Với diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Việt Nam ngày càng có nhiều người tham gia vào “câu lạc bộ F0”. Do đã tiêm 2-3 mũi vắc-xin nên phần lớn F0 điều trị tại nhà. Tuy nhiên, F0 điều trị tại nhà hiện nay không còn được y tế chăm sóc tận tình (phát thuốc miễn phí, đến nhà khám, gọi điện tư vấn hàng ngày…) như trước đây mà chủ yếu là “tự xử”. Vậy làm sao để “tự xử” cho đúng?
Người dân xếp hàng mua thuốc điều trị Covid-19 tại một nhà thuốc trên đường Tân Mỹ, Q.7, TP.HCM
Đừng quá phụ thuộc vào kit test
Gần 200.000 ca nhiễm mỗi ngày (cả bổ sung), dịch bệnh đã len lỏi đến tất cả các phường, xã trên cả nước. Người dân lo sợ nên kéo nhau đi mua kit test khiến cho giá của mặt hàng này tăng lên từng ngày. Nhưng trên thực tế, test nhanh 2 vạch chưa hẳn đã là F0, mà 1 vạch cũng chưa chắc đã âm tính.
Chị Nguyễn Thu Hương (Q.Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: “Cơ quan tôi có rất nhiều người là F0, hàng xóm cũng có cả chục người là F0. Cách đây mấy ngày, thấy người mệt mệt, lại hơi nóng, ho khan nên tôi nghi mình nhiễm. Tôi mua kit test về xét nghiệm nhanh, kết quả là 2 vạch. Sau đó tôi liên hệ với trạm y tế phường rồi lên trạm y tế test lại, kết quả chỉ có 1 vạch”.
Chị Hương cũng cho biết thêm, hôm chị lên trạm y tế phường để xét nghiệm lại cũng có nhiều người giống chị. Ở nhà test ra 2 vạch nhưng khi nhân viên y tế test lại thì chỉ có 1 vạch.
Một nhân viên y tế ở Trạm Y tế P.22, Q.Bình Thạnh, TP.HCM cũng cho biết, nhiều người dân khai báo y tế là dương tính nhưng khi tới trạm y tế test thì lại là âm tính.
Trường hợp của anh Trần Huy Quang (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) thì ngược lại. Theo anh Quang, phòng làm việc của anh có 25 người thì đã có 15 người là F0. Từ khi Hà Nội bùng phát dịch mạnh, cứ 2 ngày phòng làm việc của anh lại bổ sung vào “câu lạc bộ F0” một người. “Riêng tôi, tối thứ 6 tuần trước bắt đầu có biểu hiện sốt nhẹ, ho. Sáng thứ 7, mua que về test nhưng chỉ có 1 vạch. Chiều cùng ngày, nước mũi chảy nhiều, ớn lạnh, sốt cao nên ngày hôm sau tôi đã đi làm xét nghiệm PCR – kết quả dương tính…”, anh Quang cho biết thêm.
Trường hợp như anh Quang không phải ít. Rất nhiều người có triệu chứng của bệnh Covid-19 nhưng test nhanh 2-3 lần vẫn chỉ có 1 vạch. Cho đến khi xét nghiệm PCR thì ra dương tính. Cũng có người đợi 3-4 ngày sau test lại thì ra 2 vạch.
Theo các chuyên gia y tế, sở dĩ có tình trạng này là do người dân lấy mẫu sai; một số trường hợp là do tải lượng virus thấp nên test nhanh không ra kết quả chính xác…
Cũng theo các chuyên gia y tế, sau thời gian mang bệnh mà test nhanh âm tính chưa hẳn đã là khỏi bệnh. Bởi test nhanh âm tính chỉ có nghĩa là nguy cơ lây thấp vì còn ít hoặc không còn virus ở đường hô hấp trên, do đó vẫn phải tiếp tục theo dõi. Ví dụ ngày thứ 5 test nhanh âm tính thì không được chủ quan mà vẫn phải theo dõi SpO2 đủ 10 ngày…
Thuốc kháng virus, không phải “thần dược” của tất cả F0
Thuốc Molnupiravir (là một thuốc kháng virus được sử dụng trên bệnh nhân nhiễm Covid-19 để giảm tình trạng tiến triển nặng phải nhập viện hoặc tử vong do căn bệnh này) đã được Bộ Y tế đưa vào điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 từ năm 2021. Đây là thuốc nằm trong gói thuốc C phát miễn phí cho F0 điều trị tại nhà. Song lúc đó, F0 tại Việt Nam chỉ ghi nhận hơn 10.000 ca/ngày và tập trung chủ yếu ở các tỉnh phía Nam. Còn bây giờ số ca mắc mới mỗi ngày đã tăng lên gần 20 lần và xuất hiện ở 63/63 tỉnh, thành nên việc nhân viên y tế tới nhà phát thuốc miễn phí cho F0 là rất hiếm. Để “tự cứu mình”, các F0 đành phải tìm mua thuốc kháng virus. Trước đây, F0 mua thuốc kháng virus trôi nổi trên mạng xã hội, là hàng xách tay, nhập lậu từ nước ngoài (chủ yếu là từ Trung Quốc, Nga…) với giá khá chát, lên tới 500-600 ngàn đồng/hộp/10 viên. Nhưng từ cuối tháng 2-2022, nhiều hệ thống nhà thuốc trên cả nước đã chính thức bán thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir do Việt Nam sản xuất với giá 250 ngàn đồng/1 liệu trình. Song không phải cứ cầm tiền ra nhà thuốc là có Molnupiravir đem về.
