Nếu dựa vào điểm để đánh giá năng lực học tập thì bạn đã lầm. Bởi có những teen học hành cực siêu nhưng bảng điểm hơi "í ẹ". Có vô số nguyên nhân xung quanh vấn đề này.
Điểm 0 – vì đâu?
Thực tế cho thấy có một số bạn học rất giỏi, năng lực được biểu hiện rõ khi giải được những bài hóc búa và đạt được điểm tuyệt đối khi mọi người đều chỉ ở mức khá. Thế nhưng, chỉ vì thiếu một chút may mắn nên họ chỉ đứng "giữa giữa" trong lớp.
N.T (lớp 11 trường M) là một điển hình. Cô nàng học hành rất ổn trong tất cả các môn, nhưng chỉ vì một lần lên bảng không giải được bài toán hóc búa thầy vừa đưa ra, T ăn ngay điểm 0. Cuối học kì năm đó, T xếp loại khá. Bạn bè ai cũng tiếc hùi hụi cho N.T, chỉ mình cô nàng là thản nhiên: "Học kì hai gỡ lại mấy hồi". Và quả đúng như vậy, cuối năm đó, T hạng 1 trong lớp.
Nói về vấn đề này, P.L (lớp 11 trường P) lý giải: "Cấp 3 mà, điểm số trồi sụt thất thường là chuyện đương nhiên. Cũng có một số bạn ỷ lại nên điểm thấp, hoặc họ sai ở những chỗ không đáng…Có thể thầy cô yêu cầu quá cao nên các bạn ấy không thể làm nổi các bài tập…v.v…"
Tâm lý của những "mọt sách không may"
-
"Cảm thấy rất uất ức, khi mà một số bạn có điểm trung bình môn thấp hơn cả mình nhưng hạng cao hơn mình chỉ vì họ là học sinh giỏi" – T.T (lớp 12 trường N).
-
"Buồn, chán nản, mất niềm tin vào bản thân và không biết mình có thật sự giỏi hay không. Có khi điểm quá thấp, tớ nghĩ rằng không thể nào gỡ lại được nên lâm vào tình trạng stress triền miên" – K.H (lớp 12 trường V).
-
"Hồi cấp 2 luôn ngủ quên trong chiến thắng, lên cấp 3 mới biết vô số người giỏi hơn mình, cảm giác "luôn dẫn đầu" bị đè bẹp khiến "cái tôi" mất đi giá trị, chẳng muốn phấn đấu thêm nữa…Bị điểm xấu ai mà không buồn, mà lại là điểm 0, điểm 1 mới chết chứ" – U.T (lớp 10 trường E).
-
"Cố gắng phấn đấu tiếp thôi chứ sao. Ban đầu còn sốc, sau này quen dần thì chẳng lấy làm lạ nữa. Quan trọng là hơn nhau ở cái đầu, điểm số chẳng là gì" – H.H (lớp 12 trường N).
-
Tớ chẳng coi trọng danh hiệu, và tớ không chấp những bạn học vẹt, học tủ để nhận những điểm 10. Điểm số chỉ là một phần thôi, và tớ chẳng bao giờ than thân trách phận khi bị điểm kém" – K.G (lớp 12 trường T).
Và họ đã thành công…không cần điểm
-
G.H (sinh viên năm 3 ĐH FPT): hiện tại luôn nhận được học bổng toàn phần của trường, chuẩn bị đi du học (cũng bằng học bổng). Hồi cấp 3, H thường bị thầy cô mắng là "học không ra gì, sau này sẽ chẳng làm nên trò trống gì đâu". H xém bị thi lại môn…Sử, bảng điểm luôn đứng chót lớp. Dù vậy, anh chàng luôn theo đuổi niềm đam mê của mình: Tin học. Kết quả của ngày hôm nay là sự phấn đấu không ngừng nghỉ.
-
M.A (sinh viên năm 1 ĐH KHXH & NV): 11 năm liền là học sinh giỏi, nhưng may mắn không mỉm cười với M.A vào năm lớp 12. Cô bạn là học sinh khá trong năm ấy và tốt nghiệp loại trung bình. Thế nhưng điểm thi ĐH khối D lại gần 22 điểm – một số điểm "không phải ai muốn đều được".
-
M.L (lớp 12 trường N): suốt những năm cấp hai luôn là học sinh khá vì bị vướng môn…Mĩ thuật. Lên cấp 3, điểm các môn tự nhiên gần như tuyệt đối, thỉnh thoảng vẫn bị điểm 0 môn Toán nhưng điểm số trung bình các môn đứng đầu lớp.
-
N.M (sinh viên năm 3 ĐH BK): điểm thi 3 môn Toán Lý Hóa cuối năm lớp 11 dưới trung bình hết sức thảm hại. Lên lớp 12 chỉ lao đầu vào ôn luyện ba môn này, kết quả: điểm thi năm ấy của N.M gần 24.
Bạn cũng có thể làm được như họ!
Có thể, bạn là một teen đang học lớp 10 và bạn đang chán chường khi điểm số của mình cứ "rơi tự do" không ngớt.
Có thể, bạn đang học lớp 12 và bạn cảm thấy chán chường khi bài vở chất đống.
Có thể bạn ngồi trên giảng đường đại học mà bạn chẳng thích học những lý thuyết khô khan. Chính vì "không thích học" nên bạn cứ phải thi lại nhiều lần…
Hãy yên tâm bạn ạ, điểm số không thành vấn đề, quan trọng là bạn biết đứng lên sau những điều đó và theo đuổi đến cùng sự đam mê của mình. Bạn sẽ thành công nếu bạn biết phấn đấu. Cố lên nhé!
Theo MTO
Bình luận (0)