Vừa qua, hai học sinh lớp 8 Trường THCS Chu Văn An (Q.1, TP.HCM) là Trần Lê Nam Phong (lớp 8A4) và Lê Trần Minh Dũng (lớp 8A7) đã thực hiện đề tài nghiên cứu “Thực trạng và định hướng phát triển bền vững phố đi bộ Bùi Viện” với mong muốn ổn định đời sống người dân nơi đây, từ đó lan tỏa văn hóa Việt đến bè bạn quốc tế.
Sau khi khảo sát xong, đôi bạn lên thư viện trường tìm sách đọc thêm nhằm bổ sung kiến thức cho đề tài nghiên cứu
Trả lại tên cho… phố
Vẫn được coi là con phố du lịch điển hình của TP.HCM khi hàng năm thu hút đông đảo khách du lịch nước ngoài đến tham quan và trải nghiệm. Tuy nhiên, theo Dũng và Phong, phố đi bộ Bùi Viện vẫn còn nhiều tồn tại. “Nhà chúng em đều ở trong hẻm của con phố này, cách trường học không xa. Vậy mà mỗi lần đi bộ đến trường cũng rất khó khăn vì vỉa hè xuống cấp, bị trưng dụng để làm chỗ buôn bán. Do đó người đi bộ phải đi xuống lòng đường. Chưa kể đó còn là tình trạng vứt rác bừa bãi khi tại đây rất ít thùng rác được đặt, làm khó người dân và du khách”, đôi bạn chia sẻ.
Điều mà đôi bạn băn khoăn nhất “gọi là phố đi bộ nhưng ngoại trừ khách du lịch đi bộ ra thì… chẳng mấy ai mặn mà với việc đi bộ tại đây”. Đặc biệt là tình trạng an ninh trật tự vẫn hết sức nhức nhối và phức tạp. “Thỉnh thoảng chúng em lại nghe ba mẹ kể lại rằng ngoài phố vừa có người bị giật đồ đêm qua. Với đặc thù là con phố không ngủ, hoạt động về đêm nên cũng tạo điều kiện cho tội phạm cướp giật lộng hành…”, đôi bạn ưu tư.
Để có một cái nhìn đầy đủ và khách quan, đôi bạn đã thực hiện nghiên cứu trong vòng 3 tháng, với những khảo sát thực tế từ người dân tại đây và du khách. Hai bảng khảo sát riêng biệt đã được đôi bạn dày công xây dựng. Đối với du khách, khảo sát đề cập đến những câu hỏi về độ tuổi, biết phố đi bộ qua kênh nào, những hạn chế và ý kiến để phố đi bộ phát triển bền vững. Với người dân địa phương, bảng khảo sát là những câu hỏi về khó khăn trong quá trình kinh doanh, buôn bán tại phố đi bộ, góp ý để con phố phát triển… “Mất đến 2 tháng ròng rã, tận dụng những khoảng thời gian rảnh sau giờ học buổi chiều, chúng em lân la đến từng hộ dân kinh doanh và khách du lịch để thực hiện khảo sát. Khó khăn nhất chính là thời gian eo hẹp khi vừa đi học vừa thực hiện khảo sát. Đồng thời, sự bất đồng về ngôn ngữ nên cũng khiến đối tượng du khách khảo sát bị giới hạn khi chúng em chỉ có thể đặt vấn đề đến du khách nói tiếng Anh. Nhiều cửa hàng kinh doanh sợ chúng em làm phiền khách của họ nên cũng có đôi phần khó chịu. Thế nhưng, phần lớn người dân và du khách đều rất ủng hộ đề tài nghiên cứu của nhóm”, Phong cho hay.
Qua khảo sát trực tiếp 40 du khách và 20 hộ kinh doanh cùng khảo sát trực tuyến trên 100 người dân, kết quả mà đôi bạn thu được khá hay: Đa phần người dân và du khách rất lo sợ về tình trạng an ninh trật tự nhất là tình trạng cướp giật, say xỉn. Nhiều ý kiến phàn nàn về tình trạng ô nhiễm tiếng ồn khi âm nhạc thường xuyên được mở quá lớn. Trong số đó, nổi bật nhất là các ý kiến người dân, du khách mong muốn có một con phố đi bộ đúng nghĩa.