Chiều 9-3, anh Lương Hồng Sơn (Q.7) ghé nhà thuốc Trung Sơn (đường Tân Mỹ, Q.7) để mua thuốc Molnupiravir. Khi nhân viên bán hàng hỏi anh giấy chứng nhận là F0 điều trị tại nhà hoặc đơn của bác sĩ đâu thì anh trả lời không có. Lúc này nhân viên nhà thuốc nói, không có thì không thể bán thuốc cho anh được vì đây là quy định.
Anh Sơn phân trần là đã khai báo với trạm y tế phường từ 2 hôm nay nhưng không thấy ai liên lạc lại. Và anh đưa bằng chứng người nhà là F0 (hình chụp F0 cầm que test nhanh 2 vạch) nhưng nhân viên nhà thuốc vẫn từ chối bán.
Trước đó, anh Sơn cũng đã tìm tới nhà thuốc Long Châu (đường Tân Mỹ, Q.7) và nhà thuốc Pharmacity (đường Nguyễn Thị Thập, Q.7) để mua thuốc nhưng đều bị từ chối…
Anh Sơn không phải là trường hợp cá biệt. Rất nhiều thân nhân F0, thậm chí cả F0 và những người chưa phải là F0 đã tìm tới các nhà thuốc để mua thuốc điều trị Covid-19 nhưng đều không thể mua vì thiếu toa thuốc của bác sĩ, hoặc giấy chứng nhận là F0 điều trị tại nhà của trạm y tế…
Kéo nhau đi mua thuốc nhưng anh Sơn và rất nhiều F0 đã không hiểu, không phải cứ là F0 thì đều phải uống thuốc kháng virus. Và họ lại càng không quan tâm đến những tác dụng phụ của nhóm thuốc kháng virus này trên gan, thận, dạ dày, nội tiết…
Theo quyết định số 437/QĐ-BYT của Bộ Y tế, thuốc Molnupiravir chỉ được sử dụng để điều trị Covid-19 nhẹ đến trung bình có ít nhất một yếu tố nguy cơ làm bệnh tiến triển nặng. Thuốc dùng trên bệnh nhân có thời gian khởi phát triệu chứng dưới 5 ngày, không sử dụng quá 5 ngày liên tiếp. Đặc biệt, không sử dụng để dự phòng sau hay trước phơi nhiễm hoặc khi không có triệu chứng. Molnupiravir không được khuyến cáo sử dụng trong thời kỳ mang thai. Không khuyến cáo F0 là phụ nữ cho con bú trong thời gian điều trị và trong 4 ngày sau liều Molnupiravir cuối cùng. Đồng thời, không được phép sử dụng thuốc cho bệnh nhân dưới 18 tuổi vì có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của xương và sụn. Molnupiravir có thể ảnh hưởng đến tinh trùng của nam giới, nên sử dụng một phương pháp tránh thai tin cậy trong thời gian điều trị và ít nhất 3 tháng sau liều Molnupiravir cuối cùng. |
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai – Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM – cho biết, gần đây khi tình hình dịch Covid-19 có chiều hướng gia tăng, người dân bắt đầu mua thuốc kháng virus Molnupiravir để tích trữ. Việc tích trữ thuốc hoàn toàn không có lợi. Đây cũng là loại thuốc bắt buộc phải kê toa, có chỉ định của bác sĩ. Tại TP.HCM, những F0 đủ điều kiện sử dụng vẫn đang được trạm y tế, trạm lưu động cấp phát miễn phí.
“Người dân nên bình tĩnh hơn. TP.HCM còn 29.000 liều Molnupiravir cấp miễn phí cho F0”, bà Mai nói.
Bà Mai thông tin thêm, 3 doanh nghiệp đã được Bộ Y tế cấp phép sản xuất thuốc Molnupiravir trong nước có năng lực cung ứng khoảng 2 triệu viên/tháng. Tới đây, Bộ Y tế dự kiến sẽ cấp phép cho một loạt các doanh nghiệp khác, khi đó số lượng thuốc sẽ nhiều hơn và giá thuốc có thể thấp hơn hiện tại.
Hòa Triều
Bình luận (0)