Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

“Ngày phụ nữ”… không quà

Tạp Chí Giáo Dục

Bà Hương được khách hàng khen ngợi là người giỏi tay nghề không thua gì nam giới
Gần 20 năm rồi, trong khi cô giáo ở nhà bên cạnh được chồng tặng hoa, tặng quà nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ, thì bà Trần Thị Bảo Châu bằng lòng với hạnh phúc mình có. Vào ngày đó, chồng bà tỉ mỉ lau sạch từng món đồ nghề sửa xe máy cho vợ. Hạnh phúc giản đơn đó như tiếp thêm nghị lực cho những người phụ nữ như bà Châu, những người vì cơ duyên mà quanh năm lam lũ với “nghề nam giới” để mưu sinh. 
Vì kế sinh nhai
Hài lòng với cuộc sống hiện tại, bà Châu đôi khi giật mình nhớ lại quãng thời gian gần 20 năm làm công nhân cho một công ty giày da với tiền lương ít ỏi, nhưng vẫn phải tăng ca nhiều, khiến bà quyết định xin nghỉ đi làm phụ hồ để phụ chồng lo miếng cơm manh áo và lo chuyện đèn sách cho đứa con trai duy nhất. Nhưng làm nghề này chưa được bao lâu, bà phải xin nghỉ vì công việc quá nặng nhọc. Để có thời gian chăm sóc gia đình, bà Châu phụ chồng sửa xe ở lề đường tại khu cầu vượt Hàng Xanh (Bình Thạnh) và chạy xe ôm kiếm thêm thu nhập lo cho gia đình 3 miệng ăn.
Không chỉ sửa xe giỏi, bà Châu còn được biết đến với tài nghệ là “tay xe ôm thứ thiệt” vì bà vừa rành đường thành phố, vừa lái xe cẩn thận, lấy giá phải chăng, tính tình xởi lởi vui vẻ nên được nhiều người phụ nữ lớn tuổi thuê chở đi chợ hàng ngày hoặc thuê đưa đón học sinh đến trường. Ban đầu bà cảm thấy hơi xấu hổ khi có người thắc mắc vì sao bà lại chọn làm những nghề của đàn ông để kiếm sống. Rồi “cái giá” của thời gian tự do, vừa có thể kiếm được những đồng tiền lương thiện vừa có thời gian chăm sóc gia đình giúp bà nhận biết rằng mình đã có những chọn lựa đúng đắn.
14 năm qua gắn bó với nghề sửa xe máy khiến gương mặt vốn đã không phấn son trở nên tàn tạ, nhưng mà tay nghề của bà Châu thì ngày càng chuyên nghiệp hơn. Nhiều khách hàng là nam giới không khỏi ngạc nhiên khi thấy người phụ nữ gần 50 tuổi thoăn thoắt cầm kìm mở ốc vít, thay ruột xe máy một cách thuần thục không kém gì những thợ đàn ông lành nghề.
Tưởng chừng phụ nữ làm nghề sửa xe, chạy xe ôm, làm thợ hồ đã là vất vả, nhưng nghề của bà Năm ở miền biển thuộc xã Quỳnh Nghĩa, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An còn khó hơn nhiều lần. Ấy là nghề bốc mộ. Bà Năm sinh ra trong một gia đình nghèo, không được học hành đến nơi đến chốn, rồi lại lấy chồng sớm nên sau khi lấy chồng bà lại theo nghề của chồng làm kế sinh nhai. Thật ra thì việc này khởi nguồn xuất phát từ tâm nguyện của chồng bà, bởi ông lo nếu ông chết trước, thì vợ ông cũng có cái nghề để mà nuôi con. Thế nên cơ duyên ấy đã gắn kết bà Năm với nghề bốc mộ hơn 30 năm qua. Cũng từ cái nghề nghe muốn nổi da gà ấy đã giúp bà Năm nuôi lớn 4 người con ăn học và nay đã có nghề nghiệp ổn định.
Nghề “cha truyền con nối”
