Có thể nói đối với trẻ tự kỷ, trong gia đình thường được cha mẹ lưu tâm và dành nhiều thời gian chăm sóc hơn so với các anh chị em khác. Phụ huynh cũng thường có tâm lý “đặt để” các con còn lại phải thương yêu, phải nhường nhịn, phải chăm sóc anh/chị/em (ACE) khi cha mẹ về già… Động thái này vô tình gây áp lực khiến trẻ có những phản ứng tiêu cực vì thấy cha mẹ “không công bằng”.
Phụ huynh cần cung cấp kiến thức về chứng rối loạn tự kỷ để cho ACE của trẻ hiểu rằng trẻ tự kỷ cần được yêu thương và giúp đỡ nhiều hơn (ảnh minh họa) |
Tâm tư của con – Nỗi lòng của cha mẹ
Đó là vấn đề đã được chuyên gia và các phụ huynh trao đổi tại buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ Sống cùng tự kỷ vừa được tổ chức tại Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe TP.HCM do bác sĩ Hoàng Vũ Quỳnh Trang chủ trì. Mục đích nhằm giúp cho phụ huynh biết cách cân bằng trong việc chăm sóc trẻ tự kỷ và ACE của trẻ.
Theo lời một phụ huynh tên T.M (ngụ quận Tân Phú), chị có con gái lớn 8 tuổi bị tự kỷ (khả năng giao tiếp ngôn ngữ kém), một con trai 7 tuổi và bé gái 2 tuổi rưỡi. Thời gian trong ngày hầu như chị đều dành để chăm sóc con gái lớn. Đêm đến chị cũng thường vỗ về giấc ngủ vì con bị chứng khó ngủ. Là trụ cột chính lo kinh tế cho gia đình, nên chồng chị T.M cố gắng lắm cũng chỉ dành được 2 ngày cuối tuần để gần gũi và chăm sóc cho con trai và con gái út. Chính điều này khiến bé trai 7 tuổi ấm ức: “Tại sao cái gì chị Hai cũng được bố mẹ cho. Lúc nào chị Hai cũng được bố mẹ thương”. Thời gian gần đây, chị T.M rất lo lắng khi bé trai liên tục nói những lời đe dọa “hành hung” chị gái. Khi mẹ yêu cầu tắt ti vi để đi ngủ vào lúc 9 giờ tối, con trai chị liền phản ứng lại: “Không cho con xem ti vi thì con sẽ đánh và bóp cổ chị Hai”.
Bác sĩ Hoàng Vũ Quỳnh Trang khẳng định: “Nhu cầu chăm sóc ACE của trẻ tự kỷ là có thật, đòi hỏi cha mẹ cần có kỹ năng và hướng dẫn để tạo thêm nguồn lực cho trẻ tự kỷ. Khi trẻ có một người anh, người chị hay người em bị tự kỷ, đó sẽ là một chuyến phiêu lưu dài, khó khăn, đầy náo động chuyển biến, mãnh liệt. Không ai chọn lựa là ACE của trẻ tự kỷ. Tuy nhiên, những ai hiểu được vai trò phi thường của mình sẽ thấy được ý nghĩa, cảm hứng và hạnh phúc nơi gia đình mình, cho người thân, cũng như trong mối quan hệ với các ACE khác”. |
Lo con ganh tị với em (bị tự kỷ) cũng là nỗi lo canh cánh của chị H. trong nhiều năm qua. Con trai lớn 11 tuổi không thích chơi với em trai 6 tuổi, nhưng lại hay giành đồ chơi của em. Mỗi lần như vậy, vợ chồng chị H. đành phải khuyên con nên nhường cho em. Lâu dần khiến con trai chị cảm thấy bực bội: “Lúc nào ba mẹ cũng bênh em. Sao em chẳng có khi nào bị phạt”. Phản ứng của con càng làm cho chị H. trăn trở: “Thật sự tôi chưa biết giải thích với con như thế nào về tình trạng của em nó, chỉ lo trong lòng con nghĩ ba mẹ lúc nào cũng đối xử bất công với nó. Điều chúng tôi mong mỏi nhất là làm sao giúp con trai lớn hiểu em mình, có trách nhiệm với em và giúp đỡ em khi ba mẹ về già”.
Giúp cho các thành viên trong gia đình hiểu được mong mỏi sâu thẳm của những người cha, người mẹ về sự lo lắng cho tương lai của đứa con tự kỷ theo ông Nguyễn Văn P. là điều rất khó. Người cha có mái tóc đã bạc nhiều cho biết, con gái ông nay đã 19 tuổi, bị tự kỷ và chậm phát triển. Điều vợ chồng ông lo lắng nhất là “sau này khi chúng tôi mất rồi, thì ai lo cho nó. Người già thì có viện dưỡng lão, chứ trẻ tự kỷ thì không biết ở đâu được. Thú thật là tôi chưa biết làm thế nào để mở lời với anh chị em của cháu, vì đứa nào cũng phải lo cho gia đình riêng, thì việc chăm lo cho đứa em này sẽ ra sao sau khi chúng tôi đã khuất núi”.
Cách nào giúp con trẻ?
Theo bác sĩ Hoàng Vũ Quỳnh Trang – chuyên ngành nhi khoa phát triển hành vi, Khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi đồng 1 (đồng sáng lập Câu lạc bộ Sống cùng tự kỷ), tình cảm giữa các ACE trong gia đình sẽ nảy nở một cách tự nhiên và kéo dài trong thời gian rất dài (có thể từ 50-70 năm), từ giai đoạn mầm non, tiểu học, trung học, trưởng thành. Chúng có thể là những bạn tâm giao những người bạn đặc biệt sau này hoặc sẽ không muốn nhìn mặt, là kẻ thù của nhau. Tuy nhiên, ACE của trẻ tự kỷ (còn gọi là trẻ có nhu cầu đặc biệt) cũng gặp phải một số khó khăn về tâm lý như cảm thấy cô đơn, giận dữ, ấm ức, ghen tị, buồn chán khi thấy cha mẹ chăm sóc “người kia” quá mức. Đôi khi trẻ cũng bị áp lực khi được giao trách nhiệm phải yêu thương, chăm sóc “người luôn được quan tâm hơn mình”.
Để xây dựng mối quan hệ giữa ACE với trẻ có nhu cầu đặc biệt, cha mẹ không nên nói suông “con hãy yêu thương em đi”, mà quan trọng là cần cung cấp cho các em kiến thức về rối loạn tự kỷ, vai trò của ACE đối với trẻ tự kỷ. Đồng thời giải thích cho các ACE của trẻ hiểu về tình trạng, những khó khăn cũng như những gì mà trẻ tự kỷ cần được chính ACE mình chia sẻ, giúp đỡ. Khi trao đổi với con, phụ huynh cũng nên cho phép con đặt câu hỏi trong một không gian riêng tư, giải đáp những thắc mắc mà con đang gặp phải, giúp con kiểm soát cảm xúc bản thân, tạo môi trường giúp ACE của trẻ hiểu vấn đề. Qua đó nhằm giúp ACE của trẻ tự kỷ có khả năng giải thích với người khác trong những trường hợp cần bảo vệ người thân của mình khi cùng nhau đi chơi hoặc khi giao tiếp với người khác.
Bài, ảnh: Bích Vân
Bình luận (0)