Sự kiện giáo dụcTin tức

Tổn thất do lũ, nhìn từ góc độ an sinh xã hội

Tạp Chí Giáo Dục

Mùa lũ năm 2011 ở Đồng Tháp Mười đã qua giai đoạn khó khăn nhất, các mặt cuộc sống, sinh hoạt đang trở lại bình thường: Học sinh đã đến trường, chợ đã họp, đường sá đã thông thương, nông dân đang bắt đầu xuống giống vụ lúa đông xuân…

Bây giờ là lúc có thể bình tâm đánh giá mùa lũ, nhất là những tổn thất về mặt an sinh xã hội.

Ngập vì lo… không ngập
Mùa lũ năm nay, rất nhiều điểm trường ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười (ĐTM) thuộc tỉnh Long An bị ngập, học sinh buộc phải tạm thời nghỉ học chờ cho lũ rút. Trong đó, hầu hết các trường đều mới được xây sau năm 2000. Sau mùa lũ lịch sử năm 2000, tỉnh Long An đã chủ động xây dựng Chương trình An sinh vùng lũ để giúp người dân vùng ĐTM có thể sống chung với lũ, trong đó có nội dung: Các công trình xây dựng mới ở vùng ĐTM phải có cao độ cao hơn đỉnh lũ năm 2000. Vậy mà các trường mới xây dựng vẫn bị ngập. Nhiều công trình đường giao thông ở đây mới được xây dựng trong thập niên vừa qua cũng bị lũ năm 2011 ngập sâu, làm ngưng trệ việc giao thông đường bộ suốt cả tháng trời.
Trả lời báo giới vì sao các công trình xây dựng sau năm 2000 vẫn bị lũ năm 2011 gây ngập, dù đỉnh lũ năm 2011 còn thấp hơn 40 – 50cm so với đỉnh lũ năm 2000, ông Trần Kim Lân – Giám đốc Sở Xây dựng Long An – trả lời, đại ý: Thực tế có rất nhiều công trình mới xây dựng ở vùng ĐTM không bị ngập, cao trình còn cao hơn đỉnh lũ năm 2011 cả mét, đó là những công trình làm đúng cao trình theo qui định của Chương trình An sinh vùng lũ. Tuy nhiên, vì suốt hơn 10 năm qua ở ĐTM không có lũ lớn, nên khi xây dựng các công trình mới, các địa phương cảm thấy “xót” khi chi phí san lấp mặt bằng quá lớn, trong khi nước lũ luôn thấp hơn vài mét. Vì vậy một số địa phương đã xin hạ cao trình để giảm chi phí đổ nền, hạ giá thành công trình. Những công trình như thế trong những năm qua chưa hề bị ngập, nhưng đến mùa lũ năm nay thì phải “chịu thua”.
Quả ngọt sẻ chia, trái đắng nuốt trọn
Năm nay toàn huyện Tân Hưng (Long An) có khoảng vài ngàn hécta lúa vụ ba. Chỉ riêng xã Hưng Điền B có hơn 400ha lúa vụ 3. Khi lúa còn khoảng 2 tuần nữa thu hoạch, nước lũ đột ngột dâng cao, đe dọa cánh đồng lúa sắp chín. Các hộ nông dân, với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, đã tập trung gia cố đê bao bảo vệ lúa. Thế nhưng, cuối cùng rồi nước cũng nhấn chìm đồng lúa, làm mất trắng vài chục hécta, gây thiệt hại khoảng 100ha khác khi phải thu hoạch sớm chạy lũ. Hộ gia đình nông dân Nguyễn Văn Tâm là một trong những hộ chịu thiệt hại nhiều hơn cả. Thế nhưng, khi tiếp xúc với chúng tôi, ông Tâm vẫn tỉnh bơ. Khi xuống giống vụ 3, ông cũng hình dung năm nay có lũ, nhưng không ngờ lớn đến mức ấy. Ông cho biết, nếu mùa màng suôn sẻ thì vụ 3 đem lại hiệu quả khoảng 10 triệu đồng/ha, còn mất trắng như năm nay, nông dân cũng bị lỗ tương đương con số đó. “Làm ăn thì phải chấp nhận rủi ro”, ông Tâm nói.