Nữ giới theo nghề nam giới của cha, của anh trai là chuyện khá hiếm hoi, nhưng vì quá yêu thích nghề lái xe như các anh trong gia đình, nên chị Phạm Thị Lai nằng nặc nhờ các anh mình tập cho biết lái xe. Niềm yêu thích khi được cầm lái đã thúc đẩy chị quyết định chọn nghề tài xế và xin vào làm cho hãng xe taxi Mai Linh trong nhiều năm qua.
Trong suốt quá trình công tác, chị Lai được đánh giá là một nữ tài xế làm việc hiệu quả và được khen ngợi là người lái xe cẩn thận, giao tiếp nhã nhặn, lịch sự làm hài lòng khách hàng. Tuy nhiên, trong công việc chị Lai cũng gặp chút khó khăn khi đường phố có quá ít nhà vệ sinh công cộng, việc chở khách đi ban đêm hoặc đi tuyến đường xa cũng khiến chị lo lắng về sự an toàn cho bản thân.
Không may mắn như chị Lai, bà Ngô Thị Hương (quê Bình Định) kể rằng khi còn con gái bà ước mơ được làm cô giáo, hoặc theo nghề uốn tóc nhưng vì gia cảnh khó khăn nên cuối cùng bà đành học nghề sửa xe máy từ các anh em ruột rồi cùng chồng con bồng bế nhau vào Nam làm nghề này kiếm sống qua ngày.
Vì không có tiền thuê mặt bằng, nên bà Hương nhanh trí sắm một cái dù nhỏ, rồi đem thùng đồ nghề và bình khí đá mang từ quê vào và hành nghề ở lề đường Điện Biên Phủ. Ngoài nghề sửa xe máy, bà Hương còn bán thêm mũ, vớ và khẩu trang để lo cái ăn hằng ngày cho 4 miệng ăn, trong khi ông chồng nghiện rượu bán vé số bữa được bữa không.
Bài, ảnh: Bích Vân
Ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản
Theo nhận định của các chuyên gia, phụ nữ mưu sinh bằng nghề của nam giới là điều đáng trân trọng. Tuy nhiên, luật pháp quy định một số công việc phụ nữ không nên làm vì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe nói chung và sức khỏe sinh sản nói riêng. Thông tư 26/2013/TT-BLĐTBXH quy định 77 công việc mà đối tượng lao động nữ, phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi không được tham gia gồm: Các công việc phải mang vác nặng trên 20kg; Mổ tử thi, liệm, mai táng người chết, bốc mồ mả; các công việc trực tiếp tiếp xúc với các hóa chất trừ sâu, trừ cỏ, diệt mối mọt, diệt chuột, trừ muỗi có chứa Clo hữu cơ và một số hóa chất có khả năng gây biến đổi gen và ung thư; công việc phải ngâm mình dưới nước bẩn, dễ bị nhiễm trùng; các công việc ở môi trường bị ô nhiễm bởi điện từ trường vượt mức quy chuẩn, tiêu chuẩn cho phép (như công việc ở các đài phát sóng tần số radio, đài phát thanh, phát hình và trạm ra đa, trạm vệ tinh viễn thông); các công việc sơn, sửa, xây, trát, vệ sinh, trang trí trên mặt ngoài các công trình cao tầng (từ tầng 3 trở lên hoặc ở độ cao trên 12m so với sàn công tác) không có máy, cẩu nâng hoặc giàn giáo kiên cố… Bà Nguyễn Kim Lan, chuyên gia về giới (Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam) khẳng định thông tư 26 nhằm bảo vệ sức khỏe nữ giới, đặc biệt là sức khỏe sinh sản của nữ lao động và nòi giống tương lai. Tuy nhiên, các quy định này cũng kéo theo tình trạng phụ nữ có ít cơ hội làm việc và tạo thu nhập hơn, và nhiều người trong số họ có thể bị tái nghèo.
 
 

Bình luận (0)