Đến thời điểm hiện tại, hầu như tất cả các trường học trên địa bàn TP.Đà Nẵng đều đã phổ biến chủ trương điều chỉnh nội dung dạy học ở trường phổ thông theo hướng tinh giản cho cả phụ huynh và học sinh.
Ông Nguyễn Minh Hùng, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng cho biết: “Ngay từ khi có thông báo, chúng tôi đã gửi chương trình dự kiến điều chỉnh qua cổng thông tin điện tử và mạng nội bộ để các trường tham gia góp ý và chuyển ý kiến về bộ.
Nhiều cán bộ quản lý giáo dục thì cho rằng, “giảm tải” phải bắt đầu từ chính người thầy đứng trên bục giảng chứ không phải bắt đầu từ ý chí của người quản lý. Ông Nguyễn Tiến Khải, Hiệu trưởng Trường THCS Trưng Vương (Đà Nẵng) phân tích: “Giảm tải chỉ thực sự có ý nghĩa khi giáo viên sử dụng thời gian dùng để truyền đạt những kiến thức đã được điều chỉnh, tinh giản để củng cố kiến thức, hướng dẫn cho học sinh cách làm bài, phương pháp học… Điều này có nghĩa rằng, nội dung chương trình giảm, nhưng những hoạt động của người thầy đứng lớp không vì thế mà ít đi”.
Theo cô Nguyễn Thị Pháp, Hiệu trưởng Trường THCS Kim Đồng (Q.Hải Châu, Đà Nẵng), điểm chính yếu là mỗi GV đều phải hiểu được cả cấp học “giảm tải” như thế nào, GV bộ môn phải có cái nhìn tổng thể chung về điều chỉnh chương trình của cả một môn học trong toàn cấp.
Còn cô giáo Lê Thị Tuyết Hồng, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hiền (Đà Nẵng) lại cho hay: “Thực ra, đối với các giáo viên có kinh nghiệm và bản lĩnh thì tự bản thân họ đã chọn lọc được những kiến thức cần cung cấp, chuyển tải cho phù hợp với đối tượng HS. Thế nên “quá tải” hay không phần lớn là do GV quyết định. Nếu GV biết phân cấp trình độ HS để có phương pháp dạy phù hợp thì sẽ không quá tải”.
Điều đáng quan tâm là đi đôi với việc điều chỉnh chương trình, bắt đầu từ năm học 2011-2012 này, một số hoạt động khác cũng theo hướng “giảm tải” như: không tổ chức thi HSG lớp 5, chuyển hình thức cho điểm các môn mĩ thuật, âm nhạc ở THCS và môn thể dục ở THCS và THPT sang hình thức đánh giá nhằm bớt gây áp lực điểm số cho học sinh; hoặc không ra thêm bài tập về nhà ở bậc tiểu học nếu các em đã học 2 buổi/ngày, tăng cường các hoạt động giáo dục kĩ năng sống, kĩ năng thực hành, vận dụng…
Đánh giá về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Hùng, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng nói: “GV cần rà soát, thiết kế bài giảng, tổ chức các hoạt động dạy học, kiểm tra đánh giá cho phù hợp với yêu cầu mới. Nhưng điều mà chúng tôi quan tâm hơn vẫn là phương pháp dạy và học của thầy và trò. Bởi cách tiếp cận kiến thức bao giờ cũng quan trọng hơn kiến thức. Vì vậy, chúng tôi xác định cần phải tăng cường hơn nữa năng lực của đội ngũ giáo viên, trang bị các phương tiện dạy học, bồi dưỡng phương pháp lên lớp, đặc biệt phương pháp tự học, tinh thần tự giác, thói quen học tập, năng lực tư duy độc lập của HS. Đó mới là thử thách và khó khăn cần phải vượt qua”.
Hàn Giang
Bình luận (0)