Con gái thể hiện tình yêu thương với cha trong buổi lễ tri ân và trưởng thành do Trường THPT Trương Vĩnh Ký tổ chức
|
Lễ tri ân và trưởng thành là một hoạt động đánh dấu cột mốc quan trọng đầu tiên của học sinh lớp 12 khi bước vào tuổi 18 – tuổi được xã hội công nhận là trưởng thành, được thực hiện các quyền và nghĩa vụ công dân.
Điểm đặc trưng của hầu hết các buổi lễ tri ân và trưởng thành chính là những bài viết, những món quà tri ân của học sinh về thầy cô, về cha mẹ…
Cảm xúc từ trái tim
Các bài viết tri ân thường được bắt đầu bằng những lời thắm thiết: “Gửi ba, người con luôn tự hào”, “Gửi mẹ, người phụ nữ tuyệt vời nhất trong lòng con”, “Gửi thầy”, “Thưa cô”… và đi kèm theo đó là các câu chuyện, những lời bộc bạch thật chân tình, xúc động. Trong bài viết về mẹ của em Phạm Quốc Công Tâm (lớp 12A3 Trường THPT Trương Vĩnh Ký, TP.HCM), có đoạn: “Tôi không biết quý những lời mẹ dạy, tôi “nhắm mắt, bịt tai” để làm ngơ trước nỗi khổ tâm của mẹ, tôi cứ ngoan cố sống theo cách của mình. Bây giờ nghĩ lại, tôi thấy mình là một kẻ sống vô tâm, tôi chỉ biết sống cho “cái tôi” ích kỷ và không có trách nhiệm với tương lai của mình. Chưa một lần tôi mang lại niềm vui trọn vẹn cho mẹ bằng chính việc làm thiết thực của mình. Tôi đã biết xấu hổ vì thấy mình quá nhỏ bé trước trái tim vĩ đại của mẹ… Và tôi biết rằng: Dẫu cho cả thế giới có quay lưng lại với tôi thì có một người vẫn không thể bỏ rơi tôi, đó chính là mẹ”. Trong khi đó em Hồ Ngọc Hà (lớp 12 Trường THCS-THPT Nhân Văn, TP.HCM) đã dành thật nhiều cảm xúc trong bài viết về người chị gái từng chịu đựng nhiều đắng cay, vất vả: “Chị à, bây giờ em sẽ có trách nhiệm hơn với gia đình mình, em sẽ yêu thương mẹ hơn, nghe lời chị hơn. Để làm được điều đó, em phải cố gắng hết sức mình trong học tập, nhất là kỳ thi sắp tới. Em sẽ biết nhìn lại quá khứ của chúng ta để tạo một động lực phấn đấu cho mình…”. Viết cho ba, người đã gửi một phần xương máu cho hòa bình của dân tộc, em Quách Thu Thảo (lớp 12A3 Trường THCS-THPT Nhân Văn) rưng rưng: “Từ cách ba sống khi trở về từ chiến trường, ba đã dạy tôi rằng: Cuộc đời không ai muốn mình phải buồn, phải bị mất mát, thương đau. Nhưng phải cố gắng làm sao để không rơi vào tuyệt vọng, không bị mất nghị lực để đi qua thử thách khó khăn”.
Đó là những trăn trở, suy tư đầy trách nhiệm của các em khi thấu hiểu và sẻ chia nỗi vất vả của người thân để từ đó xác định cho mình một quyết tâm rèn luyện thành tài như một sự đáp đền, báo hiếu.
Giọt nước mắt trên sân trường
Cô Hoàng Thị Minh Liên, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Nhân Văn, cho biết: “Buổi lễ tri ân nào phụ huynh cũng cảm động khi được chính con em mình tận tay dắt lên bục danh dự, cúi đầu cảm ơn những tháng ngày vất vả mà họ đã trải qua, nhiều em tay run run trao món quà đầu tiên cho cha mẹ. Mới đây thôi, các em vẫn còn là những cô cậu học trò ham chơi hơn lo học, thích đua đòi quậy phá và thiếu ý thức kỷ luật. Chứng kiến những tiến bộ, sự trưởng thành vượt bậc của các em, biết bao giọt nước mắt đã rơi trên sân trường”.
Xuất hiện cùng học sinh trong buổi lễ tri ân và trưởng thành không chỉ có những đấng sinh thành mà còn là những người ông, người bà lưng đã còng, sức đã yếu; là các anh chị trong gia đình gần gũi với cuộc sống các em hằng ngày. Em Vũ Đức Hoàng (lớp 12A Trường THPT Trương Vĩnh Ký) cho biết: “Khi em từ Tây Nguyên xuống TP.HCM học tập, chính chị gái đã động viên và dẫn dắt em qua lứa tuổi “ẩm ương” học trò”.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Chủ tịch HĐQT Trường THPT Trương Vĩnh Ký – đơn vị đầu tiên trên cả nước tổ chức lễ tri ân và trưởng thành, nhìn nhận: “Gọi là trưởng thành bởi sau 12 năm học, các em đã tích lũy cho mình được vốn kiến thức văn hóa cơ bản và tương đối toàn diện, đang từng bước chín chắn hơn trong việc làm và cách nghĩ, chững chạc hơn trong cách hành xử và thể hiện được phong cách “người lớn” khi biết quan tâm, chăm sóc và thương quý mọi người…”.
Bài, ảnh: Ngọc Anh
Một hoạt động ý nghĩa trong thời buổi hiện nay
Ông Hà Hữu Phúc,Vụ trưởng, Giám đốc Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM, nhận định: Lễ tri ân và trưởng thành là một hoạt động rất có ý nghĩa trong thời buổi hiện nay, khi mà ở đâu đó vẫn còn một số tiêu cực diễn ra trong ngành. Một số trường học do nhiều áp lực (có cả áp lực về bệnh thành tích) đã thiên về dạy chữ mà nhẹ về dạy người. Nhiều phụ huynh vì bận rộn với cuộc sống mưu sinh hằng ngày đã chưa dành nhiều thời gian đầu tư hợp lý để giáo dục con, thậm chí là khoán trắng cho nhà trường. Nhiều học sinh có hành vi chưa đúng với chuẩn mực với thầy cô, cha mẹ, bạn bè, mặc nhiên hưởng thụ sự chăm sóc, nỗi lo toan vất vả của cha mẹ, thầy cô. Vì thế, đây là dịp để cho từng đối tượng soi rọi lại mình mà điều chỉnh phù hợp với môi trường giáo dục.
|
Bình luận (0)