Giờ chơi của cô và cháu Trường Mầm non Hoa Mai (Q.3)
|
Trong hai ngày (10 và 11-10-2011), đoàn đại biểu HĐND TP do bà Nguyễn Thị Quyết Tâm – Chủ tịch HĐND TP.HCM dẫn đầu đã có buổi làm việc với các trường mầm non trên địa bàn H.Hóc Môn, Q.8 và Q.3. Tại đây, đoàn đại biểu đã ghi nhận vô vàn khó khăn của ngành học mầm non…
Mức thu từ 12 năm trước
Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Trưởng phòng GDMN, Sở GD-ĐT TP cho biết: “Ngân sách đầu tư cho giáo dục, hầu hết là dùng để chi lương cho giáo viên (GV). Do đó những hoạt động khác chỉ trông chờ vào các khoản thu theo quy định. Tuy nhiên mức thu đã quá lỗi thời, hầu như là thu không đủ chi…”
Cô Nguyễn Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng Trường MN 19-5 (Q.8) đưa ra dẫn chứng cụ thể: “Các khoản thu theo quy định không đáp ứng được nhu cầu hoạt động của trường. Trong đó, cơ sở vật chất: 30 ngàn đồng/cháu/năm, trường có 552 cháu nên thu được 16.560.000 đồng. Vừa qua, nhà trường trải thảm phòng thể dục cho trẻ mất gần 10 triệu đồng. Vì vậy số tiền còn lại (khoảng 7 triệu đồng) không thể đủ để nhà trường sửa chữa điện nước từ nay đến hết năm học. Vệ sinh phí chỉ có 5 ngàn đồng/tháng, mỗi tháng trường thu được 2.760.000 đồng nhưng mua xà bông, bao rác, nước rửa chén hàng tháng bình quân từ 6-7 triệu đồng. Đó là chưa kể đến các dụng cụ vệ sinh khác như cây lau nhà, cần xé rác, xô, chậu, ki hốt rác… Học phẩm, thu nhà trẻ 50 ngàn đồng/cháu/năm x 88 cháu = 4,4 triệu đồng, mẫu giáo 100 ngàn đồng x 464 cháu = 46,4 triệu đồng. Như vậy, tổng thu là 50,8 triệu đồng nhưng chi cho học phẩm như đất nặn, bút chì màu, kéo, hồ, các dụng cụ khác cho một năm học hết gần 31 triệu đồng. Còn lại 20 triệu không đủ để mua vật dụng trang trí lớp, mua đồ chơi cho trẻ”.
“Nên chăng tách các khoản thu dịch vụ (vệ sinh phí, phí bán trú…) ra khỏi học phí. Những khoản thu này là lo cho cháu, ở nhà phụ huynh cũng phải chi. Do vậy, sẽ tính đúng, tính đủ để thu”, trích phát biểu của ông Huỳnh Công Hùng, Trưởng ban VHXH – HĐND TP.
|
“Các khoản thu trong năm học 2011-2012 nhà trường thực hiện theo văn bản số 1.794 ngày 26-7-2011 của Sở GD-ĐT TP. Văn bản thì mới nhưng nội dung là cũ, các mức thu này ban hành từ năm 1999 đã quá lạc hậu so với giá cả thị trường hiện nay”, cô Nguyễn Thị Lan Hương, Hiệu trưởng Trường MN Hoa Mai (Q.3) bức xúc.
Hiện nay, sự tồn tại và phát triển của các trường MN phụ thuộc nhiều vào sự khéo léo của hiệu trưởng trong việc “đi xin” phụ huynh. Như khẳng định của ông Lê Trường Kỳ, Trưởng phòng GD-ĐT Q.3 là: “Trường nào không nhận được nhiều sự hỗ trợ của phụ huynh thì hoạt động của trường khó có hiệu quả cao”.
Tuy vậy, “Mỗi năm nhà trường chi hết 2,7-2,9 tỷ đồng cho con người. Còn cơ sở vật chất được ngân sách hỗ trợ khoảng 4-6 trăm triệu đồng nhưng không đủ. Vì vậy, cứ phải kể lể, than vãn với phụ huynh để họ trang bị. Nhưng không thể cái gì cũng xin phụ huynh được, làm giáo dục mà cứ đi xin hoài thì thấy kỳ lắm”, cô Ngọc Dung, Trường MN 19-5 tâm sự.
