Sự kiện giáo dụcTin tức

Nhộn nhịp mua sắm đồ dùng học tập trước thềm năm học mới

Tạp Chí Giáo Dục

Thị trường đồ dùng học tập cho năm học mới đang rất sôi động, dù giá các mặt hàng đều có xu hướng tăng nhẹ. Thị trường năm nay ghi nhận nỗ lực bình ổn giá mặt hàng giấy vở của thành phố và tiếp tục đánh dấu ưu thế của các sản phẩm Việt so với hàng nhập khẩu.Vở học sinh được bình ổn giá

Nhằm góp phần bình ổn giá các mặt hàng đồ dùng học tập trong mùa cao điểm, thành phố Hà Nội đã đưa giấy vở học sinh vào danh sách các mặt hàng bình ổn giá năm 2011. Ngay từ tháng 6, Công ty TNHH một thành viên Sách – Thiết bị và trường học đã được tiếp nhận gần sáu tỷ đồng từ nguồn vốn của thành phố để sản xuất và dự trữ giấy vở. Số tiền 3,5 tỷ đồng vốn ứng tiếp theo cộng với 10,5 tỷ đồng do công ty tự bỏ ra đã đáp ứng được khoảng 21% nhu cầu giấy vở của học sinh Thủ đô. Mặt hàng giấy vở bình ổn giá được phân phối  qua 29 Phòng Giáo dục – Ðào tạo và 194 trường học trực thuộc Sở Giáo dục – Ðào tạo Hà Nội. Bên cạnh đó, còn có hai cửa hàng trong nội thành và 24 cửa hàng ở ngoại thành, tổng cộng là 255 điểm bán hàng giấy vở bình ổn. Học sinh có nhu cầu, ngoài việc mua trực tiếp, có thể đăng ký mua tại trường mình theo học. Chương trình bình ổn giấy vở học sinh sẽ được kéo dài đến hết tháng 10-2011.
Mặc dù không được tiếp cận nguồn vốn bình ổn của thành phố, nhưng nhiều công ty sản xuất giấy vở học sinh cũng không tăng giá mặt hàng này, thậm chí còn hạ giá và tiến hành nhiều chương trình khuyến mại để kích cầu mua sắm. Thực ra, các công ty sản xuất giấy đã tăng giá từ 10 đến 15% vào thời điểm tháng 4-2011, do giá giấy nguyên liệu tăng cao. Ðến thời điểm hiện tại, giá giấy nguyên liệu của các công ty giấy Tân Mai, Bãi Bằng, Vạn Ðiểm… đều đã hạ khoảng 2%, cho nên các doanh nghiệp cũng chủ động giảm giá từ 5-10%. Không chỉ giữ giá thành, mặt hàng vở viết của Hồng Hà, Vĩnh Tiến, Hoàng Anh, Mai Hà, Tiến Thành… còn chú trọng nâng cao chất lượng trong việc sử dụng những loại giấy có độ sáng, độ trắng cao, chống lóa, đỡ mỏi mắt. Loại vở viết 72 trang có giá từ 3.000 đến 10.000 đồng/quyển; vở 120 trang có giá từ 6.000 đến 15.000 đồng/quyển; vở ô ly tiểu học giá từ 5.000 đến 7.000 đồng/quyển…, tùy theo chất lượng giấy.
Hàng nội chiếm ưu thế, giá tăng nhẹ
Trong khi giấy vở hạ giá, thì giá các đồ dùng học tập khác đều tăng giá khoảng 10%, do chi phí đầu vào và chi phí sản xuất tăng. Tuy nhiên, trên thị trường này, hàng sản xuất trong nước vẫn chiếm ưu thế, ngày càng thu hút được người tiêu dùng. Chị Trịnh Thị Thoa (ở Xuân Thủy, Cầu Giấy) khi đi chọn văn phòng phẩm cho con tại nhà sách Nguyễn Văn Cừ cho biết: "Sản phẩm từ Trung Quốc có mẫu mã đẹp, giá rẻ nhưng chóng hỏng, chất lượng không bảo đảm. Tôi thường chọn hàng sản xuất trong nước, mẫu mã đơn giản, nhưng chất lượng tốt, mà