Khuôn viên Trường Đại học Kỹ thuật Munich – Đức
|
Các quốc gia châu Âu có nhiều ngôi trường tư thục danh tiếng được mọi người biết đến với vô số thành tích cao trong các kỳ thi.
Các quốc gia này có tỉ lệ HS học trường tư khá cao và kết quả học tập của những HS này cũng rất tốt. Kết luận này lấy từ một nghiên cứu được tiến hành bởi Trường Đại học Harvard (Mỹ). Ngoài ra một nghiên cứu trên 220.000 HS ở 29 quốc gia cũng cho thấy sự cạnh tranh giữa hệ thống các trường tư thục với hệ thống trường công lập đã góp phần thúc đẩy và cải thiện chất lượng giảng dạy cũng như giảm bớt chi phí tổng thể mà một nước hằng năm phải chi cho giáo dục.
Một khảo sát khác của tờ Thời Báo Kinh Tế phân tích: “Nếu một đất nước tăng số HS theo học trường tư lên 10% thì chất lượng HS học môn toán sẽ tăng lên tương đương với khoảng nửa năm học thêm tại trường. Tăng số lượng HS đăng ký vào trường tư cũng cho kết quả tốt tương đương 1/5 năm học thêm ở kỹ năng đọc”.
Những nhà nghiên cứu của Trường Đại học Harvard và Trường Đại học Munich (Đức) đã sử dụng kết quả của cuộc nghiên cứu quốc tế được tiến hành 3 năm/lần trên hàng trăm HS ở độ tuổi 15 tại hơn 50 quốc gia. Theo đó, cuộc nghiên cứu này tập trung vào các kỹ năng đọc, làm toán và môn khoa học – đây còn được gọi là bài kiểm tra Pisa. (Nhiều học viện đã dựa trên kết quả bài kiểm tra Pisa của 220.000 HS từ 29 nước để so sánh số lượng HS đăng ký vào trường tư). Ngoài ra, họ còn nghiên cứu cả điểm số và các khoản ngân sách thường được chi cho giáo dục. “Các trường có mức độ cạnh tranh với nhau càng dữ dội thì động cơ phát triển của họ sẽ đạt đến mức cao hơn. Chúng tôi nhìn vào quy mô của các trường học trong một quốc gia và sự thể hiện của họ thông qua các kết quả học tập” – Ông Martin West, một chuyên gia giáo dục ở Trường Đại học Harvard và cũng là một trong những tác giả của công trình nghiên cứu quốc tế trên cho biết.
Những chuyên gia đã tìm ra rằng chính con số HS đăng ký vào các trường tư sẽ giảm chi phí của quốc gia chi trả cho việc giáo dục mỗi HS là 5% – con số này được lấy từ 33 nước khác nhau. Ông West và nhà đồng nghiên cứu – ông Ludger Woessmann, một chuyên gia kinh tế từ Trường Đại học Munich đưa ra ý kiến rằng, việc gia tăng tỉ lệ HS trong các trường tư thục/dân lập sẽ giúp cho hệ thống quốc gia mang tính cạnh tranh hơn và do đó chắc chắn sẽ đem đến hiệu quả hơn.
Ở Hà Lan, hơn 3/4 HS ở độ tuổi 15 theo học các trường tư, trong khi đó ở Bỉ con số này là hơn 50%. Tỉ lệ khá cao HS đăng ký học trường tư dường như có xu hướng thuộc về những đất nước – nơi có nhiều người theo đạo Thiên chúa giáo. Lý do là vì những trường tư của người Thiên chúa giáo thường được thành lập ở những nơi này, ngay trong cộng đồng khu dân cư.
Bên cạnh đó, các trường tư thục thường thu hút rất nhiều HS giỏi đến đăng ký học. Nhiều người cho rằng điều này đồng nghĩa với việc sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến các cấp học thuộc các trường công. Tuy nhiên, nghiên cứu trên lại cho thấy điều hoàn toàn ngược lại. “HS ở các trường công nhận được nhiều lợi ích từ việc phát triển của các trường tư do sự gia tăng mức độ cạnh tranh của các trường với nhau về mặt chất lượng để giữ chân và thu hút các HS có năng lực đến với trường mình. Việc này không chỉ đã chứng minh cho kết luận của nghiên cứu trên mà còn làm rõ vai trò quan trọng và cần thiết của công tác thi đua trong môi trường giáo dục” – Ông West chia sẻ thêm.
(theo guardian.co.uk)
Xuân Chi
Bình luận (0)