Thí sinh tại Hội đồng thi Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM sáng 9-7. Ảnh: M.T
|
Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ đợt 2 năm nay được đánh dấu bằng một ấn tượng quan trọng đó là tỷ lệ thí sinh khối C, khối D dự thi rất cao.
Ngành xã hội: Ít ảo
Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, buổi thi đầu tiên có tới hơn 80% thí sinh (TS) đăng ký dự thi. Như vậy, so với khối A và V thì các khối còn lại của kỳ thi tuyển sinh ĐH TS dự thi đông và hồ sơ ít ảo. Ông Lương Khắc Hiếu, Phó hiệu trưởng Học viện Báo chí tuyên truyền cho biết tỷ lệ TS đến dự thi vào trường thấp hơn năm 2010 khoảng 5% nhưng khối C vẫn đạt 71,34%. Còn tại Học viện Hành chính, tỷ lệ TS dự thi khối C của trường đạt tới 78%. Như vậy, tuy số lượng hồ sơ giảm nhưng tỷ lệ dự thi của khối C lại khá cao, thậm chí còn cao hơn khối A. Ông Lương Khắc Hiếu cho biết thực chất, những năm trở lại đây, số lượng TS đăng ký khối C của trường có giảm nhưng chất lượng đầu vào vẫn ổn định. Còn tại ĐH Sư phạm, khối C vẫn là khối có điểm chuẩn khá cao, như ngành sư phạm văn học năm 2010 là 24,5 điểm. Giải thích về sự sụt giảm số lượng, ông Nguyễn Văn Hiền, Trưởng phòng Hành chính tổng hợp của trường cho rằng do có nhiều trường ĐH được mở ra nên TS có nhiều lựa chọn hơn.
Siết chặt kỷ luật, vi phạm vẫn tăng
Mặc dù đã được tăng cường kỷ luật so với đợt thi đầu tiên, nhưng số TS bị kỷ luật trong đợt thi thứ 2 này vẫn không thuyên giảm. Đặc biệt, có trường hợp giám thị bỏ coi thi và phát hiện giấy báo thi giả.
Chỉ trong ngày thi đầu tiên 9-7, đã có 107 TS vi phạm quy chế (toàn đợt 1 chỉ có 126 TS bị kỷ luật). Trong đó, khiển trách 15 em, cảnh cáo 2 và đình chỉ 90. Có 1 cán bộ coi thi bị kỷ luật do đến trễ.
Cụ thể, tại khu vực TP.HCM, tại Hội đồng thi Trường ĐH KHXH-NV, một cán bộ coi thi bị kỷ luật do bỏ coi thi, sau đó cán bộ khác đã thực hiện coi thi thế. Trường ĐH Luật có 1 TS làm bài thi với 2 màu mực do bút đang dùng đột ngột hết mực; 1 TS khác đang thi thì bị ói do trúng gió, sau đó vẫn tiếp tục làm việc. Trong đợt này, vẫn còn nhiều trường hợp TS đi trễ do không nắm rõ thời gian thi và bị bỏ thi do đau ốm. Học viện Hành chính quốc gia có 1 TS bị cảnh cáo do xem lại giấy nháp của bạn. Hội đồng thi Trường ĐH Y dược có 1 TS sau 45 phút làm bài thì lên cơn đau tim và đã được cấp cứu tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương.
Giấy báo thi giả được phát hiện tại Hội đồng thi Trường ĐH Nông lâm TP.HCM chiều 9-7, khi có một TS thông báo mất giấy báo thi số 1 và yêu cầu được cấp giấy báo thi thứ 2.
Trong buổi thi môn văn, Học viện Ngoại giao đã đình chỉ một TS mang điện thoại vào phòng thi. Bà Đoàn Thị Phương Dung, Trưởng phòng Hành chính tổng hợp của học viện cho biết, khoảng 30 phút sau khi bắt đầu tính giờ làm bài, TS này có ý định lôi điện thoại ra sử dụng nhưng đã bị giám thị phát hiện kịp thời. Hội đồng thi ĐH Ngoại thương cũng phát hiện một TS mang điện thoại vào phòng thi. Mặc dù máy để ở chế độ tắt nhưng hội đồng vẫn đình chỉ thi theo đúng quy định.
