Nhiều sở GD-ĐT đã hoàn tất và tiến hành tổng kết công tác chấm thi, chuẩn bị công bố trước ngày 7-7. Theo đánh giá sơ bộ, kết quả thi môn ngữ văn (môn tự luận duy nhất của kỳ thi THPT quốc gia năm nay) của thí sinh tại một số địa phương cao hơn năm trước, phổ điểm chủ yếu từ 4-6, ít có điểm cao đột biến.
Thí sinh làm bài thi THPT quốc gia 2017 tại TP.HCM |
Tránh để nghẽn mạng, thí sinh khó xem kết quả thi Tại buổi kiểm tra công tác chấm thi của Sở GD-ĐT TP.Hà Nội vừa qua, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đã đề nghị TP.Hà Nội chuẩn bị các điều kiện cho việc công bố kết quả thi THPT quốc gia. Không để tình trạng nghẽn mạng, thí sinh không truy cập, xem kết quả thi được. Đơn vị này có thể phối hợp với các trường ĐH lớn trên địa bàn để tận dụng hạ tầng công nghệ thông tin cho việc công bố kết quả thi đảm bảo thông suốt. |
Chiều 3-7, Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk tổ chức tổng kết công tác chấm thi. Ông Thái Văn Tài (Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk) cho biết, ở môn tự luận, toàn tỉnh không có thí sinh bị điểm 0, tuy nhiên cũng có thí sinh “dính” điểm liệt. Đặc biệt, có thí sinh đạt điểm 9. Theo ông Tài, qua kết quả thi môn tự luận cho thấy đề thi có sự phân hóa rõ, các trường ĐH có thể dựa vào đây để tuyển chọn được thí sinh phù hợp.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Tài (Trưởng phòng Khảo thí – CNTT, Sở GD-ĐT tỉnh Tây Ninh) lại nhìn nhận, từ kết quả thi của thí sinh địa phương này có thể thấy mức phân hóa của đề thi tự luận ngữ văn năm nay chưa cao, đề còn ở ngưỡng an toàn. “Mức độ đề thi này chỉ phục vụ tốt cho xét tốt nghiệp THPT, chưa thể phục vụ các trường ĐH-CĐ tuyển chọn thí sinh mong muốn”, ông Tài đánh giá.
Năm nay, tỉnh Tây Ninh chấm 24.000 bài thi trắc nghiệm và hơn 7.800 bài thi tự luận ngữ văn. Trong đó, môn tự luận, toàn tỉnh có 76% thí sinh đạt từ điểm 5 trở lên, cao hơn so với con số trên 60% của năm ngoái. Phổ điểm chủ yếu rải đều từ 4-6, thí sinh cao nhất đạt 8,75 điểm và có 10 bài bị điểm liệt. Ở các môn trắc nghiệm, hai môn toán và sử không có thí sinh nào đạt điểm 10. Các môn còn lại, điểm 10 rải rác. Đặc biệt, qua chấm trắc nghiệm, phát hiện có vài chục bài thi thí sinh ghi sai mã đề, sai số báo danh… Ông Tài dự đoán, với kết quả thi cao như năm nay, khả năng sắp tới thí sinh sẽ điều chỉnh nguyện vọng rất đông.
Đà Nẵng: Có 9 bài thi môn văn bị điểm liệt
Ngày 4-7, lãnh đạo Sở GD-ĐT Đà Nẵng cho biết, hiện tại sở đã hoàn tất việc chấm và ráp phách bài thi tự luận môn văn. Theo thống kê, có 6.385/10.418 bài thi môn văn đạt từ 5 điểm trở lên (chiếm tỷ lệ 61,29%), không có điểm 10 tuyệt đối; trong đó có 2 bài đạt 9,75 điểm, 4 bài đạt 9,5 điểm, 10 bài đạt 9,25 điểm, 37 bài đạt 9 điểm. Đáng chú ý, dù đề thi môn văn năm nay được đánh giá là khá “dễ thở” nhưng vẫn có tới 9 bài bị điểm liệt (0,5 điểm, chiếm tỷ lệ 0,09%). Riêng các môn thi trắc nghiệm (toán, ngoại ngữ, bài thi tổ hợp KHXH và KHTN) đã hoàn thành xong phần quét, chấm, chờ khớp nối dữ liệu từ Bộ GD-ĐT. Dự kiến, Đà Nẵng sẽ công bố kết quả kỳ thi THPT quốc gia 2017 vào ngày 6-7. Vĩnh Yên |
Tại tỉnh Long An, đại diện đơn vị phối hợp tổ chức thi THPT quốc gia và chấm kiểm tra, TS. Trần Đình Lý (Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM) thống kê, trong 13.000 bài tự luận không có thí sinh nào đạt điểm 10 tuyệt đối. Điểm 10 nằm rải rác ở các môn trắc nghiệm còn lại, trong đó có cả môn sử và giáo dục công dân – lần đầu tiên được đưa vào thi THPT quốc gia. Số điểm liệt giảm hẳn nhờ năm nay nhiều môn được thi theo hình thức trắc nghiệm.
