Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

GS. Trần Văn Khê – Ông đi còn lại tiếng đờn

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng 27-6, linh cữu của GS. Trần Văn Khê được đưa về Nghĩa trang Hoa viên Bình Dương hỏa táng. Nhiều đoàn khách trong và ngoài nước, các tổ chức, cá nhân yêu mến GS đã có mặt từ rất sớm để tiễn ông về với đất mẹ.

Ông ra đi để lại sự tiếc thương ở bao người. Tình cảm mà các thế hệ dành cho ông từ lâu, lúc này đây và mãi mãi thực đúng với chữ tâm và tài mà ông đã để lại cho đời.

Trường ĐH Sân khấu cũng đã đưa sinh viên đến phụ giúp tang lễ. Theo nghệ sĩ Hữu Châu, đây là lời tri ân của thế hệ trẻ đối với vị GS đáng kính. Đến viếng GS.TS Trần Văn Khê, bà Tôn Nữ Thị Ninh (Quỹ hòa bình và phát triển TP.HCM, Ủy ban Hòa bình TP.HCM) viết trong sổ tang: Thầy có thể tự hào để lại cho đất nước và các thế hệ người Việt trong và ngoài nước một di sản văn hóa và tinh thần hết sức đặc sắc và quý báu.

“GS. Trần Văn Khê kính mến! Thế là một cánh chim hồng của nền âm nhạc dân tộc Việt Nam đã bay về miền xa thẳm, chỉ còn tiếng đờn kìm, đờn nhị, những điệu thức đờn ca tài tử ngân mãi trong trái tim mọi người. GS. Trần Văn Khê mất đi nhưng những gì ông để lại cho dân tộc, cho đất nước là vô giá. Âm nhạc dân tộc Việt Nam mãi mãi là chỗ dựa tinh thần cho các thế hệ trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước”, bà Thân Thị Thư, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM tỏ lòng thành kính.

Ông Võ Văn Thưởng – Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM ghi sổ tang tại lễ tang GS.TS Trần Văn Khê. Ảnh: I.T

Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái cũng có đôi dòng: Vĩnh biệt GS. Trần Văn Khê, cây đại thụ về âm nhạc của thế giới, phương Đông và Việt Nam, một nhà văn hóa lớn. Sinh hoạt của thầy rất đỗi giản đơn, đời thường nhưng trí tuệ uyên bác, tâm hồn cao thượng, để lại một di sản âm nhạc đồ sộ và vĩ đại. Nghe thầy diễn thuyết càng thấy mình nhỏ bé trước kho tàng đồ sộ của âm nhạc và bản sắc văn hóa Việt Nam.

Ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM bày tỏ cảm xúc: “Vô cùng thương tiếc, vĩnh biệt GS.TS Trần Văn Khê, cây đại thụ của âm nhạc dân tộc. Ông đã dành cả cuộc đời cho việc bảo tồn, phát triển, phát huy nghệ thuật âm nhạc dân tộc, đưa âm nhạc dân tộc Việt Nam đến với nhiều quốc gia, dân tộc khác. Tấm lòng, tâm huyết của ông đã góp phần làm cho bạn bè quốc tế hiểu hơn về âm nhạc dân tộc Việt Nam, về con người Việt Nam. Ông mất đi nhưng di sản để lại thật quý giá”. Viếng GS. Khê, bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM hy vọng sẽ có nhiều người kế tục sự nghiệp của ông.

Trong hai ngày 27 và 28, căn nhà số 32 Huỳnh Đình Hai, P.24, Q.Bình Thạnh đón nhiều đoàn khách trong và ngoài nước đến viếng GS. Đó là những tổ chức, nhà nghiên cứu, bạn tri âm tri kỷ, những thế hệ học trò, người mộ điệu từ mọi miền đất nước. Viếng GS còn có đoàn thuộc các trường: THPT chuyên Lê Hồng Phong; ĐH Văn hóa TP.HCM; ĐH Văn Hiến, ĐH Bình Dương; ĐH KH-XH&NV TP.HCM; ĐH Sân khấu… Trước đó, nhiều đoàn khách đến các tổ chức nước ngoài; Đảng bộ và chính quyền Vĩnh Kim (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang – quê hương của GS. Trần Văn Khê); các quận, huyện, thành phố, cơ quan ban ngành, đoàn thể tại TP.HCM, các tỉnh, thành cũng đã đến viếng GS.

GS. Trần Quang Hải, con trai trưởng của GS. Trần Văn Khê cũng đã trở về từ Pháp và có mặt tại tang lễ lúc 10 giờ sáng ngày 27-6. Túc trực tại tang lễ có nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, ông Trần Bá Thùy, NSND Kim Cương, nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng, học trò của Sân khấu Kịch Hồng Vân…

GS. Trần Văn Khê đã dành cả cuộc đời cho âm nhạc dân tộc. Hy vọng, từ chữ “tình” mà ông đã dành cho âm nhạc, cho quê hương sẽ có nhiều lớp học trò tâm huyết với âm nhạc truyền thống và tiếp tục quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Trần Tuy An

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)