Vụ thảm sát xảy ra tại tiệm vàng Ngọc Bích (Lục Nam, Bắc Giang) đã đưa Lê Văn Luyện trở thành “người nổi tiếng”, tới mức người thân và bè bạn của Luyện cũng gặp khó khăn vì ánh mắt săm soi, nghi ngại. Đáng lo lắng hơn là hiện nay, những sinh viên cùng quê, không quen biết gì với Luyện cũng gặp phải những nỗi khổ “không biết kêu ai”.
Bạn Nguyễn Văn Hùng (Hiệp Hòa, Bắc Giang) – tân sinh viên Trường CĐ Nội vụ – sau khi nhận được giấy báo đỗ, Hùng háo hức cùng bố mình lên Hà Nội tìm nhà trọ để chuẩn bị cho năm học mới. Sau một ngày đi tìm phòng trọ mà không thấy, hai bố con quyết định vào một xóm trọ ở Khu ĐH Bách khoa để hỏi tìm. Xóm trọ có đề biển “có phòng trọ cho thuê”, bà chủ phòng trọ tới đon đả và mời hai bố con Hùng vào thăm phòng. Sau một hồi nói chuyện, cả hai bên đều ưng ý và thỏa thuận sẽ thuê phòng thì bà chủ hỏi: “Hai bố con quê ở đâu”. Hùng nhanh miệng đáp: “Dạ, cháu ở Bắc Giang bác ạ”. Khi nghe thấy vậy, lập tức bà chủ nhà thay đổi thái độ và nhất định không cho bố con Hùng thuê phòng trọ nữa. Hai bố con Hùng hết lời năn nỉ nhưng chỉ nhận được một lời duy nhất “Bác thông cảm, tôi cũng vì sự an toàn thôi”. Ban đầu Hùng và bố cũng chưa nghĩ ra là tại sao bà chủ lại không cho thuê phòng nữa, nhưng khi nghe bà chủ nói “vì sự an toàn” thì họ mới hiểu ra sự việc.
Bà Nguyễn Thị Trang (chủ nhà trọ khu vực Hà Trì, Hà Cầu, Hà Đông) chia sẻ: “Bây giờ xã hội nhiều chuyện thị phi lắm, chẳng biết đâu mà lần. Tốt nhất là cứ nên cẩn thận, người đến thuê trọ cũng phải đàng hoàng tử tế và đáng tin cậy thì mới cho thuê. Còn những người mới đến thì cần phải biết rõ gốc gác của họ thế nào đã”.
Khi tiếp xúc với những người mới quen và được hỏi quê ở đâu thì cảm giác bị nhìn với ánh mắt “soi mói”, và bị đối xử với thái độ “kỳ thị” là tình trạng mà rất nhiều bạn trẻ người Bắc Giang hiện nay gặp phải.
Bạn Đặng Thị Hường (sinh viên Trường ĐH Mỏ) dù đã có hai năm kinh nghiệm tham gia các hoạt động tình nguyện nhưng vẫn phải ngỡ ngàng trước thái độ khi mọi người dành cho mình mới đây. Hôm đó Hường mặc chiếc áo xanh tình nguyện có in logo Câu lạc bộ tình nguyện Bắc Giang Online đi dưới sân trường, khi nghe thấy tiếng xì xào, Hường ngẩng đầu lên tầng 2 và thấy mọi người đổ dồn ánh mắt vào mình và bàn tán. Dù không có chuyện gì lớn lắm nhưng Hường cảm thấy hơi buồn tủi: “Mình có cảm giác tủi thân, chiếc áo tình nguyện Bắc Giang mình vẫn rất thích mặc thì giờ đây mình không cả dám mặc nữa vì sợ bị “ nổi trội””.
Ngày nhập trường, bạn Nguyễn Văn Ngọc (tân sinh viên Trường Đại học Nông nghiệp I) rất hào hứng để làm quen bạn bè, thầy cô mới. Trong khi chờ làm thủ tục trên lớp, Ngọc còn cùng các bạn nói chuyện rất vui. Nhưng khi Ngọc nói mình đến từ Bắc Giang thì lập tức các bạn đổ dồn ánh mắt vào nhìn. Ngọc chia sẻ: “Mình cảm thấy như thế là bị xúc phạm, hình như mọi người có gì đó kỳ thị với người Bắc Giang”.
Hương Nấm
Bình luận (0)