Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Trắc nghiệm môn toán: Phân nhóm câu hỏi để làm bài nhanh

Tạp Chí Giáo Dục

Kỳ thi THPT quốc gia 2017, lần đầu tiên môn toán được chuyển sang thi trắc nghiệm thay vì tự luận như truyền thống. Do chưa quen với hình thức thi mới này, học sinh có thể cảm thấy áp lực. Do đó các em phải rèn luyện kỹ năng làm bài nhanh, suy luận và sử dụng máy tính tốt…

Ở các câu hỏi có thể tính nhanh bằng máy tính, thí sinh vẫn cần nắm vững các bước giải, thao tác tính toán để tăng tốc độ tính. Trong ảnh: Thí sinh thi THPT quốc gia 2016 tại TP.HCM. Ảnh: M.T

Đề thi minh họa môn toán mà Bộ GD-ĐT vừa công bố được cho là không-làm-khó những học sinh vào trường tốp trên như ĐH Y dược, ĐH Bách khoa, ĐH Kinh tế…, tuy nhiên cũng có một số câu đòi hỏi các em phải nắm chắc và sâu kiến thức mới có thể giải được.

Không chỉ nhớ và… đoán

ThS. Đinh Vinh Hiển (Trưởng bộ môn toán cơ bản Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM) nhận định, đề mẫu nằm trong chương trình lớp 12, không khó nhưng dài, trải rộng kiến thức, được phân bố như sau: 11 câu thuộc chủ đề ứng dụng giới hạn và đạo hàm trong khảo sát hàm số, 10 câu thuộc hàm mũ và logarit, 7 câu tích phân, 6 câu số phức, 8 câu hình học giải tích và 8 câu hình học không gian. Đề mang tính phân loại ở mức độ vừa phải, trong đó có những câu khá dễ (câu 3, 5, 12, 13, 14, 15, 16, 22, 23, 29, 30, 44). Một số câu đòi hỏi học sinh phải nắm chắc và sâu kiến thức mới có thể giải được (câu 8, 9, 10, 11, 21, 24, 34, 37, 40) và vài câu ứng dụng có phần lạ so với học sinh (câu 21, 24, 40).

Để chuẩn bị tốt bài thi trắc nghiệm môn toán hay ngay cả tự luận, trước hết học sinh phải biết học cho đúng cách, rèn phương pháp tư duy, phương pháp suy luận chứ không theo cách nhớ chi tiết, kiểu đoán mò.

Ông Hiển cho rằng, mức độ đề này sẽ không làm khó những học sinh muốn vào trường tốp trên như: ĐH Y dược, ĐH Kinh tế, ĐH Bách khoa… Còn đối với những trường tốp giữa, đề vẫn có thể phân loại được học sinh để tuyển chọn.

Với hình thức thi mới, ThS. Phạm Thái Sơn (giảng viên thuộc Bộ môn toán cơ bản Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM) chỉ ra thêm, học sinh không nhất thiết thay đổi cách học, việc duy trì cách học như từ trước đến nay giúp các em hình thành tư duy và phương pháp. Tuy nhiên, các em cần học cách làm bài nhanh và tạo thói quen kiểm tra kết quả.

Thêm vào đó, cần thay đổi quan điểm cho rằng hình thức trắc nghiệm chỉ kiểm tra được khả năng nhớ, khả năng phán đoán mà không đánh giá được năng lực tư duy cao hơn. Thực sự điều này chỉ đúng với đề thi trắc nghiệm được làm thiếu chuyên nghiệp và không đúng cách. Chính vì vậy, để chuẩn bị tốt bài thi trắc nghiệm hay cả tự luận, trước hết các em phải biết học cho đúng cách, rèn phương pháp tư duy, phương pháp suy luận chứ không theo cách nhớ chi tiết, kiểu đoán mò. Học sai cách – chỉ phục vụ cho việc nhớ và đoán – học sinh sẽ khó có được tư duy hệ thống, dẫn đến nhanh quên các chi tiết.

Với trắc nghiệm toán, có thể do chưa quen và còn “non” kinh nghiệm làm bài, học sinh dễ cảm thấy áp lực. Các em buộc phải luyện kỹ năng làm bài nhanh, suy luận và sử dụng máy tính tốt.

Phân nhóm câu hỏi

Theo ông Sơn, khi làm bài thi trắc nghiệm môn toán, các em cần đọc nhanh và phân loại, phân nhóm các câu hỏi. Xác định, khoanh vùng các câu hỏi thuộc nhóm thế mạnh của mình và giải chúng. Điều này sẽ tạo sự liền mạch trong suy nghĩ, thuận lợi cho quá trình làm bài. “Nếu học sinh không phân nhóm, sắp xếp câu hỏi mà làm theo trình tự trên xuống dưới thì các câu hỏi với những mạch suy nghĩ khác nhau dễ khiến các em mất tính logic. Chẳng hạn, với bài thi gồm các nội dung liên quan đến khảo sát, hình học, đại số, tích phân…, học sinh nên đọc lướt và đánh dấu, phân loại từng phần. Khi làm bài, các em sẽ làm theo từng phần đã được phân loại đó để tránh nhầm lẫn cũng như liền mạch trong suy nghĩ. Nhờ vậy, bài làm sẽ nhanh chóng và hiệu quả hơn”, ông Sơn nhấn mạnh.

Tổ chức dạy học và hướng dẫn học sinh ôn tập tốt

Sở GD-ĐT TP.HCM vừa có công văn gửi các trường THPT, trung tâm GDTX, trường bổ túc văn hóa khối trường ngành và khối trực thuộc về việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2017. Theo đó, Sở GD-ĐT đề nghị lãnh đạo các trường triển khai nội dung phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2017 (kèm công văn số 4818/BGDĐT-KTKĐCLGD ngày 28-9 của Bộ GD-ĐT) đến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, học viên trong đơn vị. Đồng thời, Sở GD-ĐT cũng đề nghị các trường có kế hoạch tổ chức dạy học, hướng dẫn học sinh, học viên ôn tập và chuẩn bị thi đạt kết quả tốt.

PV

Trong quá trình ôn tập, học sinh lưu ý rút kinh nghiệm từ những lỗi sai của mình để có thể áp dụng phương án loại trừ khi làm bài. Ở đề minh họa môn toán năm 2017, ông Sơn lưu ý thêm, một số câu hỏi lý thuyết có các đáp án na ná nhau, học sinh cần nắm vững kiến thức để trả lời, tránh bị nhầm lẫn, sai sót. Ở các câu hỏi có thể tính nhanh bằng máy tính như tích phân, giải phương trình…, các em vẫn cần nắm vững các bước giải, thao tác tính toán để giải chính xác và tăng tốc độ tính.

Mê Tâm

 

 

Bình luận (0)