Các tỉnh ĐBSCL đang vào giai đoạn cao điểm phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn. Năm nay hạn, mặn đến sớm và diễn biến phức tạp khiến việc sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hiện hàng ngàn hécta lúa bị nước mặn tấn công có nguy cơ mất trắng, trong khi nhiều cánh rừng đã kiệt nước – báo động cháy cấp 4, cấp 5. Tình hình chống hạn, mặn đang trở nên cấp bách…
Nạo vét kênh mương ở Sóc Trăng để lấy nguồn nước. Ảnh: HUỲNH LỢI
Hạn, mặn tấn công trên diện rộng
Các huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây, Chợ Gạo và thị xã Gò Công là những nơi bị nước mặn tấn công dữ dội nhất ở tỉnh Tiền Giang. Ông Nguyễn Văn Tâm, ở xã Đồng Sơn, huyện Gò Công Tây, than vãn: “Từ sau Tết Ất Mùi đến nay xâm nhập mặn vây chặt khu vực này khiến nhiều nông dân trồng lúa vô cùng lo lắng. Do xuống giống trễ nên tới nay lúa chỉ hơn 50 ngày tuổi, lại bị hạn, mặn về sớm dẫn tới nguy cơ thiệt hại rất lớn”.
Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Tiền Giang, xâm nhập mặn năm nay diễn biến phức tạp. Nếu như giữa tháng 1-2015, độ mặn ở cống Xuân Hòa (cống lấy nước chủ lực phục vụ hơn 29.000ha lúa đông xuân ở vùng dự án Ngọt hóa Gò Công) đang ở mức 0%0 thì chỉ vài hôm sau tăng đột ngột lên 3%0, khiến mọi người chới với. Sau đó độ mặn giảm nhanh, và sang tháng 2 dao động ở mức 1,4%0, đến ngày 9-3 thì đóng cống Xuân Hòa nhằm ngăn nước mặn tràn vào ruộng lúa.
Vụ đông xuân 2014-2015, nông dân vùng ngọt hóa Gò Công gieo sạ hơn 29.000ha lúa. Hiện nhiều nơi đang khẩn trương thu hoạch, trong số này có khoảng 2.000ha lúa đang bị hạn, mặn đe dọa nghiêm trọng, bởi điều kiện thủy lợi yếu kém, xa nguồn nước, cộng với nông dân sạ giống dài ngày… Cũng lo lắng cho cây lúa, nhiều ngày qua hàng ngàn hộ dân ở huyện Long Phú (Sóc Trăng) đứng ngồi không yên khi nước mặn về sớm gần một tháng so với mọi năm.
Ông Trần Văn Trường, chủ 18 công lúa ở ấp Nước Mặn 2, xã Long Phú rầu rĩ: “Mới đầu tháng 3-2015 mà hầu hết các con kênh cấp 2 và kênh nội đồng khô kiệt, trong khi bên ngoài kênh lớn nước mặn bao vây. Trên đồng đa phần lúa trong giai đoạn trổ bông, thiếu nước sẽ bị giảm năng suất, thậm chí mất trắng. Gia đình tôi đầu tư hơn 40 triệu đồng vào vụ lúa này, nhưng cứ mãi phập phồng bởi thời tiết ngày càng khắc nghiệt”.
Theo Phòng NN-PTNT huyện Long Phú, vụ này toàn huyện xuống giống gần 13.000ha (kế hoạch chỉ 7.000ha); cái khó là xâm nhập mặn về sớm, còn kênh mương thì cạn kiệt không trữ được nước ngọt; vì vậy công tác phòng chống hạn, mặn vô cùng khó khăn.
Không chỉ sản xuất nông nghiệp, mà nhiều hộ dân ven biển ĐBSCL cũng khổ sở vì nước mặn bao vây. Ông Ngô Văn Thử, ngụ ấp Phước Bình, xã Thạnh Phước, huyện Bình Đại (Bến Tre) thở dài: “Mặn năm nay dữ quá khiến nhà nào cũng bị thiếu nước ngọt sinh hoạt. Hơn một tháng nay gia đình tôi phải đi đổi nước ngọt với giá 125.000 đồng/m³, về phục vụ tắm giặt… Cả nhà có 6 người, dù tiết kiệm thì một tuần cũng mất hơn 2m³ nước, tốn từ 250.000 – 300.000 đồng. Nếu hạn, mặn kéo dài, chỉ riêng tiền đổi nước sinh hoạt đã mất từ 6 triệu đồng trở lên trong suốt mùa khô”.
Chủ tịch UBND xã Thạnh Phước Lê Vũ Minh nhìn nhận, cứ tới mùa khô là hơn 10.000 dân của xã bị thiếu nước ngọt trầm trọng. Năm nay hạn, mặn phức tạp và còn kéo dài nên chuyện thiếu nước sẽ rất gay go.
