Giáo viên TP.HCM nêu bất cập về chính sách tiền lương, vị trí việc làm tại các cơ sở giáo dục hiện nay tại buổi tiếp xúc cử tri ngành giáo dục của Đoàn ĐBQH TP.HCM trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Chính sách tiền lương, vị trí việc làm là các vấn đề được giáo viên kiến nghị có giải pháp tháo gỡ, khắc phục
Bất cập về lương, vị trí việc làm
Theo thầy Lê Văn Lực – Hiệu trưởng Trường THCS Đặng Tấn Tài (TP.Thủ Đức), thực tế hiện nay giáo viên 5 năm đi làm nhưng thu nhập chỉ khoảng 5,5 triệu đồng. Trong khi đó, công nhân lao động phổ thông đã có thu nhập từ 8-10 triệu đồng/tháng. Với mức lương này, giáo viên không đủ để trang trải cuộc sống. Dẫn đến, một số giáo viên tại đơn vị phải nghỉ việc, chuyển sang làm các công việc khác có thu nhập cao hơn.
Thầy đánh giá, thời gian qua, Chính phủ đã không ngừng triển khai thực hiện, xem xét, điều chỉnh mức lương tối thiểu chung, tối thiểu vùng; sửa đổi, bổ sung chế độ phụ cấp ưu đãi, thâm niên theo nghề, phụ cấp đặc thù theo ngành; đổi mới cơ chế tài chính đối với đơn vị hành chính, sự nghiệp… Tuy nhiên, quá trình điều chỉnh, triển khai chính sách tiền lương hiện hành vẫn còn nhiều bất cập cần tiếp tục được quan tâm, tháo gỡ. Tình trạng trả lương mang tính “cào bằng”, “làm nhiều, làm ít cũng hưởng lương như nhau”, tiền lương chưa phù hợp với mức độ cống hiến, chưa phản ánh đúng năng lực, kết quả công tác”.
“Việc tăng lương cơ bản từ ngày 1-7-2023 chỉ là sự động viên tinh thần, bởi thực tế số tiền tăng đó không theo kịp nhịp điệu tăng giá của hàng hóa, cùng với nhu cầu đời sống ngày càng cao. Lương thấp không kích thích được cán bộ công chức, viên chức, người lao động, không thu hút được nhân tài, dẫn đến hiện trạng người giỏi bỏ khu vực Nhà nước ra làm việc khu vực tư nhân. Lương thấp cũng là nguyên nhân dẫn đến tiêu cực…”, thầy Lực phân tích.
Từ thực trạng đó, Hiệu trưởng Trường THCS Đặng Tấn Tài đề nghị Nhà nước quan tâm tới chính sách tiền lương và các chế độ ưu đãi khác của viên chức giáo dục để tiền lương và thu nhập của viên chức giáo dục cơ bản đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống.
Giáo viên kiến nghị nhiều vấn đề nóng của giáo dục tại buổi tiếp xúc
Đối với giáo viên mới vào nghề, giáo viên hợp đồng cần có chính sách hỗ trợ để đảm bảo thu nhập không thấp hơn lương tối thiểu vùng; được hưởng phụ cấp ưu đãi, các khoản hỗ trợ học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng dạy học…
Cùng với đó, cần tiếp tục mở rộng quan hệ tiền lương (tối thiểu – trung bình – tối đa) nhằm khắc phục triệt để tính “cào bằng” trong chi trả lương hiện nay, phát huy khả năng, trí tuệ của mọi người trong lao động, sản xuất, động viên khuyến khích người có tài , có trình độ yên tâm công tác trong khu vực công.
Cô Trần Thị Lợi – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lâm Văn Bền (huyện Nhà Bè) chia sẻ, theo quy định của Bộ GD-ĐT, các trường từ 28 lớp trở lên được bố trí tối đa 3 người ở các vị trí là văn thư, kế toán, y tế, thủ quỹ, trường dưới 28 lớp tối đa 2 người ở 4 vị trí. Điều này gây khó khăn cho các trường dưới 28 lớp trong việc bố trí nhân sự đảm bảo đúng chuyên môn, nghiệp vụ.
Chưa kể, trường rất khó tuyển dụng nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật và chức danh nhân viên công nghệ thông tin do vị trí việc làm này không có ứng viên đáp ứng trình độ, đồng thời lương, phụ cấp của các vị trí này thấp.
