Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Cho học sinh làm quen thi trên máy tính

Tạp Chí Giáo Dục

Cho học sinh làm bài kiểm tra, thực hành trên máy tính, ứng dụng các phần mềm trong việc dạy và học… là cách nhiều trường THPT ở TP.HCM thực hiện để học sinh thích nghi dần với cách làm bài thi trên máy tính.
Học sinh lớp 10 Trường THPT Đào Duy Anh (Q.6, TP.HCM) bắt đầu làm quen với cách thức kiểm tra trên máy tính ///  ẢNH: BẢO CHÂU
Học sinh lớp 10 Trường THPT Đào Duy Anh (Q.6, TP.HCM) bắt đầu làm quen với cách thức kiểm tra trên máy tính. ẢNH: BẢO CHÂU
Kiểm tra trên máy tính
Theo ông Lâm Triều Nghi, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (Q.Tân Bình), nếu thay đổi hình thức thi, chuyển đổi từ việc thi trên giấy sang thi trên máy tính thì các trường cũng phải chủ động chuẩn bị cho học sinh (HS) từ kỹ năng làm bài trên máy tính đến những kiến thức phù hợp, theo tiêu chí của kỳ thi.
Trước tiên nhà trường, giáo viên (GV) phải thay đổi phương án tiếp cận cho HS để các em làm quen sớm với cách thức thi mới. “Với HS ở thành phố thì tôi nghĩ việc thay đổi phương thức thi này không phải là vấn đề lớn vì các em hầu hết đều được tiếp cận với công nghệ rất sớm, không ít em đã thực hiện nhiều kỳ thi trên máy tính bên ngoài nhà trường như thi các bằng cấp, chứng chỉ Anh văn quốc tế, thi tin học…”, ông Lâm Triều Nghi chia sẻ.
Theo ông Nghi, hiện nay nhiều GV cũng đã chủ động chuyển đổi qua hình thức dạy kết hợp với trực tuyến, cho HS làm bài trắc nghiệm ở một số đề thi cuối kỳ.
“Dù vậy, với HS miền núi, vùng sâu, vùng xa, các em có thể chịu thiệt thòi vì ít có điều kiện tiếp xúc với máy tính, thiết bị công nghệ hơn. Thậm chí như ở trường tôi, trong đợt dạy trực tuyến vào năm trước vẫn còn một số em nhà chưa có máy tính, thiết bị kết nối mạng để học”, vị hiệu trưởng này nói thêm.
Tương tự, ông Lê Văn Phước, Hiệu trưởng THPT Võ Thị Sáu (Q.Bình Thạnh), cũng cho rằng các trường THPT đều có phòng máy tính, cũng như những phần mềm dạy học cần thiết. Nếu Bộ quyết định chuyển đổi hình thức thi, trường sẽ chủ động cho HS thường xuyên làm các bài kiểm tra trên máy tính để làm quen với hình thức mới.
Theo ông Phước, các môn như: toán, lý, hóa, Anh văn… sẽ được trường đưa vào làm bài kiểm tra trên máy thử nghiệm trước. “Còn để chuẩn bị kỹ hơn cho HS, trường sẽ cho các em làm quen với các thao tác, kỹ thuật làm bài thi trên máy tính thuần thục trước khi thi để thí sinh không phải bị trừ điểm chỉ vì các lỗi kỹ thuật khi làm bài”, ông Phước cho biết thêm.
Những hạn chế cần khắc phục
Qua quá trình 3 năm tổ chức cho HS làm bài kiểm tra trên máy, ông Huỳnh Thanh Phú chỉ ra hạn chế mà các trường gặp phải, đó là cơ sở hạ tầng với cấu hình máy tính và đường truyền internet. Nếu khắc phục và cải thiện được những khó khăn này thì việc thi trên máy tính không gây khó với HS các thành phố.
Tương tự, ông Phạm Phương Bình cũng cho hay nếu đáp ứng được điều kiện về cơ sở vật chất thì việc thi trên máy tiến hành đồng loạt và công bằng. Các trường THPT sẽ mạnh dạn làm lộ trình để hướng đến mục tiêu của kỳ thi.

“Tập dượt” cho học sinh từ lớp 10

Bà Bùi Minh Tâm, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (Q.1), cũng cho biết: “Thực ra HS bây giờ nhiều khi còn thành thạo công nghệ hơn cả GV. Trường cũng khuyến khích HS tự học trên máy tính, ứng dụng các phần mềm vào việc học, học theo bài giảng E-learning… để các em tiếp cận dần dần”. Cũng theo bà Tâm, HS lên lớp 10 đã được tiếp cận rất nhiều với máy tính, thiết bị công nghệ. Ngoài môn tin học, hầu hết các bộ môn khác GV đều áp dụng công nghệ, phần mềm vào giảng dạy.
Ông Trần Minh, Hiệu phó Trường THPT Đào Duy Anh (Q.6), cho biết: “Trong nội dung đổi mới về đánh giá HS của Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT vừa ban hành có nội dung hướng dẫn: “Kiểm tra, đánh giá định kỳ, gồm kiểm tra, đánh giá giữa kỳ và kiểm tra, đánh giá cuối kỳ được thực hiện thông qua bài kiểm tra (trên giấy hoặc trên máy tính), bài thực hành, dự án học tập”. Với thông tư này, lần đầu tiên hình thức kiểm tra được cho phép thực hiện trên máy tính, điều này phù hợp với xu hướng đổi mới kiểm tra đánh giá, tận dụng được thế mạnh của công nghệ thông tin hiện nay”.
Theo thầy Trần Minh, để đạt được hiệu quả trong việc kiểm tra đánh giá trên máy tính, nhà trường phải đầu tư chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất phòng máy tính, đường truyền mạng internet và nguồn điện ổn định. Trường triển khai tập huấn cho GV thành thạo về các phần mềm tạo bài kiểm tra như Google Classroom hoặc Microsoft Forms. Tạo ngân hàng đề thi, ma trận đề, ra đề, chấm và lưu trữ bài thi trên hệ thống. Ngay đầu năm học, HS lớp 10 sẽ được hướng dẫn sử dụng, thực hiện các thao tác trên máy tính như truy cập hệ thống, điền thông tin chính xác, sao lưu bài làm.
Còn ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10), cho hay trong 3 năm học vừa qua, trường đã tổ chức cho HS thực hiện các bài kiểm tra trắc nghiệm trên máy tính, trên điện thoại. Vì vậy, HS lớp 10 năm nay được thầy cô tổ tin học “tập dượt” sử dụng máy tính, thao tác làm bài trên máy thành thạo.
Theo ông Phạm Phương Bình, Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (Q.Thủ Đức), trường có kế hoạch chuẩn bị cho HS lớp 10 như các tổ bộ môn phân công GV xây dựng câu hỏi bổ sung vào ngân hàng đề thi, đề xuất tổ chức cho HS thực hiện kiểm tra trên máy.
Ông Hà Hữu Thạch, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3), cho hay GV chủ động trong việc biên soạn câu hỏi trắc nghiệm với ma trận. Từ những chuẩn bị về nguồn học liệu của GV, nhà trường sẽ cho HS làm quen dần với hình thức kiểm tra trên máy tính hay trên các thiết bị trực tuyến.
Mới đây, trong hướng dẫn nhiệm vụ giáo dục bậc trung học, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, có chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới hình thức, phương pháp kiểm tra, đánh giá.
Theo Nguyễn Loan – Bích Thanh/TNO

 

Bình luận (0)