Sự kiện giáo dụcTin tức

Đầu năm học mới: Phụ huynh oằn vai vì phí tới trường

Tạp Chí Giáo Dục

Nếu như ở các trường công lập, muốn thu thêm khoản gì các trường đều phải nhìn trước ngó sau; còn ở các trường ngoài công lập, các khoản thu được công bố công khai với mức giá trên trời. Gánh nặng đầu năm học một lần nữa lại chất lên vai phụ huynh và học sinh.

Vào học lớp 1 đóng trên 100 triệu đồng
Dù đã chuẩn bị sẵn tinh thần phải đóng tiền nhưng nhiều phụ huynh vẫn choáng với “kịch bản” phí do các trường ngoài công lập đưa ra. Chị Đ.T.H có con năm nay vào lớp 1 Trường Tiểu học Việt Úc (Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội) cho biết tổng các khoản chị phải đóng cho con khi bước vào năm học là trên 100 triệu đồng. Số tiền này bao gồm các khoản: học phí mức 61.950.000 VNĐ, quỹ hỗ trợ phát triển trường là 7.227.500 đồng, tiền ăn, tiền đồng phục… Điều đáng nói là học phí và các khoản này đều tăng theo thời bão giá. Được biết, năm học trước học phí chỉ là trên 55 triệu đồng/năm, quỹ hỗ trợ phát triển trường là trên 5,5 triệu đồng. Tuy nhiên, các danh mục tiền đóng góp đều được trường công bố công khai trên website của trường nên gia đình chị đã có sự chuẩn bị từ trước. Ngược lại, nhiều phụ huynh của Trường TH Đoàn Thị Điểm (Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội) đã té ngửa trước các khoản đóng của trường năm nay. Chị L.A, một phụ huynh học sinh (PHHS) của trường vẫn không tin vào mắt mình trước khoản phí nhập học “khổng lồ” của con gái. Mỗi tháng con đi học tốn gần 5 triệu đồng. Đã vậy nhà trường lại không cho nộp từng tháng mà yêu cầu PHHS phải đóng luôn 3 tháng một lần. Tổng cộng đầu năm học, chị đã phải đóng khoảng 20 triệu đồng (học phí, đồng phục, sách vở…). “Hôm đi đóng tiền, chúng tôi giắt túi hơn 10 triệu đồng, cứ ngỡ dư dả lắm. Không ngờ vẫn thiếu. Bố cháu phải ra ngân hàng rút thêm tiền…”, chị L.A cho biết.
Tương tự, Trường TH Brendon cũng quy định PHHS nộp phí theo từng học kỳ (2 kỳ/năm). Đầu năm học, mỗi HS đã phải nộp khoảng trên 25 triệu đồng bao gồm: tiền học phí 18 triệu đồng/học kỳ, tiền ăn 5 triệu đồng/học kỳ, tiền xây dựng trường 2 triệu đồng/năm học… và hàng loạt chi phí khác như đồng phục, phí tham quan dã ngoại, sách giáo khoa…
Không những thế nhiều PH còn cho biết, gần như không năm nào mà chi phí trường tư không tăng. Tại Trường Đoàn Thị Điểm, khi mới gửi con vào trường, mức học phí khoảng 200-300 ngàn đồng/tháng. Về sau học phí tăng lên 500.000 đồng/tháng. Năm 2008 tăng lên 900.000 đồng/tháng. Đầu năm học 2011 này, nhà trường thông báo các khoản phí tăng khoảng 20% so với năm 2010.
Trường TH Lê Quý Đôn (Hà Nội), năm học 2011-2012 cũng áp dụng mức học phí mới là 2.200.000 đồng/tháng. Ngoài ra, PHHS còn phải đóng tiền bán trú 1 triệu đồng/tháng, tiền quỹ đầu tư, phát triển nhà trường 2 triệu đồng/năm, quỹ khuyến học 200.000 đồng/năm, quỹ hoạt động Sao-Đội… Cộng các khoản, chi phí đều tăng so với năm trước.
Không chỉ PH mầm non, tiểu học mới tá hỏa với các khoản phí khổng lồ mà PH có con học ĐH cũng suýt ngất. Chị T.T.M.N có cô con gái năm nay vào năm thứ nhất ngành quản trị kinh doanh bằng tiếng Anh của Trường ĐH Kinh tế quốc dân (Hà Nội). Ngày đến làm thủ tục, anh chị mới biết phải đóng học phí cả 4 năm học với số tiền trên 22 triệu đồng. Trong khi đó, giấy báo nhập học chỉ thông báo nộp có vài trăm ngàn. Dù đã giắt túi trên 10 triệu đồng nhưng anh chị cũng phải tá hỏa đi tìm tiền để đóng đủ cho con.
Về nguyên tắc, các trường ngoài công lập hoạt động theo cơ chế tự chủ, thu phí trên cơ sở thỏa thuận với gia đình HS. Nhưng thực tế, nhiều PH cho biết, họ không được “thỏa thuận”, “bàn bạc” mức học phí mới mà “trường bảo sao nghe vậy”. Trường đưa quy định thu gộp chi phí nhiều tháng mà không hỏi ý kiến PH có đồng ý không. “Lẽ ra, nếu PH đóng gộp nhiều tháng thì phải được giảm tiền vì nhà trường đã chiếm dụng vốn của HS. Chúng ta khuyến khích xã hội hóa giáo dục. Nhưng, nếu cứ như thế này thì chỉ gia đình giàu có mới dám trụ lại trường tư thục”, một PH than.
Oằn vai vì đồng phục
Đầu năm, trường nào cũng phải lo đồng phục cho học sinh. Nhưng câu chuyện đồng phục cũng lắm nhiêu khê. N.M.H, học sinh Trường THPT Chu Văn An cho biết, năm nay đồng phục của trường lên giá đáng kể. H. cho biết nếu như áo vest năm 2010 chỉ 300.000 đồng/áo thì năm nay đã lên đến 500.000 đồng/áo. H. tính toán, nếu như mua đủ các loại đồng phục của trường thì năm nay phải đến trên 3 triệu đồng. Năm 2010, H. mua đồng phục hết hơn 2 triệu bao gồm: vest, váy, gile, quần, áo… Không chỉ đồng phục lên giá mà suất ăn ở căng tin cũng tăng. Ở nội trú nên H. nắm rất rõ điều này. H. cho biết, năm trước mỗi suất ăn chỉ 12.000đ-15.000đ, năm nay từ 20.000đ-30.000đ. Giá cả tăng chóng mặt, đây cũng là nỗi lo của PH và cả học sinh.
Theo ông Hà Anh Toàn, Hiệu trưởng Trường TH Trung Phụng, đúng là rất khó xác định các khoản tiền của PHHS là tự nguyện hay không. Nhiều trường hợp PH xin học cho con “bị ép” phải nộp sổ vàng, sổ bạc mà không được biết khoản tiền đó vào đâu nên thấy ấm ức. Thực tế, việc lạm thu chủ yếu diễn ra ở trường lớn, trường điểm, trường có đông HS (vốn đã có nhiều kinh phí hoạt động) chứ ít diễn ra ở trường nhỏ, trường ngoại thành, trường vùng sâu vùng xa… Cái gốc của vấn đề phụ thuộc vào cách làm của mỗi trường. Nếu các trường có ý thức chi tiêu hợp lý, cần mới chi thì sẽ hạn chế việc đóng góp của PHHS.
Nghiêm Huê

Bình luận (0)