Nếu không kiểm soát tải trọng xe, cầu đường sẽ có nguy cơ bị sập, hư hỏng nặng hoặc nhẹ hơn là nhanh xuống cấp. Song nếu kiểm soát tải trọng sẽ gây ách tắc vận tải, tăng chi phí giảm lợi nhuận của các DN.
Xe quá tải gây sập cầu
Ngày 19.7 cầu Bình Cách trên đường tỉnh 879 thuộc xã Tân Bình Thạnh, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) đổ sập khi chiếc xe tải chở đầy gạo chạy qua. Giao thông trên tuyến đường quan trọng nối liền tỉnh Tiền Giang và huyện Châu Thành (Long An) bị tê liệt hoàn toàn. Mặc dù cầu Bình Cách có kết cấu thép, mặt cầu bằng gỗ, gắn biển báo tải trọng tối đa 8 tấn, nhưng tài xế vẫn cố tình cho xe chở quá tải chạy qua. Kết quả là cả cây cầu gãy sập. Điều đáng sợ là cây cầu này đã sập đến lần thứ ba cùng với một nguyên nhân là quá tải.
Có nhiều thiệt hại nghiêm trọng khi một cây cầu trên huyết mạch giao thông bị sập. Các xe sẽ phải đi đường vòng, cõng thêm thời gian và chi phí. Hàng hóa vì thế mà kém sức cạnh tranh. Chưa kể tiền đầu tư để khôi phục cầu. Đáng ngại hơn nữa là hiện trạng báo động của nhiều cây cầu yếu được xây dựng cách đây hơn 40 năm trên quốc lộ qua tỉnh Tiền Giang. Nếu nhìn rộng ra toàn quốc có đến hơn 400 cây cầu đang nằm trong các cấp báo động. Những cây cầu này vẫn phải “gồng mình” chịu những chiếc xe chở hàng có trọng tải gấp 2-3 lần. Vì vậy hiểm họa sập như cầu Bình Cách ngày 19.7 có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Hậu quả xe chở quá tải với đường bộ không nặng nề và lập tức như với những cây cầu yếu, song hàng loạt tuyến đường bị phá hỏng nặng nề ngay cả khi vừa làm xong được thời gian không lâu cũng cho thấy hệ lụy của việc xe quá tải là vô cùng lớn. Cầu Thanh Trì, đường cao tốc TPHCM-Trung Lương… vừa đưa vào khai thác song đã có những đoạn lún lõm sâu hàng chục centimét. Tất nhiên cũng có nhiều nguyên nhân như nền đất yếu, chất lượng thi công… Song không thể không thấy xe quá tải cũng là một thủ phạm.
Không thể chần chừ
Thực trạng xe quá tải gây sập, xuống cấp cầu, hỏng đường đã trở thành chuyện cơm bữa. Theo một nghiên cứu trong ngành GTVT thì các xe chở quá tải 10%; 20%; 30% và 95% sẽ gây tổn hại đến tuổi thọ của cây cầu tăng lên 1,5; 2,0; 2,7 và 12,42 lần. Ngân sách nhà nước cũng đang nặng gánh về đầu tư hạ tầng giao thông, bảo trì hệ thống đường sá, trong khi các DN vận tải chở quá tải, gây hư hỏng về cầu đường.
Hiện nay cầu đường bộ thường xuyên không đủ kinh phí bảo trì, nên lại càng xuống cấp nhanh và ngốn nhiều hơn kinh phí đột xuất khi bị sập, bị sự cố ảnh hưởng đến đảm bảo giao thông. Tuy nhiên hiện việc khôi phục lại hệ thống trạm cân khá chậm chạp. Những trạm cân thí điểm hễ siết chặt một chút là gây ách tắc giao thông.
Đơn cử vụ trạm cân trên quốc lộ 18 là một ví dụ. Khi xảy ra ách tắc do kiểm soát chặt trọng tải, nhà quản lý không chịu được sức ép dư luận lại đành phải nới tạm. Hoặc nếu để xảy ra tiêu cực tại các trạm cân như tại trạm cân Dầu Giây khiến việc kiểm soát tải trọng không nghiêm, chỉ phạt rồi cho đi thì tình trạng xe quá tải vẫn cứ tồn tại và cầu đường vẫn bị lâm nguy. Vì thế tình trạng xe tải quá tải có thể nói là chưa có thuốc chữa.
Ngoài ra hiện tượng liều lĩnh, vô trách nhiệm của những lái xe đã gây sập cầu, lún đường khi chở quá tải cũng là điều đáng lưu tâm. Cầu Bình Cách bị sập là một minh chứng rõ ràng cho sự liều lĩnh này. Trọng tải được phép chỉ là 8 tấn mà xe tải chở gạo nặng gấp nhiều lần vẫn cố tình chạy qua. Đáng nói hơn là cầu này lại sập đến 3 lần với cùng một lý do. Vì vậy có lẽ cần có những chế tài để ngăn chặn việc này. Ở đây lỗi lớn nhất thuộc về các DN vận tải, thứ đến là hàng rào kiểm soát đã không hiệu quả. Vì lợi nhuận, DN vận tải sẵn sàng liều lĩnh bỏ qua lợi ích chung, tính mạng của người dân và ngay cả lái xe để đạt mục đích riêng.
Chính vì vậy đã đến lúc phải tuyên chiến với “căn bệnh” chở quá tải.
Theo Bích Liên
Lao Động
Bình luận (0)