Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Thi ĐH, CĐ có giới hạn độ tuổi?

Tạp Chí Giáo Dục

Thí sinh tự do nộp hồ sơ đăng ký dự thi ở đâu? Tốt nghiệp THPT đã lâu có được dự thi ĐH? Ngành quản trị chất lượng ĐH Kinh tế TP.HCM đào tạo những gì? Điểm chuẩn ĐH Luật Hà Nội hằng năm bao nhiêu?… là những thắc mắc tuyển sinh 2009 thí sinh gửi về cho chúng tôi.

* Em tốt nghiệp THPT năm 2003 thì năm nay có được đăng ký dự thi ĐH không? Giấy tờ em cần bổ sung để dự thi ĐH năm 2009 là gì? Những thí sinh thi trượt ĐH năm ngoái, năm nay muốn dự thi ĐH thì nộp hồ sơ ở đâu? Có thể nộp tại trường THPT trước đây đã học không? (Nguyễn Văn Hiệu, huyhieunol@…; Nguyễn Văn Thương, namviet1412@…)
– Theo quy chế, mọi công dân không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, giới tính, nguồn gốc gia đình, địa vị xã hội hoặc hoàn cảnh kinh tế, nếu đã tốt nghiệp THPT, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề đều được dự thi tuyển sinh ĐH, CĐ.
Ngoài ra, người dự thi phải có đủ sức khỏe để học tập (người tàn tật, con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học tùy tình trạng sức khỏe và yêu cầu của ngành học, hiệu trưởng các trường sẽ xem xét, quyết định cho dự thi tuyển sinh; người bị khiếm thính, nếu sức khỏe phù hợp với ngành nghề đào tạo, hiệu trưởng quyết định việc tổ chức tuyển sinh như môn thi, cách thức tổ chức thi và công nhận trúng tuyển).
Riêng quân nhân hoặc công an nhân dân tại ngũ chỉ được dự thi vào những trường do Bộ Quốc phòng hoặc Bộ Công an quy định sau khi đã được cấp có thẩm quyền cho phép đi học. Quân nhân tại ngũ sắp hết hạn nghĩa vụ quân sự theo quy định, nếu được thủ trưởng từ cấp trung đoàn trở lên cho phép thì được dự thi theo nguyện vọng cá nhân, nếu trúng tuyển phải nhập học ngay năm đó, không được bảo lưu sang năm học sau.
Như vậy, thi ĐH-CĐ không giới hạn độ tuổi, chỉ trừ các trường thuộc khối quốc phòng, công an, kiểm sát, một số ngành năng khiếu mới quy định hạn chế tuổi (vì phải qua sơ tuyển).
Chỉ có những người không đủ các điều kiện kể trên và những người thuộc diện dưới đây không được dự thi: không chấp hành Luật nghĩa vụ quân sự; đang trong thời kỳ thi hành án hình sự; bị tước quyền dự thi tuyển sinh hoặc bị kỷ luật buộc thôi học chưa đủ hai năm (tính từ năm bị tước quyền dự thi hoặc ngày ký quyết định kỷ luật đến ngày dự thi); học sinh, sinh viên chưa được hiệu trưởng cho phép dự thi; cán bộ, công chức, người lao động thuộc các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân chưa được thủ trưởng cơ quan cho phép đi học.
Để dự thi tuyển sinh năm nay, bạn mua hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) tại bộ phận tuyển sinh của các sở GD-ĐT, các điểm phát hành hồ sơ theo quy định của từng sở, các cửa hàng văn phòng phẩm lớn… Hồ sơ ĐKDT sẽ phát hành vào khoảng đầu tháng 3. Bạn ghi đầy đủ theo yêu cầu của hồ sơ, nộp kèm hình và phải đóng dấu xác nhận tại địa phương nơi có hộ khẩu thường trú.
Thí sinh tự do nộp hồ sơ theo hệ thống của các Sở GD-ĐT và tại trường tổ chức thi. Thí sinh tự do không nộp hồ sơ tại trường THPT vì những nơi này không nhận hồ sơ. Riêng học sinh đang học lớp 12 THPT thì học tại trường nào phải nộp hồ sơ ĐKDT tại trường đó, không nộp hồ sơ qua Sở GD-ĐT.
Bạn cần lưu ý, nội dung thi nằm trong chương trình THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12 (chương trình mới). Đề thi đáp ứng cho tất cả đối tượng thí sinh học lớp 12 THPT năm học 2008-2009. Như vậy, thí sinh tự do phải thi cùng đề thi như thí sinh đang học lớp 12 THPT năm học 2008-2009. Do đó, thí sinh tự do phải tự cập nhật, bổ sung kiến thức theo các hình thức khác nhau để chuẩn bị cho việc dự thi.
Để ôn tập tốt cho kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2009, bạn cần ôn tập theo cấu trúc đề thi đã được Bộ GD-ĐT ban hành. Bạn cần tham khảo cấu trúc đề thi này để biết chi tiết những phần kiến thức mới và bổ sung để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh năm 2009. Tại các nhà sách có bán tài liệu Cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT, thi tuyển sinh ÐH-CÐ 2009.