 Cảnh ngập lũ ở ĐTM.
Cảnh ngập lũ ở ĐTM.
Ông Hồ Văn Bún – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Vĩnh Hưng – cho rằng: “Người nông dân chấp nhận rủi ro để làm ra hạt lúa. Thế nhưng, khi được mùa thì “quả ngọt” ấy được chia xẻ cho nhiều thành phần, người nông dân chỉ còn lại phần nhỏ. Còn khi rủi ro mất trắng như năm nay, “trái đắng” đó người nông dân phải nuốt trọn”.
Người nông dân ĐTM chịu cảnh nước ngập sâu suốt nhiều tháng qua, nhưng họ cũng có niềm an ủi là sau khi lũ rút, vụ lúa đông xuân sắp tới sẽ gặp nhiều thuận lợi: Ít tốn chi phí để trừ thiên địch; giảm chi phí phân bón; năng suất lúa cao hơn… Thế nhưng, họ lại không có quyền định đoạt số phận của mình, khi mà chuyện mua bán, xuất khẩu lúa gạo do các doanh nghiệp xuất khẩu quyết định. Sau lũ, lúa ở ĐTM sẽ trúng, trong khi lượng lúa gạo trên thế giới sẽ khan hiếm hơn. Điều đó không có nghĩa nông dân ĐTM sẽ bán được lúa giá cao, có lời nhiều, bù đắp cho những thiệt hại mà mùa lũ vừa mới gây ra đối với họ.
Gia cố đê bao bảo vệ lúa.                Ảnh: K.Q
Gia cố đê bao bảo vệ lúa. Ảnh: K.Q
Sau lũ là an sinh
Dù mang đến không ít thiệt hại, khó khăn cho người dân ĐTM, nhưng mùa lũ 2011 đã có giá trị như liều “thuốc thử” giúp chính quyền, nhân dân nơi đây nhìn nhận lại Chương trình An sinh vùng lũ một cách đầy đủ hơn. Chính quyền tỉnh Long An tin tưởng sau mùa lũ năm nay, người dân sẽ vào sống trong các cụm, tuyến dân cư vượt lũ đầy hơn, giúp cho chương trình lớn này phát huy hiệu quả. Một khi người dân chịu vào sống trong các cụm, tuyến dân cư, không khó để đưa các cụm, tuyến dân cư trở thành những khu dân cư sầm uất, bảo đảm điều kiện ăn ở, vệ sinh, góp phần xây dựng nông thôn mới trên vùng ĐTM.
Một cán bộ ngành giáo dục Long An cho biết, với “sự cố” mùa lũ năm 2011, ngành giáo dục sẽ tính cách để các năm sau dù có lũ lớn như thế thì học sinh vẫn đến trường bình thường trong mùa lũ. Trong khi đó, ngành giao thông vận tải Long An đang nhanh chóng sửa chữa những tuyến đường liên xã, liên ấp bị hư hỏng do ngập lũ. Họ cũng đang có kế hoạch để không xảy ra tình trạng ngập đường, ách tắc giao thông khi có lũ lớn.
Lũ là chuyện “hàng năm ở ĐTM”, chịu đựng và khai thác cái lợi do lũ mang lại đã trở thành thói quen của người dân nơi đây. Nếu như khó khăn do lũ mang đến cho người dân ĐTM được cộng đồng dang tay chia sẻ nhiều hơn, còn cái lợi do lũ mang lại (lúa trúng mùa sau đó) không phải “chia năm xẻ bảy, thì cuộc sống của người dân vùng ĐTM có lẽ không quá khó khăn như hiện nay.
Theo Kỳ Quan
(laodong)

Bình luận (0)