Vừa qua, trong buổi giao ban báo chí tại Thành ủy TP.Hà Nội, ngành giáo dục thủ đô đã đưa ra những con số và những giải pháp để giải quyết vấn đề tuyển sinh đầu cấp. Tuy nhiên, để giải bài toán này, một mình ngành giáo dục vào cuộc là điều bất khả kháng.
Trường gồng mình tăng bốn lần chỉ tiêu
Theo khẳng định của bà Nguyễn Thị Lan Hương, Trưởng phòng Giáo dục mầm non (MN) Sở GD-ĐT Hà Nội, so với năm 2010, tình trạng xếp hàng từ nửa đêm để xin cho con học trên địa bàn TP đã giảm đáng kể. Nếu như năm 2010 có năm điểm nóng thì năm nay chỉ còn một điểm nóng đó là Trường MN Thành Công A. Nguyên nhân do tại khu vực phường Thành Công hiện nay chỉ có 2 trường MN công và 3 trường MN tư thục. Trong khi đó, khu vực này có tới trên 27.000 người với trên 7.000 hộ dân và khoảng trên 2.400 trẻ đang trong độ tuổi đi học MN. Sức ép này đã đè lên vai 2 trường công lập mà trong đó chỉ có một trường MN Thành Công A là đã đạt chuẩn. Hơn nữa, khi xây Trường Thành Công A chỉ đáp ứng 250 trẻ nhưng hiện nay đã phải chứa đến trên 1.000 trẻ, còn Trường Họa Mi sức chứa ban đầu là 300 trẻ giờ đã lên 700 trẻ. Tuy vậy, con số này vẫn chỉ đảm bảo được quá nửa số trẻ có nhu cầu đi học tại các trường công của phường.
Tính toán của Sở Hà Nội cho thấy, hiện toàn TP có 837 trường MN trong đó có 683 trường công lập. Như vậy có thể thấy, 85% trường MN trên địa bàn TP là trường công lập. Nhưng như thế vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu gửi con của người dân. Theo bà Phạm Thị Hồng Nga, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội thì năm 2010, toàn TP đã có thêm 37 trường MN công lập trong tổng số 67 trường các cấp được xây dựng mới. Tuy nhiên, với tình trạng tăng dân số cơ học một cách quá nhanh như hiện nay, thì khó có thể khẳng định sẽ hết cảnh xếp hàng.
Phụ huynh chê trường công vì thích được bao cấp
Gánh nặng tuyển sinh đầu cấp của Hà Nội đang tạo nên sức ép đối với các trường công lập hiện nay. Tuy nhiên, tại sao các trường ngoài công lập không thể chia sẻ vấn đề này với các trường công lập? Để trả lời câu hỏi này, phóng viên Báo Giáo Dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Minh Hải, Hiệu trưởng Trường MN tư thục Minh Hải, (Q.Đống Đa, Hà Nội). Bà Hải khẳng định các trường ngoài công lập không thể giảm học phí để hút học sinh vì họ phải chi toàn bộ từ A-Z. Ngay tại Trường MN Minh Hải, dù đất được cấp miễn phí, nhưng nhà trường phải lo toàn bộ lương giáo viên, cơ sở vật chất, các điều kiện đảm bảo chất lượng. Chính vì vậy, dù mức học phí được cho là thấp nhất trong các trường tư thục hiện nay ở Hà Nội thì Trường Minh Hải cũng phải thu gấp 30 lần trường công (trường công hiện nay đối với mẫu giáo là 50.000 đồng/tháng/cháu, còn Trường MN Minh Hải khóa mới năm nay là 1.500.000 đồng/cháu). Như vậy, với mức học phí này, người lao động bình thường không thể cho con em mình vào học. Muốn trường tư chia sẻ được gánh nặng với trường công thì Nhà nước cần phải cho các trường tư được thuê đất miễn phí và chi một phần quỹ lương. Điều này tương tự như mô hình các trường công lập tự chủ tài chính.
Tuy nhiên, bà Hải cũng không khỏi băn khoăn khi thực tế cho thấy rất nhiều phụ huynh có điều kiện nhưng nhất định vẫn không cho con ra trường tư. “Họ đi xe Lexus, Mercedez… nhưng vẫn muốn con học trường công để chỉ phải chi phí thấp. Đây là tâm lý thích bao cấp của người dân” – bà Hải khẳng định. Và để triệt tiêu tâm lý này, bà Hải cho hay giải pháp hữu hiệu nhất là Nhà nước cho dịch vụ công vào các trường học.
Xếp hàng lúc nửa đêm vẫn còn dài dài
Bà Phạm Thị Hồng Nga, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, hiện nay, sở đang trình TP bản quy hoạch mạng lưới trường học của thủ đô. Theo đó, mỗi khu đô thị mới được xây dựng bắt buộc phải có mỗi cấp học một trường công để giảm tải cho các khu vực khác. Đối với bốn quận nội thành “lõi” không còn đất thì sẽ tiến hành nâng tầng, tuy nhiên sẽ không thể cho nâng tầng bừa bãi được mà cần phải hết sức thận trọng (liên quan đến kết cấu xây dựng trước đó). Riêng MN, sở đã có đề án nâng cao chất lượng giáo dục MN với tổng mức đầu tư trên 3.000 tỷ đồng kết hợp với đề án phổ cập MN trẻ năm tuổi.
Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội thì hiện TP mới đảm bảo chỗ học trường công cho 100% trẻ năm tuổi theo đúng quy định. Còn các nhóm trẻ khác, TP cũng đang khắc phục dần dần. Bà Nga cũng khẳng định đến năm 2015 vấn đề quá tải hay cảnh phải xếp hàng qua đêm sẽ được khắc phục. Tuy nhiên, vẫn phải thực hiện chủ trương về xã hội hóa các trường đào tạo, tức là phải có trường tư để làm đối trọng cho trường công vì Nhà nước không bao cấp được cho tất cả các trường.
Nghiêm Huê
Bình luận (0)