Ngày 21-4, ông Nguyễn Quốc Chiến, Trưởng ban Vật giá, Sở Tài chính TPHCM cho biết, hiện chỉ có Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) và Công ty TNHH Danone Việt Nam (nhãn hàng sữa Dumex) đăng ký lại giá bán các mặt hàng sữa dành cho trẻ em theo quy định của Nghị định 100/2014 NĐ-CP.
Theo đó, 11 sản phẩm sữa của Vinamilk sẽ có mức giảm bình quân khoảng 4%; sản phẩm sữa Dumex giảm 2%. Mức giá này được áp dụng kể từ ngày 20-4. Cụ thể dòng sản phẩm Optimum Step 1 (Vinamilk) giá bán lẻ tối đa 360.580 đồng/hộp 900gr, Optimum step 3 giá bán lẻ tối đa 346.280 đồng/hộp 900gr (giảm 4%). Dumex Gold bước 3 cho trẻ từ 1 – 3 tuổi, giá bán lẻ tối đa 366.000 đồng/hộp 800gr (giảm 2%), thực phẩm bổ sung Dumex Fruit&Veg bước 3 còn 442.000 đồng/hộp 800gr (giảm 2%)…
Theo ông Chiến, các DN còn lại đều là DN nhỏ, họ đã làm cam kết với sở không thực hiện quảng cáo trên thị trường nên mức giá sẽ được giữ nguyên. Sở Tài chính đã có văn bản thông báo đến các sở, ngành chức năng để phối hợp, tăng cường việc giám sát và kiểm tra thực hiện các đơn vị nêu trên. Trước đó, Bộ Tài chính đã công bố 50 sản phẩm sữa cho trẻ em dưới 2 tuổi giảm từ 0,4% – 4% do tách chi phí quảng cáo ra khỏi giá sữa theo quy định. Đến nay, sau nhiều ngày công bố giảm giá, và sau 2 ngày buộc các nhãn hàng sữa phải giảm giá theo lộ trình của Nghị định 100/2014, thì giá sữa bán lẻ đến tay người tiêu dùng vẫn chưa giảm.
Liên quan đến việc tách chi phí quảng cáo ra khỏi giá sữa, nhiều ý kiến cho rằng sẽ khó đạt hiệu quả cao trong việc quản lý giá mặt hàng sữa cho trẻ em dưới 2 tuổi như mong muốn. Vì lẽ, theo Bộ Tài chính, chi phí quảng cáo hiện chiếm hơn 20%, thậm chí 30% giá thành đã làm giá sữa tăng từ 2,18% đến 16,39%. Nếu lấy các con số này để so sánh thì việc giảm 0,4% – 4% chưa tương xứng.
Để “lách” quy định phải loại chi phí quảng cáo trong cơ cấu giá, một số hãng sữa đã sử dụng phương thức đổi mẫu mã, bao bì; thay vì để sữa cho trẻ dưới 24 tháng thì nay tăng lên sữa dành cho trẻ 36 tháng tuổi… Một quan chức đang làm việc tại một sở chức năng tại TPHCM thẳng thắn, dường như quy định mới này chỉ để sửa sai việc không khống chế định mức trong quảng cáo, thì nay siết lại bằng cách yêu cầu tách chi phí quảng cáo ra khỏi giá sữa. Cách làm này thực chất là để dễ quyết toán thuế chứ không làm cho giá sữa giảm!
Sữa bột nhập khẩu hiện vẫn chiếm thị phần rất cao trên thị trường. Thế nhưng, nhiều năm qua, việc quản lý mặt hàng sữa ngoại của các cơ quan chức năng luôn bị lúng túng, từ kiểm soát chất lượng cho đến giá bán. Trong khi đó, tại nhiều nước trong khu vực luôn có tiêu chí rất rõ ràng cho sữa nhập khẩu. Riêng về giá bán, chừng nào cơ quan nhà nước nắm rõ được giá nhập khẩu, giá hải quan, các loại thuế và phí,… mới có thể giải quyết tổng thể vấn đề về giá sữa ngoại.
HẢI HÀ
(SGGP)
Bình luận (0)