8 mốc thời gian thí sinh cần biết Dưới đây là 8 mốc thời gian mà thí sinh cần biết sau khi kỳ thi THPT quốc gia 2017 kết thúc. Thứ nhất, trước ngày 6-7, hội đồng thi các địa phương hoàn thành chấm thi. Thứ hai, ngày 7-7, sở GD-ĐT các địa phương công bố kết quả thi. Thứ ba, từ ngày 8 đến 17-7, các sở GD-ĐT tiếp nhận phúc khảo kết quả thi. Thứ tư, trước ngày 14-7, Bộ GD-ĐT công bố ngưỡng chất lượng đầu vào. Thứ năm, trước ngày 15-7, các trường công bố mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển. Thứ sáu, từ ngày 15 đến 21-7, thí sinh điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển trực tuyến; từ ngày 15 đến 23-7, thí sinh điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển bằng phiếu điều chỉnh nguyện vọng. Thứ bảy, trước ngày 17-7, các sở GD-ĐT in và gửi giấy chứng nhận kết quả thi cho thí sinh. Thứ tám, ngày 1-8, các trường ĐH công bố kết quả xét tuyển đợt 1. P.Liên |
Ông Lý đánh giá, ở môn tự luận, điểm thi phân hóa khá rõ ở mức từ 7 trở lên đến 9 hoặc 10. Còn ở mức 5-7 điểm, sự phân hóa không bao nhiêu. Với sự phân hóa này, ông Lý cho rằng, chỉ những trường ĐH-CĐ có mức điểm chuẩn sát sàn hoặc nhỉnh hơn sàn một chút mới chịu tác động nhiều trong xét tuyển. Những trường thường lấy từ 18 điểm trở lên sẽ không chịu ảnh hưởng nhiều. “Chẳng hạn, mức điểm trúng tuyển vào Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM hằng năm nằm từ khoảng 18-22,5 cho các ngành, bình quân trúng tuyển là 20 điểm. Như vậy, với phổ điểm năm nay, khả năng hoạt động xét tuyển của trường không ảnh hưởng mấy”, ông Lý nói.
Ông Lý lưu ý, thí sinh chỉ nên điều chỉnh những ngành có điểm thi quá chênh lệch, quá cao hoặc quá thấp, so với mức các em dự đoán để đăng ký ban đầu. Đồng thời, các em cũng cần hết sức cân nhắc, tránh tình trạng thấy ngành nào quá ít thì rút hồ sơ “chen” qua mà không dựa trên kết quả thi, điểm chuẩn… dễ dẫn đến kết quả không như mong muốn.
Trong khi đó, tại Hà Nội, một trong những địa phương có số lượng thí sinh thi đông nhất cả nước, hiện công tác chấm thi cũng đi vào giai đoạn hoàn tất. Năm nay, sở này huy động 400 cán bộ chấm thi và 20 cán bộ chấm kiểm tra môn tự luận. Ở môn trắc nghiệm, theo bà Phạm Xuân Hương (Tổ trưởng chấm bài thi trắc nghiệm), tham gia chấm trắc nghiệm có 43 cán bộ với 20 máy tính, 10 máy in, 10 máy quét. Năm nay có rất ít phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh máy không quét được, do các em đã được phổ biến rất kỹ kỹ năng làm bài trắc nghiệm, sử dụng đúng chủng loại bút và các kỹ năng khác.
Bài, ảnh: Mê Tâm
Bình luận (0)