Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ nghiêm cấm cá nhân sở hữu súng đạn, dùi cui điện… nhưng vẫn có thể cất giữ dao găm, kiếm, mã tấu… Những loại hung khí này được xếp vào nhóm vũ khí thô sơ.
Pháp lệnh được Văn phòng Chủ tịch nước chính thức công bố sáng nay, 20/7. Theo đó, trừ các loại vũ khí thô sơ quy định tại khoản 4, Điều 3, gồm dao găm, giáo, mác, lưỡi lê, đao, mã tấu, quả đấm, quả chùy, cung, nỏ, các loại vũ khí khác nghiêm cấm cá nhân sở hữu.
Việc chế tạo, vận chuyển, sử dụng, mua bán, nhập khẩu, chiếm đoạt, tặng, cho thuê, mượn… các loại vũ khí theo đó cũng thuộc nhóm hành vi cấm. Việc đào bới, tìm kiếm vũ khí, vật liệu nổ khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền cũng bị nghiêm cấm.
Việc phân định vũ khí thô sơ và vũ khí “nóng” xuất phát từ thực tế số lượng súng săn, súng hơi, súng tự chế của đồng bào dân tộc miền núi phần lớn không đủ điều kiện, tiêu chuẩn về an toàn, song do phong tục, tập quán nên người dân sử dụng mà chưa có chế tài thu hồi…
Mặt khác, nước ta trải qua nhiều cuộc chiến tranh, số vũ khi, bom, đạn trong rừng núi, trong đất vẫn còn khá nhiều, nhưng chưa có điều kiện rà phá, xử lý hết, gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý.
Trong khi đó, thực tiễn công tác đấu tranh chống tội phạm trong thời gian qua diễn biến hết sức phức tạp. Các đối tượng phạm tội rất liều lĩnh, manh động, nhất là các đối tượng phạm tội về ma túy sử dụng các loại vũ khí tấn công lại lực lượng thi hành công vụ khi bị kiểm tra, bắt giữ và truy đuổi.
Nội dung được cân nhắc, áp các yêu cầu chặt chẽ nhất trong quá trình xây dựng pháp lệnh là quy định nổ súng. Những người được trang bị súng đạn để đảm bảo an ninh, trật tự khi thi hành nhiệm vụ có tổ chức, quyết định nổ súng phải tuân theo mệnh lệnh người có thẩm quyền.
Khi thi hành nhiệm vụ độc lập, việc nổ súng phải tuân theo các nguyên tắc rất chặt chẽ. Chỉ nổ súng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của đối tượng và sau khi đã cảnh báo mà đối tượng không tuân theo. Không nổ súng khi biết rõ đối tượng là phụ nữ, người tàn tật, trẻ em nếu không bị người này chống trả, đe dọa tính mạng. Trong mọi trường hợp nổ súng, người sử dụng súng cần hạn chế thiệt hại do việc nổ súng gây ra.
Pháp lệnh quy định 7 trường hợp được nổ súng, đều trong tình thế đặc biệt cấp thiết, đe dọa trực tiếp tính mạng người thi hành công vụ hoặc an ninh quốc gia, mục tiêu quan trọng được bảo vệ.
Trình bày về việc xây dựng Pháp lệnh, Trung tướng Phạm Quý Ngọ – Thứ trưởng Bộ Công an – cho biết, trước Pháp lệnh này, đã có một số văn bản quy định việc trang bị, sử dụng vũ khí, súng đạn nhưng chưa quy định cụ thể các trường hợp được nổ súng. Pháp lệnh này được kỳ vọng tạo cơ sở pháp lý có hiệu lực và hiệu quả cao để điều chỉnh các hoạt động trong lĩnh vực này.
Pháp lệnh chính thức có hiệu lực thi hành từ 1/1/20102.
Trung tướng Phạm Quý Ngọ: 6 tháng đầu năm, 61 vụ án dùng súng giết người trong năm 2011
Từ đầu năm đến nay ngành công an đã liên tục mở các chiến dịch trấn áp tội phạm. Cuộc họp giữa tháng 5 vừa qua, Bộ đã xác định 18 tỉnh, thành phố trọng điểm, tập trung triệt phá những băng nhóm tội phạm sử dụng vũ khí nóng.
Theo thống kê 6 tháng đầu năm, tình hình tội phạm giảm 2,5% nhưng tính chất tội phạm và số lượng những vụ trọng án lại tăng 7,5%. Có 61 vụ án tội phạm dùng súng, vũ khí nóng giết người, riêng địa bàn Hà Nội chiếm 32 vụ.
Thứ trưởng Phạm Quý Ngọ phân tích, dấu hiệu móc nối giữa tội phạm hình sự và kinh tế ngày càng chặt chẽ, phức tạp nhất là khu vực miền Đông Nam Bộ và TPHCM. Bộ Công an đang trực tiếp chỉ đạo điều tra vụ 3 đối tượng xã hội đen đến nhà người tố cáo tham nhũng nổ súng bắn đạn hoa cải uy hiếp.
Lãnh đạo Bộ đã yêu cầu cảnh sát hình sự phía Nam gấp rút điều tra vụ án, giao cảnh sát phòng chống tham nhũng khởi tố, bắt ngay đối tượng nghi vấn. Công an kinh tế cũng được lệnh vào cuộc để làm rõ hành vi của đối tượng chủ mưu chỉ đạo việc bắn uy hiếp người tố cáo tham nhũng này.
|
Theo P.Thảo
Dan tri
Bình luận (0)