Do hoàn cảnh nghỉ học kéo dài trong mùa dịch Covid-19 nên Bộ GD-ĐT đã khuyến khích các trường dạy và học trực tuyến. Vừa qua, tôi nhận được rất nhiều email của giáo viên (GV) nhờ hỗ trợ về chuyện ZOOM chỉ cho dùng 40 phút. Với vấn đề này, tôi có ý kiến như sau: Về nguyên tắc, người học không thể ngồi nghe quá lâu. Tối đa không quá 40 phút là hợp lý, nếu quá 40 phút là đầu óc học sinh “mụ” hết ra. ZOOM chặn thời gian dùng 40 phút là quá hợp lý, rất sư phạm. Vì vậy, GV phải chuẩn bị bài vở, giáo án cho thật chuẩn: Nói cái gì? Giảng cái gì?… Như vậy, lên lớp online còn phải chuẩn hơn gấp bội lần lên lớp bình thường.
Về phương pháp công nghệ, dạy và học trực tuyến đồng bộ hay có sự tương tác tức thời, tiếng Anh gọi là e-Learning synchronous như chat (khi mọi thành viên cùng ngồi trên máy tính, họp video, họp thoại), còn không đồng bộ (e-Learning Asynchronous) thì tương tác có độ trễ rất lâu, thậm chí là không có phản hồi (như qua email chẳng hạn). Web conference là hệ thống họp video qua web, cho phép mọi người nhìn thấy nhau, nói chuyện trực tiếp qua video, qua thoại. Webinars là cách trình bày bài giảng, báo cáo qua web tới nhiều người dự. Có khi webinar là một thành phần trong phần mềm web conference. Nghiên cứu phần mềm soạn bài giảng (Authoring Tool), tôi dùng tiếng Anh để GV coi đó là từ khóa mà tìm kiếm trên mạng. e-Learning giúp cho thực hiện giáo dục mọi nơi, mọi lúc, mọi người, mọi nội dung nên hãy nghĩ cách làm thật đơn giản mà hiệu quả. Dạy và học trực tuyến hiện nay đang là giải pháp tình thế, lúc đại dịch tràn đến mà nhiều trường, nhiều GV chưa kịp chuẩn bị kịch bản sư phạm. Tôi xin mạn phép bàn cho đơn giản thế này: Không phải lúc nào cũng cần tương tác tức thời, hay dạy học đồng bộ. Nghĩa là không nhất thiết sử dụng ZOOM. Để học được mọi lúc thì bài giảng phải luôn sẵn có trên mạng, để học sinh học lúc nào cũng được. Hãy chọn cách làm đơn giản nhất: Dùng PowerPoint quá quen thuộc, rồi dùng phần mềm soạn bài giảng e-Learning như iSpring, Adobe Presenter… để chèn vào PowerPoint, biến PowerPoint thành công cụ soạn e-Learning rất đơn giản. Sau khi cân đo, suy nghĩ chỉnh sửa từng câu, từng chữ trong từng bản chiếu một (slide), có thể chèn video GV giảng bài, câu hỏi trắc nghiệm… GV “đổ” bài giảng thành video bài giảng e-Learning cho đơn giản nhất, và chia sẻ lên mạng như Youtube, Facebook cá nhân của GV hay gì đó như Google Drive… để học sinh học bất cứ lúc nào. GV nên chọn phương án tương tác không đồng bộ với học sinh, tốt nhất là qua nhóm email (group) của từng lớp, từng GV, hay qua Facebook, qua nhóm chat… để trả lời thắc mắc, kiểm tra kiến thức học sinh qua các câu hỏi trực tiếp hay trắc nghiệm. Với cách làm như trên thì không lo mạng bị nghẽn, không lo phải chờ đủ học sinh thì GV mới giảng bài được và học sinh thậm chí không cần webcam (để chat video với GV) mà vẫn học bài được. Điều quan trọng nhất là bài giảng tốt có thể đến với nhiều học sinh khác và GV có thể cập nhật để nâng cao bài giảng trong kỳ tiếp theo. Đó là tính bền vững của giải pháp. Còn nếu làm video như với ZOOM thì lại phải diễn lại từ đầu.
TS. Quách Tuấn Ngọc
(nguyên Cục trưởng Cục CNTT, Bộ GD-ĐT)
Bình luận (0)