Không thể để đời sống GV khó khăn
Giáo viên Trường Mầm non 19/5 (Q.8) chăm lo bữa ăn cho trẻ
|
Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Phó phòng GD-ĐT Q.3 bức xúc: “GV ở các bậc học khác dạy 45 phút là nghỉ 5 phút, còn GV MN thì căng thẳng từng giờ từng phút, buổi trưa cũng không được nghỉ. 6 giờ 30 sáng đã có mặt ở trường, hơn 5 giờ chiều phụ huynh vẫn chưa đón trẻ hết. Có dịch bệnh, cô phải ở lại làm vệ sinh đến 7 giờ tối mới được về. Về đến nhà là cô mệt rã rời nhưng vẫn phải làm đồ dùng dạy học, soạn giáo án. Tuy vậy, lương hành chánh của GVMN chỉ được tính 8 tiếng/ngày…”.
Cô Nguyễn Hồng Cúc, Hiệu trưởng Trường MN 3 (Q.3) cho biết: “Trước đây, mỗi lớp có 1 bảo mẫu, 1 GV nên GV và cả bảo mẫu đều có thời gian nghỉ ngơi. Nhưng nay, không còn chế độ bảo mẫu, một lớp có 2 GV nên GV vừa phải dạy, vừa phải nuôi và hoàn toàn không có thời gian nghỉ ngơi”.
Trước ý kiến của các GV, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP tỏ ra rất ngạc nhiên. Bà cũng đặt vấn đề: “Thu nhập của GV thấp như vậy, các trường có cách nào cải thiện?”.
Song, do cơ chế tài chính nên các trường cũng rất khó cải thiện đời sống cho đội ngũ GV. Một trong số ít cơ hội để các trường cải thiện thu nhập cho GV là phục vụ bán trú. Nhưng, cô Nguyễn Thị Thái Hòa, Hiệu trưởng Trường MN Bé Ngoan (Q.8) bức xúc: “Tôi đi làm được 18 năm, nhưng từ đó đến nay mức thu phục vụ bán trú vẫn chỉ có 50 ngàn đồng. Theo đó mỗi tháng GV chỉ được khoảng 400 ngàn đồng”. 400 ngàn đồng cộng với số tiền lương khiêm tốn theo quy định của Nhà nước, trung bình mỗi tháng tổng thu nhập của GV mới ra trường chỉ khoảng 2 triệu đồng.
Lương thấp nhưng áp lực công việc thì quá cao. Đây chính là lý do chính khiến quận, huyện nào cũng thiếu GV MN. Huyện Hóc Môn thiếu 6 GV, Q.3 thiếu 15 GV, Q.8 thiếu khoảng 30 GV …
Trường MN 19-5 (Q.8), năm học 2011-2012 được phân về 3 GV mới nhưng chỉ có 2 cô tới nhận nhiệm sở. Và 2 cô này cũng chỉ làm được 2 ngày là nghỉ luôn. “Hồ sơ xin học của trẻ còn chất đống, phòng học còn dư ba phòng nhưng nhà trường không thể nhận thêm học sinh vì không có GV”, cô Ngọc Dung cho biết.
“Yêu cầu ngành MN phải nuôi dạy trẻ tốt nhưng đời sống của GV lại quá khó khăn. TP.HCM không thể để tình trạng này được. Trong kỳ họp HĐND sắp tới, chúng tôi sẽ đưa vấn đề này ra để tìm giải pháp nâng cao đời sống của đội ngũ GV MN”, bà Quyết Tâm khẳng định.
Bài, ảnh: Hòa Triều
Bà Đổng Thị Kim Vui, Bí thư Quận ủy Q.8 kiến nghị: “Điều chỉnh phí bán trú là cần thiết, không chỉ đối với bậc học MN mà cả các bậc học khác. Cần phải có mức phí tối thiểu đến tối đa, theo đó tùy từng khu vực dân cư mà chọn một mức phí phù hợp. Mức phí ở Q.8 thì không thể cao bằng Q.1; trong Q.8, mức phí ở trường MN 19-5 phải cao hơn mức phí của Trường MN Bé Ngoan. Còn phụ huynh, họ đáp ứng được mức phí của trường nào thì học ở trường đó”.
|
Bình luận (0)