Học phí bậc đại học sẽ tăng mạnh trong năm học 2022 – 2023. Các trường chưa tự chủ học phí có ngành tăng trên 70%, trong khi các loại hình trường khác mức thu này có ngành lên tới 100 triệu đồng/năm.
Học phí công lập thấp nhất 12 triệu đồng/năm
Mức độ tăng mạnh học phí (HP) bậc ĐH được thể hiện rõ trong Nghị định 81/2021 của Chính phủ về cơ chế thu chi, quản lý HP đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, và chính sách miễn, giảm HP, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực đào tạo.
Học phí bậc đại học sẽ có mức thu khác nhau, chênh lệch khá lớn giữa các loại hình trường. ĐÀO NGỌC THẠCH
Theo nghị định này, từ năm học 2022 – 2023, mức trần HP với trường ĐH công lập chưa tự chủ sẽ tăng vọt so với năm học trước đó (trừ khối ngành nghệ thuật).
Cụ thể, mức HP thấp nhất áp dụng cho năm học 2022 – 2023 dao động từ 1,2 – 2,45 triệu đồng/tháng. Trong đó, khối ngành y dược tăng tới 71,33%, từ 1,43 triệu đồng/tháng lên 2,45 triệu đồng/tháng. Các khối ngành còn lại (trừ khối ngành nghệ thuật) hầu hết đều tăng từ hơn 20 đến gần 30%. Riêng khối ngành khoa học sự sống, khoa học tự nhiên có mức tăng trên 15%.
Như vậy, HP các trường ĐH công lập sẽ có nhiều mức khác nhau trong năm học 2022 – 2023. Trong đó, mức thấp nhất tương đương 12 triệu đồng/năm (10 tháng) áp dụng với sinh viên (SV) các ngành: nghệ thuật, nhân văn, khoa học xã hội và hành vi, báo chí và thông tin, dịch vụ xã hội, du lịch, khách sạn, thể dục thể thao, dịch vụ vận tải, môi trường và bảo vệ môi trường.
Thạc sĩ Nguyễn Anh Vũ, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và phát triển thương hiệu Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cho biết do là trường chưa tự chủ tài chính nên dự kiến HP năm học 2022 – 2023 của trường từ 12 – 12,5 triệu đồng/năm (tăng trên 20% so với trước đó).
Theo Nghị định 81, từ năm học 2022 – 2023, mức trần học phí với trường ĐH công lập sẽ tăng cao. ĐÀO NGỌC THẠCH
Công lập tự chủ tài chính thu gấp 2 – 2,5 trường công
Với các trường ĐH công lập đã chuyển đổi qua loại hình tự chủ, mức tăng HP cũng khác nhau. Trường tự đảm bảo chi thường xuyên, mức thu này được xác định tối đa bằng 2 lần mức trần trường chưa tự chủ tương ứng với khối ngành. Như vậy, năm học tới các trường này được thu từ 24 – 49 triệu đồng/năm. Với trường công lập tự đảm bảo cả chi thường xuyên và chi đầu tư, HP được thu tối đa 2,5 lần mức trần trường chưa tự chủ (tương ứng với 30 – hơn 61 triệu đồng/năm học).
Từ năm học tới, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM chính thức chuyển qua cơ chế tự chủ nên tăng HP nhiều ngành. Với chương trình đại trà, mức thu dao động từ 13 – 24 triệu đồng/năm tùy nhóm ngành (sau khi trừ số tiền hỗ trợ HP một số ngành). Các ngành chất lượng cao HP 60 triệu đồng/năm.
Trường ĐH Bách khoa TP.HCM đã bắt đầu tăng HP từ năm học 2021 – 2022. Theo tiến sĩ Trần Thiên Phúc, Phó hiệu trưởng nhà trường, năm học này trường chuyển sang cơ chế tự chủ với 2 mức HP: 24 triệu đồng/năm (chương trình đại trà) và trên dưới 60 triệu đồng/năm (chương trình dạy bằng tiếng Anh). Theo lộ trình tăng được công bố từ năm 2021, SV trúng tuyển năm học 2022 – 2023 áp dụng mức thu 27,5 triệu đồng/năm (đại trà) và 55 – 72 triệu đồng/năm (bằng tiếng Anh).
Trường tư đa dạng mức HP
Theo Nghị định 81, các trường tư thục và dân lập được quyền chủ động xây dựng mức thu HP và giá các dịch vụ khác đảm bảo bù đắp chi phí và có tích lũy hợp lý. Tỷ lệ tăng HP mỗi năm không quá 15% bậc ĐH. Trên cơ sở này, các trường ĐH tư thục có điều chỉnh mức tăng khác nhau tùy trường cho năm học tới.
