường qui định là mỗi giáo viên chỉ lên tiết thao giảng 2 tiết trong một năm. Cứ đầu năm học là nhà trường lên kế hoạch dự giờ rải đều cho các tháng trong năm học, qua đó qui định giáo viên rơi vào tháng nào thì trong tháng đó giáo viên phải hoàn thành 2 tiết dự giờ của mình. Đây quả là cách tổ chức dự giờ hay cần để các trường khác học tập. Bởi vì xét kỹ ra chưa hẳn giáo viên dự giờ quá nhiều lại có lợi vì mất nhiều thời gian, công sức của giáo viên. Giáo viên rất cần thời gian để nghiên cứu bài dạy chấm bài cho các em học sinh. Có rất nhiều giáo viên than rằng họ luôn tất bật với công việc nhà trường đến nỗi có khi suốt ngày họ không có thời gian giải trí. Việc xem ti vi cũng trở thành việc xa xỉ đối với họ. Thử hỏi giáo viên cứ làm việc quần quật như cái máy đến nỗi không có thời gian giải trí thì liệu chất lượng giảng dạy có nâng cao hay không? Vì vậy việc giảm số tiết dự giờ cho mỗi giáo viên là việc nên làm để giảm áp lực cho giáo viên.
Đừng để việc dự giờ là một gánh nặng
Nếu như giáo viên dự giờ để học hỏi kinh nghiệm là điều nên làm. Có nhiều trường ban giám hiệu lại xem việc dự giờ là cách kiểm tra tay nghề của giáo viên gây sự bất bình trong giáo viên. Tệ hại hơn có nhiều hiệu trưởng còn đưa ra qui định là họ có thể dự giờ giáo viên đột xuất. Nếu giáo viên dạy mà không có giáo án hay dạy không đạt yêu cầu thì họ sẽ tính vào điểm thi đua và có biện pháp kỷ luật thích đáng. Có lẽ các vị hiệu trưởng đã quên rằng chính việc họ dự giờ mới làm cho giáo viên ức chế tâm lý và dạy tiết học đó không tốt. Dạy học từ lâu được xem là nghề nghiệp luôn cần sự sáng tạo của người thầy. Liệu người thầy có thể phát huy sự sáng tạo của mình hay không nếu luôn nơm nớp lo sợ bởi sự kiểm tra gắt gao của người khác. Cho nên vấn đề đặt ra là việc dự giờ để kiểm tra tay nghề của giáo viên hiện nay có cần hay không? Thiết nghĩ giáo viên đều tốt nghiệp trường sư phạm, họ đã được sát hạch qua các đợt kiến tập, thực tập trong những năm học ở trường sư phạm. Ngoài ra trước khi vào biên chế nhà nước họ cũng được kiểm tra tay nghề qua các tiết dự giờ tại trường. Vì vậy mỗi giáo viên đều có đủ năng lực để đứng trên bục giảng để truyền thụ kiến thức cho học sinh. Không thể chỉ qua một vài tiết dự giờ mà có thể đánh giá tay nghề giáo viên yếu kém được. Vả lại chưa chắc ban giám hiệu nhà trường có năng lực dạy tốt hơn giáo viên nên việc họ đánh giá tiết dạy của giáo viên e rằng không chính xác và trung thực. Không làm cho giáo viên tâm phục, khẩu phục.
Để việc dự giờ đạt hiệu quả
Như vậy để những tiết học có dự giờ thật sự hữu ích cho giáo viên thì ban giám hiệu nhà trường cần có kế hoạch cụ thể vào mỗi đầu niên học. Dự giờ không cần chạy theo số lượng mà hãy chú ý đến chất lượng. Chỉ những giáo viên cùng bộ môn (ở bậc trung học) hoặc cùng khối lớp (ở bậc tiểu học) mới nên cho dự giờ lẫn nhau để học tập kinh nghiệm. Đối với những giáo viên không có những đóng góp chân tình cho đồng nghiệp mà chỉ lợi dụng sự góp ý của mình để hạ thấp đồng nghiệp thì cần được xử lý nghiêm minh. Bởi vì nếu như vì dự giờ mà đồng nghiệp xích mích thì tốt nhất không nên dự giờ. Vả lại mỗi thầy giáo đều có phương pháp giảng dạy của mình sao cho học sinh dễ hiểu bài, các thầy cô dự giờ không nên yêu cầu đồng nghiệp mình phải dạy theo cách của mình vì như thế chắc gì học sinh tiếp thu bài tốt.
Ngoài ra ngành giáo dục cần xem lại những tiết dự giờ thanh tra của phòng giáo dục hay thanh tra trường có cần thiết hay không? Nhiều giáo viên than rằng năm nào họ cũng phải chịu sự thanh tra của phòng giáo dục hoặc của trường. Họ luôn cảm thấy áp lực quá nặng và không thấy phấn khởi khi lên lớp. Trước đây rất nhiều giáo viên không hề thích làm các công tác trong nhà trường như công tác thư viện hay thiết bị nhưng bây giờ thì rất nhiều người sẵn sàng làm những công việc này thay cho việc đứng lớp giảng bài. Khi giáo viên không còn thấy mỗi tiết dạy trên lớp là một niềm vui thì liệu chất lượng của việc dạy và học có nâng cao hay không? Câu hỏi này có lẽ dành cho các vị lãnh đạo ngành giáo dục trả lời là hợp lý nhất.
Nguyễn Thanh Dũng
(Giáo viên Trường THCS Phước Lý, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An)
Bình luận (0)