Cởi bỏ tấm áo tác phẩm văn học, những nhân vật như hai đứa trẻ, Chí Phèo, Huấn Cao, viên quản ngục, Xuân tóc đỏ… từ đời thường bước lên sân khấu là cách học văn thú vị được Tổ ngữ văn Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu (huyện Hóc Môn, TP.HCM) thực hiện ở hai lớp 11B5 và 11B6 qua hoạt động sân khấu kịch học đường.
Tác phẩm Hai đứa trẻ bước lên sân khấu học đường
Mỗi lớp được chia thành 4 nhóm, mỗi nhóm xây dựng một kịch bản chuyển thể từ 4 tác phẩm: Hai đứa trẻ, Chữ người tử tù, đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia, Chí Phèo. “Dù là “tay ngang” nhưng những kịch bản được học sinh xây dựng khiến giáo viên rất bất ngờ. Mỗi kịch bản đều có sự liền mạch về tình huống, được các em đầu tư trang phục, hóa trang nhân vật, đạo cụ, âm thanh, ánh sáng. Đặc biệt là không gian, bối cảnh của vở kịch cũng như diễn xuất được học sinh hết sức chú trọng, cố gắng truyền tải tính cách, cao trào của từng câu chuyện”, cô Trương Võ Ngọc Châu (giáo viên môn ngữ văn) chia sẻ.
Từ trải nghiệm học tập này, giờ học môn văn trở thành buổi diễn kịch học đường, lớp học trở thành sân khấu. Trước ngày diễn ra tiết học, mỗi nhóm đã đăng những tấm poster quảng cáo về vở kịch của nhóm được thiết kế bằng công nghệ thông tin lên mạng xã hội để truyền thông. Những diễn viên diễn xuất tốt sẽ được bình chọn và trao giải thưởng “Diễn viên được yêu thích nhất của sân khấu kịch học đường” trên Fanpage Khơi nguồn sáng tạo nghệ thuật học đường. “Sân khấu hóa tác phẩm văn học không phải là hình thức dạy học mới. Song để chuyển thể một vở kịch từ tác phẩm văn học phải trải qua nhiều công đoạn chuẩn bị và có sự đầu tư, cần phải đọc kỹ tác phẩm trước khi chuyển sang kịch bản, nhập vai để lột tả được tính cách của nhân vật”, cô Châu cho hay. Điều ấn tượng nhất chính là cách học sinh sáng tạo khi truyền tải tác phẩm, từ kịch bản đến hóa trang nhân vật, tự thiết kế trang phục bằng giấy, mượn trang phục của người thân biến tấu sao cho phù hợp với vai diễn. Đạo cụ cũng được tận dụng từ các vật liệu trong gia đình, sử dụng cồn nến để tạo khói cho đoàn tàu mô hình trong truyện Hai đứa trẻ, biến tấu phần kết đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia khi cho cụ cố tổ sống dậy… “Sau vở kịch, các nhóm có lời bình về bài học rút ra từ tác phẩm. Thông qua trải nghiệm này, ngoài kiến thức môn học, tình yêu khơi nguồn sáng tạo trong môn học, còn là cách để học sinh tự phát hiện năng khiếu bản thân với nghệ thuật, định hướng nghề nghiệp cho các em trong tương lai”, cô Châu nhấn mạnh.
Sắm vai Xuân tóc đỏ trong đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia, Phạm Nguyễn Hồng Phát (lớp 11B5) cho hay, công đoạn khó nhất trong quá trình chuyển thể là làm sao diễn cho nhập tâm, thể hiện được thần thái của nhân vật. Cả nhóm mất vài tuần để xây dựng kịch bản, phân vai, tập diễn xuất, suy nghĩ về cách làm poster, quay trailer sao cho ấn tượng. Với cách học này, các thành viên trong nhóm học được nhiều kỹ năng, tác phẩm trở nên dễ hiểu, dễ nhớ. Mỗi bạn cũng được làm quen với nghệ thuật thứ 7, qua đó định hướng sớm nghề nghiệp cho những bạn yêu thích.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)