Mỗi khi bắt đầu năm học mới, bên cạnh niềm vui con, em được lên lớp, đạt kết quả cao trong các kỳ thi, thì cũng có nhiều phụ huynh lại canh cánh những nỗi lo. Nào là tiền học phí, tập vở, quần áo… và nhiều khoản tiền không tên khác. Trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay, nỗi lo càng nhân đôi…
Những ngày này chị Nguyễn Thị Mộng (ở xã Trường Long, huyện Phong Điền, TP.Cần Thơ) vừa mừng vừa lo. Mừng vì con gái lớn vừa trúng tuyển vào Trường ĐH Cần Thơ. Chị lo vì các khoản phải chuẩn bị cho cô con gái lớn vào đại học và con gái út học lớp 8. Mặc dù đã có sự chuẩn bị từ trước, nhưng đối với gia đình chị, đó là những khoản tiền không nhỏ. Bởi hiện nay, ngoài mấy công ruộng của nhà, chồng chị phải đi làm thuê để kiếm thêm thu nhập; còn chị thì tận dụng bờ bao trồng bí đao, đậu… để trang trải chi phí cho gia đình. Anh Nguyễn Văn Cường – chồng chị Mộng – nói: “Đợt vừa rồi đưa con gái lớn đi thi đại học tốn cả triệu bạc. Giờ đây, cháu phải ra ngoài Cần Thơ ở trọ học mỗi ngày, không biết tăng gấp mấy lần nữa đây. Còn con gái út cũng phải đóng tiền đầu năm mấy trăm ngàn. Tôi định bỏ bớt, không mua hai khoản bảo hiểm y tế và bảo hiểm tai nạn giảm nhẹ một phần chi phí phải đóng vào đầu năm học của cháu. Nhưng nghe đâu hai khoản tiền này đều bắt buộc phải mua…”.
Sáng ngày 10-8, khi đứng theo dõi thời khóa biểu cùng chị Trần Thị T. (ở P.An Hội, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) tại Trường THPT Phan Ngọc Hiển, chúng tôi nghe chị nói với con trai: “Đợt này mình mua hai cái áo, nhưng mua một cái quần thôi nghe con. Mấy hôm nay, chuẩn bị cho năm học mới cho con, mẹ đã tốn hơn 1 triệu đồng; gần hết tháng lương của mẹ rồi. Con mặc đỡ đi rồi tháng sau lãnh lương, mẹ mua thêm một cái quần nữa”. Cậu con trai nhăn mặt nhưng rồi cũng nghe lời mẹ. Chị T. nhìn tôi phân trần: “Tôi mới đóng tiền tạm ứng cho trường hết 500.000 đồng, không biết còn phải đóng thêm bao nhiêu nữa. Mỗi cái áo khoảng 100.000 đồng, cái quần khoảng 130.000 đồng, bộ đồ thể dục còn chưa mua được… Hôm trước, mua cặp da, giày, tập, sách giáo khoa… cũng hết mấy trăm ngàn”…
Thực tế, với nhiều người, số tiền này không nhiều nhưng với những người lao động như chị T., làm ruộng như chị Mộng thì một, hai triệu là số tiền công của cả tháng. Vì vậy, khi nhìn vào danh mục cần đóng của Trường Tiểu học Ngô Quyền, nhiều người thấy “ngán”. Chẳng hạn như: học sinh học lớp 1 bán trú mới, phải đóng các khoản 600.000 đồng/năm tiền sửa chữa, mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy và học; 300.000 đồng/2 tháng hỗ trợ lớp bán trú; 680.000 đồng tiền ăn từ ngày 15-8 đến ngày 30-9-2011; 160.000 đồng/năm tiền hội phí; 30.000 đồng/2 tháng tiền nước, vệ sinh học sinh bán trú. Như vậy, tổng số tiền một học sinh vào học lớp 1 bán trú đầu năm học mới là 1.770.000 đồng. Chị Nguyễn Thị C., có con trai học lớp 2 Trường Tiểu học Ngô Quyền băn khoăn: “Trước đây tôi nghe nói, trường qui định chỉ đóng tiền xây dựng 1 lần là 500.000 đồng cho suốt 5 năm học. Nhưng năm học này lại thấy trường thu lớp 1 đến 600.000 đồng, lớp 2 thu 400.000 đồng và lớp 3 trở lên thu 350.000 đồng tiền sửa chữa, mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy và học?”. Ngoài các khoản vừa nêu, trường còn thu hộ tiền bảo hiểm y tế 209.200 đồng/năm học, bảo hiểm tai nạn 40.000 đồng/năm học; tiền bảng tên, lo-go (6 cặp) là 18.000 đồng… Nếu đóng đủ tất cả các khoản thì học sinh lớp 1 bán trú phải đóng trên 2 triệu đồng, chưa kể tiền tập vở, quần áo, giày dép… Trong khi đó, tại Trường Tiểu học Mạc Đỉnh Chi, tổng số tiền học sinh tiểu học vào học bán trú lớp 1 là 1.986.160 đồng, trong đó, phụ huynh phải đóng đến 820.000 đồng cho kinh phí hoạt động của Ban đại diện CMHS….
Các trường ở các quận ven cũng có các mức thu khác nhau. Tại Trường Tiểu học thị trấn Thới Lai 1, huyện Thới Lai số tiền mà học sinh lớp 1 bán trú phải đóng là hơn 2,1 triệu đồng bao gồm cả các khoản tiền thu hộ, trong đó, tiền hội phí của Hội cha mẹ học sinh là 350.000 đồng/năm học. Trong khi đó, tổng số tiền mà học sinh lớp 1 bán trú ở Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo, quận Ô Môn phải đóng đầu năm là 1.200.000 đồng, bao gồm cả tiền bảo hiểm, trong đó, tiền hội phí Hội CMHS là 80.000 đồng/năm học.
Không thể “bắt bẻ” các trường vì tất cả các khoản thu không nằm trong quy định của ngành đều có sự thống nhất của Hội CMHS . Chẳng hạn, trên bảng thông báo các khoản thu đầu năm của Trường Tiểu học Mạc Đỉnh Chi có ghi “Căn cứ vào công văn số 01/CV-MĐC của Ban đại diện Hội CMHS ngày 10-6-2011 về thu chi kinh phí hoạt động của Ban đại diện CMHS năm học 2011-2012”. Những phụ huynh không đi họp phụ huynh đành chịu mức đóng các mức thu nhưng những phụ huynh có đi họp và biết các khoản thu này sẽ là gánh nặng họ phải đeo mang suốt cả năm học. Thế nhưng, hầu hết những phụ huynh không dám có ý kiến vì lo sợ thầy, cô “để ý” nhiều hơn đến con em mình.
Bảo Ngọc
Bình luận (0)