Sự kiện giáo dụcTin tức

Nguyện vọng 3: Dồn vào những ngành… khó tuyển

Tạp Chí Giáo Dục

Điểm xét tuyển chỉ bằng điểm sàn, chỉ tiêu rộng nhưng nguy cơ các trường vẫn không tuyển đủ thí sinh bởi còn lại ở nguyện vọng (NV) 3 là rất nhiều ngành… khó tuyển.

Toàn cảnh xét tuyển NV3 vừa được Bộ GD-ĐT công bố, theo đó, chỉ tiêu của nhiều trường còn khá dồi dào, có nơi lên đến cả ngàn như ĐH Văn Hiến, ĐH Đà Lạt, ĐH Quốc tế Hồng Bàng… chứng tỏ cuộc đua vào NV3 không kém phần gay cấn, quyết liệt. Cái khó cho các trường trong việc chiêu mộ thí sinh chính là ở NV3 những ngành khó tuyển vẫn tiếp tục chiếm “thị phần” khá nhiều. Thực tế này đã kéo dài suốt các năm qua.
Ở NV3 năm nay, Trường ĐH Tây Nguyên tuyển gần 200 chỉ tiêu cho 4 ngành hệ ĐH và 1 ngành hệ CĐ. Trong đó, ngành chăn nuôi ở cả 2 hệ ĐH và CĐ chiếm đến 80 chỉ tiêu. Điểm xét tuyển chỉ bằng sàn nhưng lo lắng của trường là rất nhiều bởi các năm qua, việc tuyển đủ thí sinh cho ngành chăn nuôi là rất… trầy trật, gian nan. Năm ngoái, sau 3 NV, trường còn thừa đến 300 chỉ tiêu do không có người học. Một số ngành đành miễn cưỡng mở lớp trong điều kiện sĩ số thấp. Thực trạng tuyển không ra thí sinh năm ngoái, trường đã nghĩ đến phương án ngừng tuyển sinh ngành chăn nuôi thú y.
Trường ĐH Văn hóa TP.HCM dành cho các ngành văn hóa học, văn hóa dân tộc thiểu số Việt Nam, quản lý văn hóa, kinh doanh xuất bản phẩm, bảo tàng học, khoa học thư viện mỗi ngành 50 chỉ tiêu NV3. Trong 146 thí sinh trúng tuyển ở NV2 vào trường, ngành văn hóa học chỉ có 13 thí sinh, ngành bảo tàng học chỉ 3 thí sinh. Hai chuyên ngành quản lý hoạt động âm nhạc và văn hóa dân tộc thiểu số Việt Nam mỗi ngành cũng chỉ trúng tuyển một em duy nhất. Chỉ tiêu NV3 cho những ngành này khá rộng nhưng mối quan tâm của thí sinh không nhiều. Năm ngoái, ngành văn hóa dân tộc thiểu số tại trường cũng đã mở lớp với chỉ vài sinh viên. Tương tự, vì khó tuyển nên đến NV3, các ngành xã hội học, tâm lý học, văn học tại Trường ĐH Văn Hiến vẫn còn đến 70 chỉ tiêu mỗi ngành. Con số này ở ngành Đông phương học lên đến 80. Đây không chỉ là khó khăn của riêng trường mà cũng chính là thực trạng chung trong tuyển sinh – đào tạo khối ngành khoa học xã hội – nhân văn tại nhiều đơn vị hiện nay; như nhận định từ Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Hiến Trần Chút: “Nhiều ngành đào tạo về khoa học xã hội và nhân văn tại các trường công lập lẫn ngoài công lập hiện ngày càng ít thí sinh thi vào; có ngành không tuyển đủ chỉ tiêu hoặc phải đóng cửa do vắng người học gây ảnh hưởng tiêu cực đến đào tạo, mất cân đối trong cơ cấu nguồn nhân lực”… 
Ở hệ CĐ, dù điểm xét tuyển NV2 không cao nhưng có ngành vẫn phải trông chờ vào cả trăm chỉ tiêu ở NV3. Đơn cử, trong 445 chỉ tiêu NV3 của Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng, chỉ riêng chuyên ngành điện tử (thuộc ngành công nghệ kỹ thuật điện – điện tử) đã có đến 126 chỉ tiêu. Ngành công nghệ kỹ thuật nhiệt, chuyên ngành điện lạnh cũng lấy trên 110 chỉ tiêu. Tại Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật Phú Lâm, ngành công nghệ thông tin còn đến 100 “chỗ” NV3. Hai ngành công nghệ kỹ thuật cơ khí và công nghệ kỹ thuật điện – điện tử cũng lấy 100 chỉ tiêu. Ngành nuôi trồng thủy sản Trường CĐ Kỹ thuật công nghệ Vạn Xuân năm ngoái chỉ “vớt vát” được 10 thí sinh, không mở được lớp. Năm nay, trường đặt hy vọng vào tuyển sinh nhằm cải thiện tình hình nhưng thực tế đang phải tiếp tục gồng mình “chiến đấu” với NV3 để tìm kiếm từng thí sinh.
Mê Tâm

Bình luận (0)