Thạc sĩ Trương Thị Ngọc Bích, Giám đốc Trung tâm thông tin – truyền thông Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM, cho biết HP năm tới khoảng 75 triệu đồng/năm (gồm 4 học kỳ). So với năm trước đó, tăng 5 triệu đồng/năm.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cũng cho biết HP năm tới của trường tăng khoảng 5% theo lộ trình. Theo đó, SV đóng khoảng 36 triệu đồng/năm (riêng ngành dược có mức thu cao hơn 20%). Trong khi đó, tiến sĩ Trần Thiện Lưu, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho biết năm học tới hầu hết HP các ngành không tăng so với trước đó và một số ngành mức thu điều chỉnh tăng trên dưới 10%. SV trúng tuyển khóa mới sẽ đóng từ 12,9 – 16,5 triệu đồng/học kỳ (riêng y khoa 40 triệu đồng/học kỳ) và ổn định trong suốt khóa học.
Khối ngành Y dược có trường HP 100 triệu đồng/năm
Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch dự kiến tăng HP trong năm học tới. Một số ngành có mức thu tối đa hơn 44 triệu đồng/năm gồm: y khoa, dược học, răng-hàm-mặt. Các ngành còn lại không vượt quá 41 triệu đồng/năm.
Từ năm ngoái, Khoa Y (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng đã công bố lộ trình tăng HP các năm tới. Cụ thể năm 2022 HP các ngành từ 60,5 đến 96,8 triệu đồng/năm; năm 2023 từ mức hơn 66,5 đến hơn 106 triệu đồng/năm. Trường ĐH Y dược TP.HCM bắt đầu tăng HP từ năm học 2020 – 2021 các ngành từ 30 – 70 triệu đồng/năm. Năm học 2021 – 2022 trường không tăng HP do ảnh hưởng Covid-19, nhưng theo lộ trình đã công bố, HP các năm tiếp theo dự kiến tăng thêm khoảng 10%.
Dù sẽ tăng HP nhưng hầu hết các trường y dược phía bắc do chưa tự chủ vẫn thu theo khung Chính phủ quy định trong Nghị định 81/2021/NĐ-CP.
Tại Trường ĐH Y Hà Nội, trong năm học 2022 – 2023, HP các ngành răng- hàm-mặt, y khoa, y học cổ truyền, y học dự phòng có mức tăng mạnh nhất, với mức thu 24,5 triệu đồng/năm học (hiện tại là 14,3 triệu đồng, tức tăng 71,3%). Khối ngành cử nhân sức khỏe có học phí 18,5 triệu đồng/năm học. Ngành điều dưỡng chương trình tiên tiến có học phí là 37 triệu đồng/năm học (mức hiện tại là 31,46 triệu đồng).
PGS Nguyễn Văn Khải, Hiệu trưởng Trường ĐH Y dược Hải Phòng và PGS Nguyễn Duy Cường, Hiệu trưởng Trường ĐH Y dược Thái Bình, cho biết, mức thu HP cho năm học 2022 – 2023 sẽ thực hiện theo Nghị định 81 với những trường chưa tự chủ.Theo ông Phạm Xuân Thắng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, trường áp dụng mức trần của khung HP theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP Chính phủ ban hành từ tháng 8.2021,
Trường quốc tế học phí ra sao? Các trường ĐH quốc tế hiện chưa công bố HP năm học mới 2022 – 2023 nhưng căn cứ năm học trước đó có thể thấy mức thu khác nhau tùy trường. Chẳng hạn, Trường ĐH RMIT VN công bố mức HP áp dụng cho chương trình ĐH năm 2022 khoảng trên 300 triệu đồng/năm. Trường ĐH Fulbright VN cũng công bố học phí chương trình cử nhân của năm học 2021 – 2022 ở mức trên 467 triệu đồng/năm… |
Ý kiến Cần căn cứ trên “sức chịu đựng” của xã hội Tăng HP là xu thế không thể khác được. Tuy nhiên, mức tăng này cần căn cứ trên “sức chịu đựng” của xã hội và quan tâm tới nhóm yếu thế – SV nghèo, vùng sâu vùng xa học tốt. “Quan trọng nhất vẫn là việc tăng HP cần phải đúng mục tiêu tăng chất lượng đào tạo và có minh chứng rõ ràng. Từ đó, người học cảm thấy hài lòng và sẵn sàng đầu tư cho việc học ĐH.
Tiến sĩ Trần Thiên Phúc Phải phụ thuộc vào mức thu nhập bình quân của đa số người dân Tăng HP nhằm tăng chất lượng đào tạo nhưng trong bối cảnh hiện nay của xã hội, các trường cần có chính sách HP phù hợp. Tuy nhiên, mức tăng này vẫn phải phụ thuộc vào mức thu nhập bình quân của đa số người dân. Có 2 mâu thuẫn ở đây, nếu HP thấp quá sẽ không đảm bảo chất lượng nhưng nếu HP cao quá sẽ là gánh nặng với các phụ huynh. Các trường cần có lộ trình tăng phù hợp và thông báo trước với người học.
Tiến sĩ Lê Xuân Trường, Hà Ánh (ghi) |
Theo Hà Ánh – Quý Hiên/TNO
Bình luận (0)