-
Đánh giá, rà soát, loại bỏ, bổ sung vào danh mục TBDH tối thiểu
-
Tạo điều kiện cho nhà trường dễ dàng mua sắm bổ sung TBDH
Trong hai ngày 7 và 8/01/2009 tại Khu sáng tác Đại Lải (Vĩnh Phúc), Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị thẩm định về thiết bị dạy học cấp THCS (vòng 1). TS Nguyễn Vinh Hiển – Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo – Chủ tịch Hội đồng thẩm định chủ trì Hội nghị. Tham dự hội nghị còn có ông Phạm Ngọc Phương, Phó Cục trưởng Cục cơ sở vật chất và Thiết bị đồ chơi (Bộ GD-ĐT), Phó Chủ tịch Hội đồng, Trưởng ban thường trực BCĐ công tác thiết bị giáo dục; ông Nguyễn Sĩ Đức, Phó vụ trưởng Vụ GDTrH, Phó trưởng ban chỉ đạo công tác thiết bị giáo dục…; cùng các chuyên viên quản lý thiết bị giáo dục, các nghiên cứu viên, thành viên BCĐ công tác thiết bị giáo dục, đại diện các tiểu ban của BCĐ; Các nhà thẩm định; Ban quản lý dự án và đặc biệt là các thầy cô giáo đến từ các trường THCS, những người trực tiếp giảng dạy thiết bị giáo dục thí điểm…
Tại Hội nghị, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển, Ban chỉ đạo công tác thiết bị giáo dục và các đại biểu, cùng các thầy cô giáo, những người trực tiếp giảng dạy đã cùng thảo luận, đánh giá, thẩm định tính hiệu quả thực tế của thiết bị dạy học khối THCS thí điểm của các môn học như: Hoá học, Vật lý, Mỹ thuật, Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Công nghệ, Thể dục, Sinh học, Tin học, Âm nhạc, Giáo dục công dân, Địa lý, Tiếng Anh, Tiếng Pháp và Thiết bị dùng chung… Theo đó các tiểu ban của từng môn học đã báo cáo trước Hội đồng thẩm định và Hội đồng cho ý kiến đánh giá những thiết bị dạy học không cần thiết, hoặc hiệu quả thấp cần cắt bỏ; những thiết bị dạy học cần chỉnh sửa cho phù hợp; những thiết bị dạy học cần bổ sung; những thiết bị dạy học đề nghị ứng dụng CNTT; đề xuất, kiến nghị; minh hoạ thêm hình ảnh, video của một số môn…
Qua hai ngày thảo luận và đánh giá của Ban thẩm định, có thể nói các danh mục thiết bị dạy học cấp THCS thí điểm mở rộng về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu của chương trình thí điểm. Tuy nhiên còn một số thiết bị của một số môn không thực sự cần thiết, kém hiệu quả, chất lượng chưa đạt yêu cần cần cắt bỏ trong danh mục, những thiết bị khó thực hiện cần cải tiến, những thiết bị cần chỉnh sửa và những thiết bị cần bổ sung trong danh mục. Chẳng hạn, ở một số môn (như Lịch sử, Địa lý) có nhiều bản đồ, lược đồ về vị trí địa lý cần thiết đề nghị bổ sung, hoặc có những tranh ảnh có thể dùng chung cần cắt bỏ trong danh mục; Môn Vật lý thiết bị một số thiếu hiệu quả, cồng kềnh sử dụng không hiệu quả; môn Hoá học, Sinh học và Công nghệ có thiết bị chưa đạt yêu cầu trong giảng dạy, chất lượng của một số hoá chất kém hiệu quả; tranh ảnh, sơ đồ còn thiếu cần phải bổ sung thêm cho phù hợp với chương trình sách giáo khoa; chất lượng đĩa tiếng của môn ngoại ngữ còn chưa tốt, cần bổ sung thêm một số bảng biểu của hệ thống ngữ pháp và ngữ âm, bộ chữ cái và thiết bị phiên âm, hay tranh ảnh tình huống cụ thể của từng bài học theo trong sách giáo khoa; hình ảnh môn Sinh học còn ít, chưa sát với thực tế; môn Mỹ thuật cần phải bổ sung thêm những tranh ảnh minh hoạ, trích đoạn băng hình của các hoạ sĩ có liên quan đến bài học…
Trên cơ sở những kết quả báo cáo và một số ý kiến của các thầy cô giáo trực tiếp giảng dạy những thiết bị thí điểm, Vụ GDTr.H cũng đã đưa ra một số kiến nghị đề xuất cụ thể: Chỉ đạo những đơn vị sản xuất mẫu nghiên cứu, để hoàn thiện các mẫu sao cho hiệu quả kinh tế, dễ sử dụng, đảm bảo chất lượng đáp ứng, phù hợp với chương trình và bài học trong sách giáo khoa để làm sao các thầy cô giáo cũng như em học sinh khi sử dụng, học tập đạt hiệu quả cao nhất…
Các kiến nghị, đề xuất này đã nhận được sự đồng thuận cao của các đại biểu tham dự hội nghị, của lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, đặc biệt là các thầy cô giáo những người trực tiếp giảng dạy với một mong muốn chung nhất: cần phải hoàn thiện hơn nữa các danh mục thiết bị dạy học cấp THCS sao cho phù hợp, kịp thời đáp ứng nhu cầu học tập của các em học sinh…
Trung Toàn (GD&TĐ)
Bình luận (0)