Ra sức giữ rừng và bảo vệ lúa
Cục Kiểm lâm (Bộ NN-PTNT) cho biết, tại ĐBSCL nguy cơ cháy rừng đang bao trùm nhiều nơi; trong đó toàn bộ diện tích rừng ở Đồng Tháp, Long An, An Giang báo động cháy cấp 5, cấp cực kỳ nguy hiểm. Toàn diện tích rừng ở Cà Mau và nhiều nơi ở Kiên Giang dự báo cháy cấp 4, cấp nguy hiểm… Do thời tiết nhiều ngày không mưa và khô hanh kéo dài, nếu xảy ra cháy thì tốc độ lây lan rất nhanh. Vì vậy, ngành kiểm lâm, các chủ rừng, chính quyền địa phương… cần tăng cường phòng chống cháy rừng ở mức cao nhất.
Trong khi đó, hàng trăm ngàn hécta rừng ở Cà Mau, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang… đang nằm trong tầm ngắm của bà hỏa. Theo Chi cục Kiểm lâm Cà Mau, nhiều ngày qua nắng hạn diễn ra gay gắt làm các tuyến kênh mương trong rừng tràm U Minh Hạ kiệt nước, diện tích rừng khô ngày một tăng nhanh. Hiện có gần 20.000/25.000ha bị khô, nguy cơ cháy bất cứ lúc nào.
Theo Ông Trần Văn Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ, từ đầu tháng 3 đến nay đã bố trí lực lượng xuống “cắm” tại các địa bàn có nguy cơ cháy cao. Ngoài ra, lực lượng giữ rừng cũng thường xuyên phát dọn các tuyến kênh nhằm đảm bảo cho phương tiện di chuyển dễ dàng nếu xảy ra cháy.
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP vào chiều 11-3, ông Lê Thanh Dũng, Phó Giám đốc Vườn quốc gia U Minh Hạ lo lắng: “Hiện nay đã có hơn 5.590/8.527ha rừng tràm tại vườn khô hạn, nguy cơ cháy rất cao. Chúng tôi đã bố trí tới 18 máy bơm chữa cháy, các phương tiện vận chuyển phục vụ công tác PCCC rừng đã sẵn sàng. Song song đó, xây dựng quy chế phối hợp với 11 đơn vị xung quanh về PCCC rừng, bố trí lực lượng hơn 1.400 người sẵn sàng tiếp ứng khi có sự cố cháy xảy ra.
Hiện Vườn quốc gia U Minh Hạ đã bố trí 24 điểm trạm, chốt bảo vệ rừng và 145 người trực xuyên suốt 24/24 giờ”. Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang, dù đã chuẩn bị đầy đủ nhân lực và phương tiện chữa cháy, nhưng mọi việc vẫn được kiểm tra thường xuyên trong suốt mùa khô. Cái khó của An Giang là nhiều cánh rừng nằm trên triền núi cao, khô gay gắt, thiếu nước chữa cháy. Bên cạnh đó, An Giang đang vào mùa lễ hội Vía Bà Chúa xứ Núi Sam nên thu hút rất đông khách thập phương về vui chơi, tham quan… chỉ cần khách sơ ý làm rơi tàn thuốc thì có nguy cơ cháy xảy ra.
Đối với việc bảo vệ lúa bị nước mặn tấn công. Hiện Tiền Giang đã tiến hành bơm chuyền 2 cấp ở xã Đồng Sơn và Bình Tân (huyện Gò Công Tây); xã Bình Xuân và Tân Trung (thị xã Gò Công); xã Tân Thành (huyện Gò Công Đông), để cứu khoảng 2.000ha lúa bị thiếu nước ngọt. Những nơi khác sẽ tiếp tục bơm chuyền trong vài ngày tới.
Ông Nguyễn Nhựt Nam, Phó phòng Quản lý nước, thuộc Chi cục Thủy lợi tỉnh Tiền Giang, cho biết: “Nếu kinh phí bơm chuyền 2 cấp mà dưới 50 triệu đồng thì huyện lo, số tiền vượt thì tỉnh sẽ hỗ trợ. Quan điểm chung là nỗ lực bảo vệ lúa, hạn chế trường hợp bị nước mặn gây thiệt hại”.
Chi cục Thủy lợi các tỉnh ĐBSCL lo lắng khi kênh mương ngày càng cạn kiệt, nguồn nước ngọt thiếu trầm trọng, nhưng kinh phí nạo vét không đáp ứng đủ, khiến việc phòng chống hạn, mặn luôn bị đọng. Chưa kể, nhiều nơi người dân còn gieo sạ lúa kiểu tự phát, không tuân thủ kế hoạch; thậm chí có người còn trông chờ, ỷ lại việc chống hạn, mặn cho Nhà nước lo… Nếu những hạn chế này nhanh chóng được khắc phục thì việc chống hạn, mặn mùa khô mới dễ thở hơn…
NHÓM PV SGGP
Bình luận (0)