giá lại chỉ bằng một nửa so với hàng nhập khẩu". Qua khảo sát, các loại bút máy của các nhà sản xuất trong nước như Thiên Long, Bến Nghé, Hồng Hà, Hanson… được đánh giá cao về chất lượng nhưng giá thành chỉ từ 15 nghìn đồng đến 60 nghìn đồng/chiếc. Trong khi các sản phẩm bút viết cao cấp của Ðức, Nhật Bản, Hàn Quốc… có giá từ 100 nghìn đồng đến 200 nghìn đồng/chiếc. Các sản phẩm cặp xách của Ladoda, Minh Tiến… có ưu điểm nhẹ (từ 0,7 kg đến 0,9 kg/chiếc), kiểu dáng bắt mắt, tiện dụng, học sinh có thể kéo như va-li khi cặp nặng hay có thể đeo vai như ba-lô, bán khá chạy.
Năm nay, sách giáo khoa đã tăng giá 16,9% so với năm 2010 do giá nhiên liệu và chi phí sản xuất tăng. Mức tăng giá này được áp dụng cho tất cả các loại sách giáo khoa và sách bổ trợ do NXB Giáo dục phát hành trong năm 2011, nộp lưu chiểu từ tháng 1-2011. Các ấn bản in xong và nộp lưu chiểu vào tháng 8-2010 trở về trước vẫn giữ giá cũ. Người tiêu dùng khi mua sách giáo khoa nên để ý năm nộp lưu chiểu để mua đúng giá, tránh bị thiệt thòi trong trường hợp cửa hàng dán giá mới chồng lên giá cũ.
Cùng với sách giáo khoa, các loại sách tham khảo khác cũng theo đà tăng giá và xuất hiện với rất nhiều "phiên bản" giống nhau. Một cuốn sách tham khảo có giá từ 20 nghìn đồng đến gần 100 nghìn đồng/quyển. Với những môn cơ bản như Văn, Toán, Anh…, mỗi môn có hàng chục đầu sách tham khảo, bổ trợ đi kèm, khiến người tiêu dùng gặp khó khăn khi lựa chọn. Em Nguyễn Thế Hùng, học sinh Trường THPT Việt Ðức, cho biết: "Nhiều sách tham khảo quá nên em chưa mua vội. Ðến khi vào học, giáo viên sẽ giới thiệu những quyển cần thiết, hữu ích, lúc đó em mới mua". Những năm trước đây, nhiều bậc phụ huynh có xu hướng mua thật nhiều sách tham khảo cho con để bổ sung kiến thức, nhưng năm nay, hầu hết mọi người đều dè chừng. Phần lớn khách hàng chọn mua những sách do NXB Giáo dục phát hành.
Ðể đỡ gánh nặng khi mua sắm đồ dùng học tập đầu năm học mới cho người tiêu dùng, nhiều siêu thị, cửa hàng đã triển khai các chương trình giảm giá, khuyến mại. Từ nay tới ngày 15-9, các cửa hàng văn phòng phẩm Hồng Hà đồng loạt khuyến mại đón chào năm học mới với các chương trình "Mua mười sản phẩm tặng một sản phẩm cùng loại" hoặc "Mua năm tặng một", bốc thăm 100% trúng thưởng ngay cho khách mua hàng trị giá từ 300 nghìn đồng trở lên. Siêu thị Big C triển khai chương trình khuyến mại "Chào mừng năm học mới", giảm  từ 10% đến 40% giá bán hơn 560 mặt hàng đồ dùng học tập, đồng phục học sinh. Tại siêu thị Co.opMart, một số mặt hàng đồng phục học sinh, cặp xách, dụng cụ học tập… giảm giá đến 50% so với giá đã bình ổn. Thương hiệu cặp học sinh Hami cũng tham gia chương trình bình ổn tại 50 điểm bán hàng, với số lượng 130 nghìn cặp sách, ba-lô học sinh, giá thấp hơn thị trường từ 15% đến 30%. 
Theo THU HÀ
(nhandan)

Bình luận (0)