Dù đến ngày 25-8, theo quy định của Bộ GD-ĐT, các trường mới chính thức “mở cửa” xét tuyển nguyện vọng (NV) 2 (cửa phụ) nhưng ở thời điểm này rất nhiều thí sinh (TS) và phụ huynh đều đang rất nóng lòng trước việc lựa chọn cho mình một tấm vé vào ĐH…
TS, phụ huynh sốt ruột
Tại kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm nay, TS Nguyễn Đoàn Hạ Uyên (Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, Thủ Đức) thi vào 2 trường ĐH Luật TP.HCM và ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn TP.HCM, lần lượt đạt mức điểm 15 và 14,5. Và với số điểm này, em không đậu NV1 tại cả hai trường. Hiện em và cả gia đình đang rất băn khoăn do chưa biết nộp hồ sơ xét tuyển NV2 vào ngành/trường nào để đảm bảo cơ hội đậu. Gia đình hướng Uyên nộp NV2 vào Trường ĐH Văn hóa TP.HCM nhưng em lại thích ngành kế toán – kiểm toán. Chị Đoàn Thị Mai (mẹ của Uyên) tỏ vẻ lo lắng, đây là đứa con đầu nên cả hai vợ chồng anh chị đều chưa có kinh nghiệm gì trong việc xác định lựa chọn NV2 cho con. Việc chọn được ngành học đúng ý nguyện mà phù hợp với mức điểm của em là không hề dễ. Tương tự, TS Lê Ngọc Xuân Hương (Trường THPT Phú Nhuận, Q.Phú Nhuận) cũng thi được 13,5 điểm khối D1 vào ngành tài chính – ngân hàng của Trường ĐH Tài chính – Marketing đồng thời thi được 11 điểm khối A vào ngành kế toán Trường ĐH Mở TP.HCM. Ông Lê Ngọc Hải (phụ huynh em Hương) chia sẻ, với mức 11 điểm khối A, ông đang tìm cho con cơ hội học một ngành kinh tế của trường CĐ nào đó mà mức xét tuyển đầu vào chỉ ngang ngửa điểm sàn. Còn ở mức điểm 13,5 của khối D1, ông cũng tính hướng con chọn một trường ngoài công lập để cơ hội đậu rộng hơn. Tuy nhiên, ngành và trường cụ thể cần nộp đơn xét tuyển thì cả hai cha con đều chưa nắm được. Hiện, có rất nhiều TS trượt NV1 đang nắm trên tay một cơ hội xét tuyển NV2, tuy nhiên các TS này cũng đang hết sức lo lắng làm sao để giữa một “rừng trường” công bố xét tuyển, giành về cho mình được một suất vào ĐH-CĐ.
Thông thường với các trường công lập, ngay cả những trường top giữa, mức điểm trúng tuyển NV2 vào một ngành thường cao hơn mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển tối thiểu 2 điểm. Đơn cử, tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng, theo Phó trưởng phòng Đào tạo Lê Thị Ngọc Thảo, với mức 18,5 điểm khối D1 nếu TS nộp vào ngành tài chính – ngân hàng của trường thì cơ hội đậu khá mong manh. Bởi mức điểm này chỉ cao hơn mức xét tuyển NV2 1,5 điểm. Thực tế những năm qua, nhiều TS đã bị tuột mất cơ hội cả ở NV2 không phải do điểm thấp mà vì “nộp không đúng chỗ”. Bởi với cùng một ngành nhưng các trường lại lấy các mức điểm cao thấp khác nhau. Ở những trường top trên, việc TS nộp vào những ngành có mức điểm xét tuyển bằng với điểm số mình thi là hết sức mạo hiểm.
Biết trường… biết ta
Để tránh tình trạng TS bị “trắng tay” sau cả hai NV, các chuyên gia tư vấn tuyển sinh lưu ý các em nên biết lượng sức. Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ (Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn TP.HCM) hướng dẫn, ở mức điểm “bình bình” với khoảng 15 cho khối D1, TS có cơ hội xét tuyển NV2 vào các trường ĐH Sài Gòn, ĐH Văn hóa TP.HCM, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM, ĐH Văn Lang, ĐH Sư phạm TP.HCM… tuy nhiên các em cần suy nghĩ kỹ để lựa chọn sao cho không “lọt” mất cơ hội. Nếu chọn được một ngành đúng sở thích, năng lực của mình thì dù với trường công lập hay ngoài công lập, trong quá trình đào tạo, các em cũng được cung cấp một khối kiến thức liên quan và một cơ hội việc làm sau khi ra trường.
Thực tế đào tạo ĐH nhiều năm qua cho thấy, số TS đậu bằng NV2, 3 thường không thể hiện hết khả năng hoặc đam mê học tập bằng số em đậu NV1. Các em vì lý do nào đó đã chọn chệch sang một ngành không thuộc sở trường, sở thích. Thậm chí có những em đã bỏ học giữa chừng để “làm lại từ đầu” bằng một hệ học thấp hơn (CĐ, TCCN) rồi chọn hướng liên thông để theo đuổi ngành mình yêu thích. Đây cũng là một lưu ý quan trọng đối với TS năm nay, nhằm hạn chế tình trạng các em cứ bằng mọi giá giành vé vào ĐH mà bỏ qua năng lực, sở thích cá nhân. Nét mới trong quy định xét tuyển NV2 năm nay là TS được quyền điều chỉnh nguyện vọng sau khi đã nộp hồ sơ. Thời gian để các em nộp hồ sơ xét tuyển NV2 kéo dài từ 25-8 đến 15-9, tuy nhiên TS chỉ được rút hồ sơ chuyển đổi NV đến ngày 10-9. Việc chỉnh sửa NV cũng cần được TS cân nhắc kỹ nhằm tránh gây ra áp lực tâm lý với chính các em. Khác với mọi năm, năm nay, Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các trường công khai thông tin số lượng xét tuyển NV2 trên website của mình để TS chủ động nắm bắt. TS nên suy nghĩ kỹ để lựa chọn và nộp vào ngành nghề mình ưng ý và chắc chắn nhất. Bởi hồ sơ nộp sớm hay cuối hạn đều có giá trị như nhau.
Mê Tâm
Bình luận (0)