Chỉ còn vài tuần nữa là bước vào năm học mới nhưng hơn tuần nay vợ chồng anh Phan Thành An và chị Nguyễn Ngọc Mai (ngụ quận 10, TP.HCM) “lục đục” vì thói quen cầm viết tay trái của đứa con trai sắp vào lớp 1. Anh An cho rằng “viết tay nào cũng được miễn học giỏi thì thôi”, trong khi chị Mai lại muốn “phải viết bằng tay phải thì chữ mới đẹp và rõ ràng”.
Dù thuận tay phải hay tay trái thì phụ huynh nên cho trẻ phát triển tự nhiên để không ảnh hưởng đến việc học tập (ảnh minh họa) |
Bị đòn vì viết… tay trái
Theo anh An, “cái lỗi này là do vợ mà ra, vì ngay từ khi con biết cầm nắm, thấy con cầm bút tô màu bằng tay trái mà không chịu sửa. Giờ sắp vào năm học rồi lại bắt con tập viết bằng tay phải thì sao con làm được”. Tuy bị chồng phản bác, nhưng chị Mai vẫn kiên định khắc phục bằng biện pháp mạnh “dùng roi quật vào tay cho chừa cái tật cầm bút bằng tay trái”. Theo chị Mai, viết tay phải mới chuẩn và chữ mới đẹp, bằng chứng là chị có người chị gái thuận tay trái nên chữ viết rất xấu. “Mỗi lần viết đơn từ gì là chị ấy phải nhờ người khác viết hộ vì không tự tin vào chữ viết của mình”, chị Mai nói.
Mặc dù không bị cha mẹ gây áp lực trước khả năng viết tay trái, nhưng cháu trai của bà Nguyễn Ngọc Đ. (Hà Nội) lại bị cô giáo đánh vì “cái tội không chịu viết bằng tay phải”. Ngày 25-6-2017, bà Đ. chia sẻ bức xúc của mình trên facebook cá nhân như sau: “Cháu ruột của tôi đã bị cô giáo đánh vì viết bằng tay trái. Do cháu viết bằng tay phải mỏi quá nên chuyển qua tay trái… Sau đó cô giáo còn viết lời nhắn gửi về gia đình với nội dung: Phụ huynh để ý cháu hay viết bằng tay trái”. Tâm tư của bà Đ. sau khi đăng tải đã nhận được 3.791 lượt chia sẻ và nhiều bình luận bày tỏ sự đồng cảm. Tương tự, chị Mai Thảo Lê (nhân viên một công ty nước ngoài tại Việt Nam) kể: “Khi còn bé tôi cũng bị cô giáo đánh nhiều lần vì viết tay trái. Qua một thời gian đầy khó khăn tôi mới viết được bằng tay phải. Đó là thời gian rất khủng khiếp đối với tôi”.
Khác với động thái tiêu cực của những cô giáo “bắt phạt” học sinh thuận tay trái, cô Nguyễn Thị Phượng (giáo viên của một trường mầm non ở huyện Hóc Môn, TP.HCM) cho biết, với kinh nghiệm trong gần 10 năm công tác, tôi thấy rằng những học sinh thuận tay trái rất nhanh nhạy trong các trò chơi xếp hình, khả năng vẽ và tô màu khá hơn so với các em thuận tay phải. Bản thân tôi cũng đã từng được phụ huynh nhờ giúp con họ tập viết bằng tay phải để khắc phục thói quen viết tay trái trước đó.
“Nên để trẻ phát triển tự nhiên”
Đó là lời khuyên của bác sĩ Hà Thị Kim Yến (nguyên Trưởng khoa Vật lý trị liệu, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM). Theo bác sĩ Yến, thực tế Bệnh viện Nhi đồng 1 đã tiếp nhận một số phụ huynh đưa con đến nhờ can thiệp y khoa. Tiêu biểu như trường hợp của em Tiến (8 tuổi, ở Long An). Tiến được mẹ đưa đến Khoa Phục hồi chức năng vào dịp hè để nhờ bác sĩ giúp em tập luyện viết bằng tay phải, vì hai năm qua học lực của em ngày càng kém hơn do viết xấu, viết chậm. Bác sĩ Yến cho biết, qua thăm khám cho thấy Tiến viết chậm vì tay thuận của em là tay trái, nhưng khi bắt đầu đi học em phải viết bằng tay phải nên kết quả học tập bị ảnh hưởng.
Bác sĩ Yến lưu ý, đối với những người thuận tay trái, xét về mặt y học, rất khó có thể tập luyện cho bàn tay phải thành tay thuận để viết, nhất là đối với những trẻ có bệnh lý liên quan đến não bộ. Theo y khoa, các bán cầu não trái và phải kiểm soát hoạt động vận động ở phía đối ngược của cơ thể. Tuy nhiên, chúng không đồng đều nhau trong việc kiểm soát các loại hành vi khác nhau, dẫn đến sự thiên lệch tay này hơn tay kia trong một số nhiệm vụ nhất định. Do đó, phát triển tự nhiên vẫn là điều tốt nhất cho các em. Cụ thể, ở trường Mân Côi (quận Tân Bình, TP.HCM) có một bé gái bị liệt tay phải từ sau sinh, nhưng em viết chữ rất đẹp bằng tay trái và đã tốt nghiệp tiểu học loại giỏi.
Đối với trường hợp của Tiến, bác sĩ Yến cho rằng, nếu như từ khi bắt đầu đi học em được viết bằng tay trái thì việc học tập của em có lẽ đã suôn sẻ, có thể là học sinh đạt chuẩn “vở sạch – chữ đẹp” và hòa nhập tốt như các bạn cùng trang lứa. Nhưng tiếc là nay em đã 8 tuổi, và vấn đề trở nên nan giải cho em hơn. Vì nếu bây giờ thuyết phục cô giáo cho em dùng tay trái ở tuổi này thì đã muộn, cho dù Tiến cũng đã được bác sĩ chuyên khoa hướng dẫn chương trình tập luyện và cách xử trí thích nghi. Tuy nhiên, về mặt khoa học và kinh nghiệm nghề nghiệp, bác sĩ Yến khuyến cáo: “Có thể nhìn thấy trước là em sẽ rất vất vả để học xong tiểu học và khó lên THCS nếu như em vẫn phải viết bài bằng tay phải như hiện nay. Do đó, từ trường hợp của Tiến, phụ huynh không nên quyết định việc cho con viết tay phải thay cho tay trái (tay thuận) một cách đơn giản, mà nên có sự cân nhắc khoa học. Nên chăng cần có sự phối hợp giữa giáo dục và y tế để có một quyết định đúng, có lợi cho trẻ nhất. Vì quyết định này có thể sẽ ảnh hưởng quan trọng đến việc học tập và tương lai của trẻ về sau”.
Bài, ảnh: Đinh Vũ
Bình luận (0)