Hiệu trưởng Trần Thị Lợi kiến nghị trường tiểu học được bố trí tối đa 3 nhân viên ở các vị trí văn thư, kế toán, y tế, thủ quỹ. Đồng thời, kiến nghị tất cả viên chức làm việc trong ngành giáo dục đều được hưởng thâm niên nghề (kể cả viên chức là nhân viên văn phòng).
Từ thực tế đơn vị, thầy Nguyễn Minh – Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa kiến nghị bổ sung thêm chức danh giám thị trong trường học. Đồng thời kiến nghị có thêm chế độ chính sách cho đội ngũ nhân viên trong trường chuyên bởi có nhiều đặc thù so với đơn vị khác song lại chưa được hưởng phụ cấp trách nhiệm trường chuyên, cần ghi nhận để động viên, tạo động lực cho đội ngũ.
Càng cấp nhỏ giáo viên càng bỏ việc, bỏ nghề nhiều
Tại hội nghị tiếp xúc, ông Dương Trí Dũng – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM kiến nghị tháo gỡ những bất cập đối với vị trí việc làm từ mầm non đến phổ thông. So sánh khối tư thục và công lập thì thấy rằng tư thục nhân viên rất đông, trong khi với công lập thì đang thiếu hụt và phải kiêm nhiệm nhiều vị trí.
“Chúng ta đang đi tới chuyển đổi số áp dụng CNTT song kiêm nhiệm như vậy thì rất khó để thực thi các nhiệm vụ ngày càng phức tạp. Đây là nội dung mà ngành giáo dục còn đang vướng mắc. Còn một số vị trí nữa khó khăn trong việc thu hút như CNTT, giáo viên âm nhạc, mỹ thuật, ngoại ngữ… là các vị trí mà đối với cơ chế tiền lương hiện nay thì khó có thể thu hút, nhất là khu vực ngoại thành. TP.HCM đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ từ nghị quyết HĐND TP để thu hút, đặc biệt là mầm non song vẫn chưa đủ sức để thu hút được đội ngũ, chưa đáp ứng được nhu cầu. Càng cấp nhỏ giáo viên càng bỏ việc, bỏ nghề nhiều vì chưa đảm bảo cuộc sống”.
Ông cũng đề nghị có thêm hướng dẫn của các bộ ngành để xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật giáo dục bởi hiện nay mới dựa trên hao phí sức lao động, hao mòn tài sản, vật tư, chưa có hướng dẫn để tính được hao phí này trên học sinh, lớp học để làm cơ sở xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật.
Đồng thời kiến nghị cần có thêm cơ chế với tự chủ giáo dục để giúp các đơn vị thuận lợi hơn trong quản lý sử dụng tài sản công, cơ chế tiền lương, quản lý và sử dụng biên chế hợp đồng lao động tại đơn vị. Ngoài ra, kiến nghị cần có thêm ý kiến về các giải pháp tháo gỡ trong quản lý sử dụng tài sản công.
Bà Văn Thị Bạch Tuyết – Phó Trưởng đoàn chuyên trách, thừa nhận với chính sách tiền lương hiện tại còn nhiều bất cập. Tiền lương thấp là một trong những nguyên nhân không tuyển được giáo viên, đặc biệt là các môn mỹ thuật, âm nhạc, tin học, tiếng Anh.
Hơn nữa, với các quy định hiện nay, cụ thể là Luật Giáo dục sửa đổi đều quy định tiêu chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ với ngành rất cao. Quy định giáo viên các cấp phải có trình độ đại học sư phạm trở lên. Trong điều kiện hiện nay rất khó khăn khi thực hiện.
“Trong khi lực lượng sẵn có thì không đáp ứng được yêu cầu mà thời gian, lộ trình rất ngắn để nâng chuẩn. Người thì thiếu mà đi học nữa là không có người thay”.
Bà Tuyết cũng đặt vấn đề, giáo viên dạy mỹ thuật, công nghệ thông tin cho tiểu học thì có nhất thiết phải có bằng đại học hay không hay chỉ cần trung cấp. Bởi nếu như với bằng đại học các ngành này thì với mức lương của mình hiện nay cũng khó tuyển.
“Đoàn ĐBQH TP.HCM sẽ ghi nhận những kiến nghị của thầy cô để có ý kiến với Chính phủ, Quốc hội”, bà Văn Thị Bạch Tuyết chia sẻ.
Đỗ Giang Quân
Bình luận (0)