Sự kiện giáo dụcTin tức

Mong có cơ chế bảo vệ người tố giác tội phạm

Tạp Chí Giáo Dục

Vụ côn đồ chém “hiệp sĩ” bắt tội phạm xảy ra tại thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương) thời gian qua gây bức xúc cho người dân. Hành động dũng cảm của một thanh niên dám đấu tranh với bọn xấu, đã bị trả thù bằng những nhát dao chí mạng. Đây không phải là trường hợp đầu tiên người tham gia đấu tranh với bọn tội phạm bị đe dọa, hành hung và thậm chí bị giết hại để trả thù cho những việc làm của họ dám đứng lên bảo vệ sự yên lành cho cuộc sống của người dân.

Ước tính, từ năm 2010 đến nay, trên cả nước đã có hơn 10 trường hợp như anh Nguyễn Tăng Tiên, thành viên CLB Phòng chống tội phạm phường An Bình, thị xã Dĩ An bị bọn côn đồ hành hung gây nguy hiểm đến tính mạng. Máu của những con người dũng cảm đã đổ xuống để bảo vệ cuộc sống bình yên cho mọi người.

Những năm qua, hưởng ứng phong trào “Vì an ninh Tổ quốc, vì cuộc sống bình yên của nhân dân” do Bộ Công an phát động, trên cả nước đã xuất hiện nhiều mô hình, nhiều cá nhân và tổ chức tham gia cùng lực lượng công an đấu tranh phòng chống tội phạm. Trong đó, tỉnh Bình Dương được cho là địa phương đi đầu cả nước về phong trào này. Tính đến nay, toàn tỉnh có 61/91 phường – xã – thị trấn thành lập được các nhóm thanh niên tình nguyện, CLB Phòng chống tội phạm thu hút hơn 1.000 người tham gia. Hàng năm, lực lượng này đã cung cấp hàng ngàn nguồn tin có giá trị cho lực lượng công an và trực tiếp tham gia tố giác, tuy bắt hàng trăm vụ trộm cắp, hoạt động bất hợp pháp của bọn tội phạm trên địa bàn. Một con số không nhỏ nói lên sự đồng lòng, chung sức của người dân dám đứng lên đấu tranh với bọn xấu để bảo vệ cuộc sống bình yên cho mọi người.

Thế nhưng, qua vụ anh Nguyễn Tăng Tiên bị bọn côn đồ hành hung để trả thù, mới thấy các nhóm thanh niên tình nguyện và CLB Phòng chống tội phạm trên được thành lập thời gian qua hoạt động không có quy chế, không có văn bản mang tính pháp lý để bảo vệ người tham gia đấu tranh với tội phạm và không có cả chế độ, chính sách quan tâm đến họ khi bị hiểm nguy trong lúc làm nhiệm vụ. Qua vụ việc trên, đã có “hiệp sĩ” nản chí, không yên lòng trước những mối nguy bị trả thù, bị những cán bộ tiêu cực, mất phẩm chất trong lực lượng công an và trong các cơ quan chức năng có hành vi bao che cho bọn tội phạm nhằm vô hiệu hóa hoạt động đấu tranh chống cái xấu, cái ác của họ.

Chính vì vậy, hơn lúc nào hết, cả xã hội cần đứng về phía họ, những con người dũng cảm trong cuộc đấu tranh với bọn tội phạm đang lộng hành khắp nơi. để họ yên tâm và cảm thấy không cô độc trong cuộc đấu tranh này, Nhà nước cần có cơ chế khuyến khích, động viên và bảo vệ họ trước những mối nguy hiểm rình rập khi tham gia đấu tranh với bọn tội phạm. Trước tiên, phải có quy chế hoạt động cụ thể của những tổ chức, đội nhóm phòng chống tội phạm được lập ra trong thời gian qua.

Từ đó, tổ chức bồi dưỡng, hướng dẫn về nghiệp vụ công tác phòng chống tội phạm và trang bị dụng cụ, phương tiện cho đội ngũ những người tham gia vào các tổ chức này. Đồng thời, cần có chính sách quan tâm đến đời sống, sinh hoạt của họ và chăm sóc, chữa trị, giải quyết tốt các chế độ đối với những trường hợp bị thương tật, bị hy sinh trong khi làm nhiệm vụ nguy hiểm này. Có như vậy, họ mới thực sự yên lòng, cảm thấy không đơn độc trong cuộc chiến chống lại cái ác để giành lấy cuộc sống bình yên cho nhân dân.

MINH ĐỨC / SGGP

Bình luận (0)