“Thổi hồn” văn hóa Việt vào con phố
Trước những thực trạng của phố đi bộ Bùi Viện, theo Dũng và Phong, giải pháp để phát triển con phố trước hết phải hạn chế được phương tiện giao thông, đặt thêm các thùng rác, trồng thêm nhiều mảng xanh, nhất là sự vào cuộc gắt gao của các cấp quản lý trong việc đảm bảo an ninh trật tự và kiểm soát tiếng ồn. “Vậy thôi là chưa đủ. Với lợi thế là con phố thu hút đông đảo du khách nước ngoài, tiềm năng của phố đi bộ Bùi Viện với phát triển văn hóa du lịch là rất lớn. Tại sao chúng ta không thử lồng ghép các chương trình văn hóa dân tộc như chèo, tuồng, cải lương, giao lưu văn hóa hoặc tổ chức các hội chợ trưng bày và bán những sản phẩm truyền thống mang đậm bản sắc Việt như nón lá, áo dài đan xen cùng những chương trình ca nhạc trẻ hiện nay. Các nhà hàng, quán ăn ở đây thay vì bán đồ ăn nhanh cũng có thể bán những món ăn truyền thống Việt Nam”, đôi bạn đề xuất. Tuy nhiên, để thực hiện những đề xuất trên, đôi bạn cho rằng quan trọng nhất là cần phải mở rộng con phố, tạo không gian mở cho những dự án mang tính văn hóa.
Sau giờ học ở trường, Minh Dũng (trái) và Nam Phong đi khảo sát khách du lịch nước ngoài
“Gọi là phố đi bộ mà xe cộ vẫn đi lại quá trời! Chúng em mong rằng nghiên cứu này có thể giúp trả lại đúng tên cho con phố độc đáo bậc nhất Sài Gòn này”, Phong và Dũng cùng trăn trở. |
Giải pháp cho việc hạn chế xe cộ lưu thông tại phố đi bộ, theo Phong và Dũng, quan trọng nhất vẫn là sự vào cuộc gắt gao của các cấp quản lý. “Chúng em có thể tác động vào nhận thức của bè bạn trong trường để từ đó các bạn tác động đến ba mẹ, người thân trong gia đình. Chúng em cũng đã mạnh dạn đăng ký với nhà trường để sau mỗi sáng thứ hai chào cờ sẽ phổ biến điều này đến các bạn và được nhà trường hết sức ủng hộ”, đôi bạn bật mí.
Đi cùng với giải pháp, Dũng và Phong còn có những sản phẩm như bookmark (thẻ kẹp sách), túi giấy, ốp lưng điện thoại với thông điệp giản dị về phố đi bộ: Hãy lịch sự và giữ an toàn cho người khác và chính mình khi đến phố đi bộ Bùi Viện, hay vì một tuyến phố văn minh, hiện đại… Những sản phẩm này được đôi bạn trao đến tận tay người dân và du khách, các bạn học sinh trong trường.
“Thông điệp mà chúng em muốn gửi gắm đến mọi người là phố đi bộ Bùi Viện có thể để lại cách nhìn cho du khách về một Sài Gòn, một đất nước Việt Nam khi đến đây. Vì thế, hãy cư xử và lan tỏa như thế nào để đọng lại ấn tượng đẹp nhất trong lòng du khách”, đôi bạn nhắn nhủ.
Đánh giá về đề tài trên, cô Hồ Thị Ngọc Sương (Hiệu trưởng nhà trường) cho hay đề tài nghiên cứu của Phong và Dũng thể hiện cách nhìn và tư duy của các em với những điều tồn tại trong cuộc sống xung quanh. “Đó là tín hiệu rất đáng mừng bởi ngoài sách vở, các em còn phải học nhiều từ thực tế, tư duy của cuộc sống”, cô Ngọc Sương nói.
Yến Hoa
Bình luận (0)