* Năm trước em không trúng tuyển ĐH nhưng thi đậu CĐ, em không học mà đi luyện thi. Năm nay em nghe nói không tổ chức thi CĐ? Vậy năm nay em thi vào ĐH trên điểm sàn thì có thể đồng thời xét nguyện vọng 2 vào một trường ĐH khác và một trường CĐ không, hay chỉ được chọn một? Nếu vậy em có mất quyền lợi gi không? (Quang Vinh, zzzquangvinhzzz@…; Bich Tran, girl_hamchoi1991@…)
– Năm 2009, để tiếp tục cải tiến công tác tuyển sinh ĐH, CĐ theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả và thiết thực, kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2009 dự kiến sẽ không tổ chức thi tuyển sinh các trường CĐ mà chỉ xét tuyển trên cơ sở kết quả thi ĐH của thí sinh đã dự thi theo đề thi chung của Bộ GD-ĐT có cùng khối thi. Bộ GD-ĐT vẫn sẽ quy định mức điểm sàn riêng cho từng khối thi đối với hệ CĐ. Các trường CĐ, hệ CĐ trong các trường ĐH sẽ xét tuyển theo mức điểm sàn này.
Riêng các trường CĐ thuộc khối năng khiếu, nghệ thuật, các trường CĐ có đào tạo ngành năng khiếu nghệ thuật được sử dụng kết quả thi ĐH cùng khối thi để xét tuyển theo một trong hai phương thức: các môn văn hóa theo đề thi chung của Bộ GD-ĐT và các môn năng khiếu, nghệ thuật theo đề thi riêng của các trường ĐH hoặc chỉ sử dụng kết quả thi ĐH theo đề thi chung của bộ để xét tuyển các môn văn hóa và thi tuyển các môn năng khiếu.
Như vậy, bạn chỉ có một cơ hội là vào ĐH hoặc vào CĐ. Nếu nguyện vọng 1 của bạn là hệ ĐH, nhưng điểm thi của bạn không đủ thì bạn đăng ký xét tuyển nguyện vọng 2 vào hệ CĐ của trường ĐH hoặc các trường CĐ (với điều kiện điểm thi từ điểm sàn CĐ trở lên). Còn nếu nguyện vọng 1 của bạn là vào CĐ thì sau khi công bố điểm chuẩn, điểm thi của bạn đủ thì được trúng tuyển; nếu không đạt nhưng vẫn cao hơn điểm sàn thì được xét tuyển vào trường CĐ khác (phải thỏa điểm xét tuyển của trường đó).
Tuy nhiên, để quyết định thi hay không thi CĐ, Bộ GD-ĐT sẽ quyết định tại hội nghị thi và tuyển sinh tổ chức vào ngày 17-1 sắp tới. T
* Em muốn học ngành quản trị chất lượng của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM. Học ngành này xong thì khi ra trường cơ hội nghề nghiệp của em như thế nào, làm ở đâu, ngành này có khát nhân lực không…? (Dinh Hieu, diatrunghai23@…
– Chuyên ngành quản trị chất lượng nằm trong ngành quản trị kinh doanh của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM. Chuyên ngành này đào tạo cử nhân kinh tế để lập kế hoạch, chương trình quản trị chất lượng và chỉ đạo thực hiện tại các công ty dựa trên nhu cầu của thị trường; xác định mức chất lượng tối ưu trong chiến lược kinh doanh; xây dựng một một chính sách hợp lý về chất lượng cho công ty, cho ngành trên cơ sở những nhu cầu và khả năng của xã hội, của thị trường và của ngành.
Xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả hệ thống quản trị chất lượng trong các công ty, các ngành; phân bổ và sử dụng hợp lý các nguồn lực trong tổ chức, góp phần tạo ra những sản phẩm, dịch vụ có chất lượng phù hợp với nhu cầu thị trường với chi phí thấp nhất; xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả hệ thống quản trị theo các tiêu chuẩn quốc tế trong các doanh nghiệp.
Tốt nghiệp chuyên ngành quản trị chất lượng có thể lập kế hoạch, chương trình quản lý chất lượng, xác định chính sách chất lượng cho công ty… làm việc ở các doanh nghiệp sản xuất, thương mại, dịch vụ và các tổ chức khác.
* Em dự định thi vào Trường ĐH Luật Hà Nội nhưng không biết điểm chuẩn các ngành hằng năm là bao nhiêu? (Thai Tinh Thuy, heocon_91dn@…)
– Điểm chuẩn năm 2008 của Trường ĐH Luật Hà Nội các ngành pháp luật kinh tế, luật hình sự, luật dân sự, luật hành chính – nhà nước, luật quốc tế và kinh doanh quốc tế khối A: 17,5 – khối C: 20,5 – khối D1: 18,0. Năm 2007 có điểm chuẩn khối A: 20 – C: 20,5 – D1: 15,5. Năm 2006 khối A: 18 – C: 20,5 – D1: 20. Năm 2005 khối A: 19,5 – C: 19 – D1: 17.
Các bậc phụ huynh và các bạn học sinh có những yêu cầu thắc mắc về tuyển sinh ĐH-CĐ-TCCN 2009, thắc mắc các ngành học, quy chế… có thể gửi email đến Tuổi Trẻ Online tại địa chỉ: tuyensinh@tuoitre.net.vn.
Tuổi Trẻ Online sẽ trả lời thắc mắc của bạn đọc trong thời gian sớm nhất. Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ chữ có dấu (font chữ Unicode).
QUỐC DŨNG (TTO)

Bình luận (0)