Tại Trường ĐH KHXH-NV – ĐH Quốc gia Hà Nội đã phát hiện hai TS mang tài liệu vào phòng thi. Theo PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, Phó hiệu trưởng nhà trường thì sau giờ làm bài gần hai tiếng đồng hồ, giám thị tại điểm thi của trường đã phát hiện và đình chỉ thi hai TS này.
Thêm nhiều TS được đặc cách
So với đợt 1, đợt thi này cả nước có nhiều TS được đặc cách hơn. Phó trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM Phạm Tấn Hạ thống kê, đợt này, trường xét tuyển thẳng cho bốn TS khiếm thị là Nguyễn Trí Tín (TP.HCM) vào ngành tâm lý học, Nguyễn Quang Nhị (Hà Tĩnh) vào ngành công tác xã hội, Nguyễn Văn Chung (Hà Tĩnh) và Đỗ Minh Trí (Bến Tre) vào ngành xã hội học. Trong bốn TS này, có hai em tốt nghiệp THPT loại giỏi, hai TS còn lại loại khá. Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cũng xét đặc cách cho 10 TS khuyết tật. Trong đó, có hai TS khiếm thị vào Khoa Toán, số còn lại các em chọn vào ngành giáo dục đặc biệt. Hai TS khiếm thị được đặc cách vào ĐH Đà Nẵng là Lê Quang Đạt và Võ Đình Cường (học sinh Trường Chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu, Đà Nẵng).
Cũng là TS khiếm thị nhưng những TS đăng ký dự thi ở trường khác thì được tuyển thẳng, nhưng ba TS khiếm thị đăng ký ở ĐH Sư phạm Hà Nội phải thi. Ông Hiền cho rằng các TS này thi nhưng trường sẽ có mức điểm chuẩn khác, không giống như tất cả các TS bình thường khác.
Điểm mới của tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay gây nhiều chú ý nhất cho dư luận đó là Bộ GD-ĐT đã giao quyền cho các trường được phép xét tuyển thẳng những TS khuyết tật không đủ năng lực tự phục vụ bản thân vào học nếu phù hợp. Tuy nhiên, sự hướng dẫn không có tiêu chí cụ thể nên dẫn đến tình trạng mỗi nơi tuyển sinh một “phách”. Bốn TS khiếm thị đã vô cùng hạnh phúc khi được tuyển thẳng vào ĐH Bách khoa Hà Nội, hay như 10 TS khiếm thị khác cũng được tuyển thẳng vào ĐH Huế. Đây là một tin tốt lành đối với những TS vốn sinh ra đã kém may mắn trong cuộc sống. Tuy nhiên, sự “may mắn” này không mỉm cười đối với tất cả các TS khuyết tật. Mọi người vô cùng xúc động trước hành động một TS bị liệt hai chân, ngồi xe lăn được các bạn sinh viên tình nguyện giúp đỡ tại Học viện Bưu chính viễn thông và ngay lập tức, TS này được nhà trường hướng dẫn làm thủ tục để được đặc cách vào thẳng. Ở hai trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, TS khác cũng bị liệt hai chân vẫn phải cặm cụi thi hết ba môn thi. Hay như một bạn TS ở Nghệ An, liệt hai tay vẫn phải dùng chân để hoàn thành các bài thi của mình.
Lỗi ở đây không thuộc về các trường hay các bạn TS mà ở hướng dẫn thiếu tính minh bạch cụ thể của Bộ GD-ĐT. Nếu như hướng dẫn của bộ cụ thể hơn thì có lẽ sẽ có nhiều TS khuyết tật có thêm cơ hội được vào thẳng ĐH thực hiện ước mơ của mình.
Nhóm PV
Bình luận (0)