Theo Roi-tơ, ngày 7-9, hơn ba triệu giáo viên, học sinh, nhân viên y tế, ngân hàng và người lao động trong các khu vực dịch vụ công tại I-ta-li-a đã tham gia các cuộc bãi công, tuần hành do Tổng Liên đoàn Lao động (CGIL) phát động trên phạm vi toàn quốc phản đối kế hoạch "thắt lưng buộc bụng" của chính phủ nước này.
Cuộc bãi công làm đình trệ giao thông tại các thành phố lớn ở I-ta-li-a, khiến nhiều trường học, bệnh viện, sân bay phải đóng cửa.
Với khoản nợ lên tới 1,9 nghìn tỷ ơ-rô, Chính phủ của Thủ tướng X.Béc-lu-xcô-ni thúc giục QH I-ta-li-a phê chuẩn gói kế hoạch khắc khổ trị giá 45,5 tỷ ơ-rô, theo đó Rô-ma cam kết cắt giảm chi tiêu và tăng thuế nhằm cân bằng thâm hụt ngân sách vào năm 2013, thay vì năm 2014 như dự định. Tuy nhiên, kế hoạch này đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của các liên đoàn lao động vì ảnh hưởng người nghèo và những đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp.
Cùng ngày, hàng nghìn người Tây Ban Nha đã biểu tình phản đối kế hoạch đưa mức trần thâm hụt ngân sách Nhà nước vào Hiến pháp, đồng thời yêu cầu chính phủ nước này tổ chức trưng cầu ý dân về vấn đề này trong thời gian diễn ra tổng tuyển cử, dự kiến vào ngày 20-11 tới. Theo kế hoạch sửa đổi Hiến pháp Tây Ban Nha, một đạo luật kèm theo Hiến pháp sẽ được ban hành vào ngày 30-6-2012 nhằm ấn định mức trần thâm hụt ngân sách là 0,4% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), bắt đầu từ năm 2020.
Liên quan kế hoạch cắt giảm thâm hụt ngân sách, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp E.Vê-ni-giê-lốt cam kết đẩy nhanh tiến trình tư nhân hóa và cải cách cơ cấu kinh tế. Còn Ai-len tuyên bố sẽ giảm thâm hụt ngân sách từ mức 10% GDP trong năm nay xuống còn 8,6% vào năm 2012.
Theo NDDT
Bình luận (0)