Sự kiện giáo dụcTin tức

Không thể cào bằng trong đầu tư cho giáo dục

Tạp Chí Giáo Dục

Giám đốc Sở GD-ĐT TP Lê Hồng Sơn phát biểu tại buổi làm việc

Sáng 4-10, đoàn công tác của Bộ GD-ĐT do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận dẫn đầu đã có buổi làm việc với UBND TP.HCM, Sở GD-ĐT TP và nhiều trường phổ thông, ĐH trên địa bàn về chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2020.

Tại buổi làm việc, các đại biểu đều cho rằng để đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước không thể không đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục (GD). Tuy vậy, muốn GD Việt Nam phát triển thì trước mắt phải đầu tư cho một vài trung tâm. Và các trung tâm này sẽ là đầu kéo để kéo nền GD nước nhà đi lên…
Lương của giáo viên phải đạt ba đủ
“Không thầy, đố mày làm nên”, câu nói này chưa bao giờ sai. Và điều đó cũng có nghĩa, muốn có chất lượng GD thì phải đặc biệt quan tâm đến đời sống của người giáo viên.
Tuy nhiên, trên thực tế thì… Ông Nguyễn Bác Dụng – Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa cho rằng: “Chế độ chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ nhà giáo chưa tương xứng. Hậu quả là nhân tài phục vụ cho ngành GD còn hạn chế”.
Ông Nguyễn Thành Tài – nguyên Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM tâm tư: “Giáo viên không đủ sống thì làm sao đào tạo ra những học sinh, sinh viên ưu tú”.
Theo đó, rất nhiều ý kiến cho rằng cần phải có một chế độ thỏa đáng đối với đội ngũ giáo viên, công nhân viên công tác trong trường học.
TS. Huỳnh Công Minh – nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM bức xúc: “Hiện nay việc phân bổ ngân sách cho GD là đủ nhưng… chỉ đủ về mặt hành chính. Bởi mặc dù có tới 80% ngân sách cấp cho GD dùng để chi trả lương cho giáo viên nhưng người thầy vẫn không đủ sống. Với chiến lược phát triển GD đến năm 2020 cần phải đầu tư cho người thầy nhiều hơn. Phải làm sao để người thầy đủ ăn, đủ sống, đủ nuôi con và thậm chí đủ tiền để chữa bệnh. Đừng để người thầy phải chòi đạp, phải nhờ vả phụ huynh mà sống. Chính vì vậy cần phải đổi mới việc đầu tư cho GD, phải đầu tư thật, đầu tư đủ”.
Ngoài đổi mới đầu tư, TS. Huỳnh Công Minh còn đề nghị đổi mới tư duy và đổi mới quản lý trong GD.
Ông Võ Tấn Sơn – Hiệu trưởng Trường ĐH Y dược TP.HCM cũng có ý kiến: “GD là quốc sách hàng đầu, vì vậy cần phải đặc biệt ưu tiên cho các trường sư phạm – chiếc máy cái. Giảng viên trường sư phạm phải được trả lương cao, sinh viên sư phạm phải là những người giỏi. Như hiện nay, ngành sư phạm đang đi xuống”…
TP.HCM sẽ làm điểm về đổi mới GD

Học sinh Trường Tiểu học Trương Quyền (Q.3) vào năm học mới. Ảnh: T.L
Tại TP.HCM, để thực hiện chiến lược phát triển GD giai đoạn 2011-2020, mỗi năm UBND TP đã dành 20% ngân sách để đầu tư cho GD. Theo đó, hệ thống trường lớp ngày càng được khang trang, xóa hẳn tình trạng học ca 3, ca 4. Như Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân nói: “Lãnh đạo TP.HCM luôn quan tâm nâng cao trình độ văn hóa cho con em nhân dân. Đây chính là chìa khóa để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói chung và TP nói riêng”.
Không chỉ có vậy, ngành GD-ĐT TP.HCM còn chủ động đổi mới nội dung chương trình GD, đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới tổ chức – quản lý nhà trường, đổi mới thi cử – đánh giá…
Đặc biệt, “Sở GD-ĐT TP.HCM đã xây dựng đề án “Phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông và chuyên nghiệp TP giai đoạn 2011-2020”. Theo đó, ngân sách TP sẽ đảm bảo về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để học sinh TP được học tiếng Anh đảm bảo khung trình độ của Bộ GD-ĐT ban hành. Bên cạnh đó, thực hiện chương trình tiếng Anh tăng cường đã thực hiện tại TP.HCM từ năm 2000, chương trình này áp dụng cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12. Kinh phí từ ngân sách, có phần đóng góp của phụ huynh”, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Lê Hồng Sơn cho biết.
Và theo ông Võ Văn Sen – Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn (ĐHQG TP.HCM) thì: “Trong chiến lược phát triển GD đến năm 2020 nên xây dựng những trung tâm GD. TP.HCM có thể trở thành một trung tâm GD bậc nhất của cả nước. Và là đầu tàu kéo cả con tàu GD của cả nước đi lên. Muốn GD Việt Nam phát triển thì không thể dàn đều mà tiến lên vì như vậy là không thể”.
Bà Mai Hồng Quỳ – Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM thừa nhận rằng: “Hiện nay đầu tư cho GD đang dàn trải. Có lẽ theo quan điểm của Bộ GD-ĐT thì trường nào cũng quan trọng”.
Từ những ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận kết luận: “So với các tỉnh, thành, TP.HCM có một đội ngũ giáo viên chuẩn hơn, có đề án nâng cao năng lực tiếng Anh cho học sinh và sự đầu tư mạnh về cơ sở vật chất trường lớp nên TP.HCM sẽ đi trước. Bộ GD-ĐT rất kỳ vọng ở TP.HCM, từ thành công của TP sẽ nhân rộng ra cả nước”…
Bài, ảnh: Hòa Triều

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận: “Để sự chỉ đạo của Bộ GD-ĐT không trở thành rào cản cản trở sự phát triển của GD-ĐT TP.HCM, tôi đề nghị TP có những vướng mắc, khó khăn gì về tài chính, nhân sự, cơ chế, về chương trình – sách giáo khoa thì cứ đề xuất với Bộ GD-ĐT. Bộ sẽ phối hợp với các bộ khác để giải quyết, tháo gỡ. Bộ GD-ĐT mong được tiếp sức từ TP.HCM để giải quyết những cái chung của GD nước nhà”.

 

Bình luận (0)