Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Mua hàng qua mạng: Từ vàng xuống… cám

Tạp Chí Giáo Dục

Dạo quanh shop trên các trang bán hàng như Sendo, Lazada, Shopee…, nơi mà nhiều bạn trẻ tìm đến, có thể thấy đủ chủng loại hàng hóa, từ trong nước ra quốc tế. Tuy nhiên, với nhiều người tiêu dùng, thực chất hàng hóa nhận được “vàng” thì ít, “cám” thì nhiều, đủ loại nhãn hiệu, chẳng rõ xuất xứ từ đâu.
Hàng hiệu giá bèo
Cách đây không lâu, câu chuyện hàng nhái, hàng giả lên sàn của các trang thương mại điện tử (TMĐT) gây ồn ào trên thị trường. Là khách hàng “ruột” của các shop bán online, Trịnh Thanh Thảo, 24 tuổi (ngụ quận 9) khẳng định: “Để có một túi xách Gucci hay đôi giày Adidas xài lấy oai không khó”.
Để minh chứng, Thanh Thảo mở app của Shopee, ngắm nghía một hồi rồi chốt đơn một đôi giày thể thao trắng bắt mắt nhãn hiệu Adidas với giá 175.000 đồng. Đưa cho chúng tôi xem đơn hàng, Thảo cho biết, mấy loại túi xách, giày dép có logo của các nhãn hàng nổi tiếng bán nhan nhản trên các trang TMĐT, mua bao nhiêu cũng có, giá từ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng đủ cả.
Mua hàng qua mạng: Từ vàng xuống… cám ảnh 1
Mua hàng qua các kênh thương mại điện tử đỡ mất thời gian và dễ thanh toán nên được nhiều người chọn lựa.
Theo chỉ dẫn của Thảo, chúng tôi rảo một vòng trên các trang như Lazada, Shopee, Sendo, hàng trăm sản phẩm với đủ chủng loại, mẫu mã và giá cũng “thượng vàng hạ cám”. Những chiếc túi xách, ví mang thương hiệu nổi tiếng nhưng được đăng bán với giá chỉ từ 150.000 – 350.000 đồng/chiếc, thậm chí là vài chục ngàn đồng/chiếc cũng có.
Đơn cử chiếc ví Gucci đầu rồng hàng chính hãng giá tầm 1.050.000 đồng/chiếc thì trên Shopee chỉ bán 250.000 đồng/chiếc với mẫu mã như hàng chính hãng, có cả hộp đựng sang trọng; ví cầm tay Burberry một dây kéo còn được bán với giá chỉ 35.000 đồng; hay chiếc ví da thương hiệu Louis Vuitton được rao bán trên Lazada giá 70.000 đồng, trong khi giá chính hãng khoảng 1,8 triệu đồng. Tương tự, nếu giày Adidas, Nike chính hãng có giá chừng vài triệu đồng mỗi đôi thì trên các trang TMĐT, người mua chỉ bỏ chừng 130.000 – 300.000 đồng là có một đôi mẫu mã y chang hàng xịn.
Mập mờ xuất xứ
Tại trang mua sắm Shopee, dạo qua các sản phẩm nhựa gia dụng, đồ dùng tiện ích trong gia đình được người bán có địa chỉ tại Hà Nội đăng tải. Phần lớn các sản phẩm ở shop này đều được người bán ghi xuất xứ từ Trung Quốc và không bảo hành, tuy nhiên lượt mua không vì thế mà giảm. Mỗi sản phẩm đều có lượt mua từ 200 người đến gần 1.000 người, bởi mức giá cho mỗi sản phẩm ở trang này chỉ từ vài ngàn đến khoảng gần 150.000 đồng/sản phẩm, một con số đánh vào tâm lý chuộng hàng giá rẻ.
