Nhiều bài viết tuyên truyền trên chuyên trang ATGT |
Tại điều 7 của Luật giao thông đường bộ (bổ sung) có quy định: Cơ quan thông tin tuyên truyền có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giao thông đường bộ thường xuyên, rộng rãi đến toàn dân. Cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo có trách nhiệm đưa pháp luật về an toàn giao thông vào chương trình giảng dạy trong nhà trường và các cơ sở giáo dục phù hợp với ngành học, cấp học…
Góp phần tạo thói quen trong cộng đồng
Thực tế trong thời gian qua, công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật là giải pháp mang tính lâu dài nhằm xây dựng nếp sống văn hóa trong giao thông, tạo thói quen tuân thủ pháp luật đối với mọi người dân khi tham gia giao thông. Bắt đầu khi có Nghị quyết số 13/2002/NQ-CP của Chính phủ, Chỉ thị số 22-CT/TW của Ban Bí thư thì công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) từ trung ương đến địa phương được thực hiện thường xuyên và mạnh mẽ hơn nhiều. Đồng thời với sự tham gia tích cực của các cơ quan thông tin – truyền thông, các tổ chức chính trị – xã hội nên bước đầu đã hình thành được ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận nhân dân khi tham gia giao thông. Qua đánh giá của các cơ quan chức năng thì nội dung tuyên truyền tập trung phổ biến các quy định của luật, nghị định, nghị quyết của Chính phủ, chỉ thị, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản hướng dẫn pháp luật về TTATGT của các bộ, ngành, nhất là quy tắc giao thông, đồng thời cũng phản ánh được các hoạt động bảo đảm TTATGT. Các hình thức tuyên truyền về công tác bảo đảm TTATGT được thực hiện đa dạng, phong phú. Nhiều cơ quan báo, đài mở chuyên mục và thường xuyên có tin, bài về tình hình TTATGT trên địa bàn và trong cả nước, có lực lượng phóng viên chuyên trách, cộng tác viên về chuyên mục ATGT với nhiều phương thức và nội dung tuyên truyền phù hợp, thiết thực. Đồng thời tổ chức tuyên truyền, vận động thông qua hoạt động của các cơ quan, đoàn thể và các tổ chức chính trị – xã hội nhằm phổ biến pháp luật về TTATGT đến từng hộ gia đình, từng người dân.
Đồng hành cùng hệ thống báo chí của cả nước, Báo Giáo Dục TP.HCM dành riêng 1 trang báo/kỳ, tuần 2 kỳ để tuyên truyền TTATGT với những vấn đề lớn, quan trọng trong công tác bảo đảm TTATGT ở tất cả các lĩnh vực về đường bộ, đường sắt, hàng hải, đường thủy nội địa, hàng không, đăng kiểm và các địa phương. Các trọng tâm tuyên truyền đã được phản ánh bằng nhiều tin, bài tập trung vào một số vấn đề như: thông tin từ Ủy ban ATGT quốc gia, các chương trình kế hoạch và các giải pháp của Ủy ban ATGT quốc gia; trách nhiệm của bộ, ngành trong Ủy ban ATGT quốc gia; công tác bảo đảm ATGT của các ngành đường bộ, đường sắt, hàng hải, hàng không, đường thủy, đăng kiểm; công tác đảm bảo ATGT, giảm thiểu tai nạn giao thông (TNGT) của cả nước; việc đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy trên tất cả các tuyến đường khi tham gia giao thông. Trong lĩnh vực ATGT đường bộ, Báo Giáo Dục TP.HCM tập trung vào các vấn đề như: lập lại trật tự hành lang đường bộ theo Quyết định 1856 của Thủ tướng Chính phủ; thực hiện đề án giảm ùn tắc giao thông ở Hà Nội và TP.HCM; khắc phục điểm đen, hành lang ATGT đường bộ, những cây cầu yếu trên các tuyến quốc lộ; vận tải hành khách bằng xe buýt; đình chỉ xe công nông, xe 3, 4 bánh tự chế; việc đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy…
Đạt hiệu quả trong công tác tuyên truyền
Các chuyên mục của trang ATGT trong thời gian qua cũng được duy trì thường xuyên như: “góc ảnh giao thông”; “thông tin từ cơ quan quản lý giao thông”; tin “hoạt động các ban ATGT”. Chuyên mục thường xuyên đăng tải các quy định của luật, nghị định, thông tư hướng dẫn, quy định xử phạt của tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt, công tác tuyên truyền qua trang báo còn được thể hiện qua việc tổ chức các cuộc thi tìm hiểu quy định của pháp luật về TTATGT. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT ngày càng được xã hội hóa. Góp phần giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành luật về TTATGT của người dân khi tham gia giao thông. Nổi bật nhất là việc tuyên truyền đội mũ bảo hiểm năm 2007, đóng góp vào thành công thực hiện chủ trương bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy.
Nhờ những biện pháp tích cực của báo chí trong công tác tuyên truyền công tác bảo đảm TTATGT đã góp phần làm tình hình TNGT gần đây có nhiều chuyển biến tích cực. Cụ thể từ năm 2002 trở về trước, TNGT liên tục tăng, năm sau cao hơn năm trước. Từ năm 2003 trở lại đây, TNGT đã giảm nếu tính theo tiêu chí số người chết/10.000 phương tiện cơ giới đường bộ như thông lệ quốc tế thì năm 2002 là 11,6 người chết/10.000 phương tiện và đến năm 2007 giảm xuống chỉ còn 5,6 người chết/10.000 phương tiện.
Vào đầu năm học hàng năm (tháng 9 hàng năm), được chọn là tháng ATGT, Báo Giáo Dục TP.HCM cũng lên kế hoạch tuyên truyền đến các bậc phụ huynh, các em học sinh, sinh viên để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về ATGT. Với những việc làm thiết thực đó, Báo Giáo Dục TP.HCM được UBND thành phố tặng bằng khen, Ban ATGT thành phố tặng giấy khen cho tập thể và 4 cá nhân vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền, giáo dục lập lại trật tự ATGT…
Hà Anh Kiệt
Bình luận (0)