Cũng chính vì giá rẻ mà nhiều người khi chọn mua sản phẩm đã bỏ qua hoặc lướt nhanh không để ý ở phần mô tả chi tiết sản phẩm. Tại trang Sendo, một số người bán cẩu thả đến mức tên sản phẩm ghi rõ là của Thái Lan, nhưng ở phần “Thuộc tính sản phẩm” lại ghi xuất xứ hàng hóa là Việt Nam và trong phần “Chi tiết sản phẩm” lại ghi “best seller tại Thái Lan”, khiến người mua như lạc vào “mê trận” nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm.
Tại các trang mua sắm như Lazada cũng tồn tại tình trạng tương tự, đa phần hàng hóa được ghi thương hiệu OEM, khiến người mua cũng không rõ sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ từ đâu. Theo một số thông tin tìm hiểu từ internet, OEM là từ viết tắt của cụm từ tiếng Anh “Original Equipment Manufacturer”, cụm từ này được dịch ra nghĩa chính là “Nhà sản xuất thiết bị gốc”.
OEM thường được sử dụng để chỉ các công ty thực hiện công việc sản xuất theo đơn đặt hàng của các công ty khác. Các sản phẩm được đưa ra thị trường sẽ mang tên thương hiệu của công ty đặt làm sản phẩm. Vậy nhà sản xuất ở đây là ai, thuộc Việt Nam hay quốc gia nào? Hoàn toàn không được ghi rõ trong những sản phẩm thương hiệu OEM trên các trang mua sắm điện tử này.
Những chiếc túi xách, ví có logo của các thương hiệu nổi tiếng mà chúng tôi tìm hiểu phía trên đều không có xuất xứ, thi thoảng có sản phẩm để thương hiệu của những hãng đúng với logo như Louis Vuitton, Burberry; cũng có những sản phẩm logo của Louis Vuitton, Burberry nhưng trong phần đặc tính lại thể thương hiệu là EOM. Chúng tôi tìm hiểu trên các kênh thông tin thì không thể kiếm được thương hiệu nào là EOM.
Trong khi đó, bộ trang điểm 5 món cao cấp, sang trọng của Chanel trên Lazada cũng chỉ được bán với giá 175.000 đồng, giảm 43% nên giá thực bán còn 99.000 đồng/bộ. Trong phần đặc tính, bộ sản phẩm này lại có thương hiệu của OEM. “Chẳng lẽ, ở Việt Nam, người ta nhập riêng từng thành phần của dòng mỹ phẩm cao cấp này rồi đóng gói? Thật vô lý!”, chị Phạm Mai Linh (ngụ quận 2) băn khoăn.
Cũng “bỏ xó’ chiếc nón bảo hiểm phượt 3/4 mua từ Shopee, anh Nguyễn Thanh Minh (ngụ quận Bình Thạnh) cho biết, sản phẩm được quảng cáo siêu chất, giá ban đầu là 66.000 đồng, khuyến mãi 3% còn 63.000 đồng. “Nón to chà bá mà nhẹ hều, chỗ bong sơn, chỗ bị keo dính đầu trên đỉnh nón. Viền nhựa xung quanh nón cũng bong keo hở toang hoác, nhãn mác nghèo nàn. Cầm cái nón mà thấy ngán ngẩm, họ làm ẩu quá mà sao quảng cáo hay vậy”, anh Minh than phiền.
Để kiểm chứng xuất xứ sản phẩm, chúng tôi đặt thử một bộ dụng cụ học tập 9 món siêu nhân, giá sau khuyến mãi là 116.160 đồng. Trên sàn của Shopee, sản phẩm được quảng cáo với những lời “có cánh” như chất liệu nhựa cao cấp, chất liệu tốt, bền đẹp, hàng xuất xứ Việt Nam nhưng khi nhận sản phẩm lại có xuất xứ Trung Quốc.
Trăm người bán, vạn người mua là điều dễ thấy ở những trang TMĐT này. Cùng một mặt hàng nhưng có vài chục, thậm chí là hơn trăm người bán khác nhau. Đây cũng là một điểm để thu hút khách hàng mua online và dĩ nhiên, chất lượng hàng nhận được có thể từ vàng xuống… cám, nhanh như chớp.
THIÊN THANH (theo SGGP)

Bình luận (0)