Đây là ý kiến của nhiều đại biểu tại tọa đàm “Phát huy vai trò báo chí, xuất bản thực hiện các nghị quyết về phát triển TP.HCM”, do Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Thông tin và Truyền thông TP và Hội Nhà báo TP.HCM tổ chức. Tọa đàm nhằm tiếp tục phát huy vai trò của các cơ quan báo chí, xuất bản trong việc đồng hành tuyên truyền, hiến kế thực hiện có hiệu quả các nghị quyết về phát triển TP…
Bà Phạm Phương Thảo – nguyên Chủ tịch HĐND TP – phát biểu tại tọa đàm
Báo chí góp phần phát hiện những bất cập
Tham dự và phát biểu tại tọa đàm, ông Trần Trọng Dũng – Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phụ trách phía Nam – cho rằng, công tác tư tưởng là hết sức quan trọng, trong công tác tư tưởng thì báo chí có vai trò rất lớn. Đơn cử, để thực hiện hiệu quả Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách phát triển TP.HCM, báo chí đã chú trọng nắm bắt tình hình thực tiễn, làm tốt công tác truyền thông chính sách, thành tích, mô hình mới, cách làm hay, hiệu quả to lớn mang lại cho người dân. Báo chí cũng góp phần phát hiện những vấn đề bất cập, phản biện, góp ý để tháo gỡ những “điểm nghẽn”, nhất là về cơ chế, chính sách, thậm chí là những sai sót trong quá trình thực hiện để TP có ngay các giải pháp, biện pháp uốn nắn, khắc phục…
Cũng tại tọa đàm, nhiều đại biểu cho rằng, giải pháp truyền thông về các nghị quyết sẽ góp phần tích cực trong việc nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm đối với các cấp, các ngành, với cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân. Qua đó, tạo sự phối hợp, liên kết, sự đồng thuận, đồng lòng thực hiện hiệu quả các nghị quyết.
Bà Phạm Phương Thảo – nguyên Chủ tịch HĐND TP – cho rằng: “Truyền thông bám sát thực tiễn, phản ánh những khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục đề xuất tháo gỡ, xử lý kịp thời, bởi trong thực tế còn nhiều những thách thức khi chính sách, pháp luật còn nhiều những bất cập, chồng chéo, xung đột”.
Theo bà Thảo, trong bối cảnh còn không ít khó khăn, nhất là việc phân cấp, phân quyền chưa mạnh mẽ, còn nặng cơ chế xin – cho; truyền thông với tinh thần xây dựng sẽ tích cực tham gia góp ý, kiến tạo một cách linh hoạt, nhạy bén. Qua đó không chỉ góp phần tạo tâm thế, khí thế mà còn tham gia trong quá trình cải cách, xây dựng chính sách pháp luật sao cho đầu tàu kinh tế TP.HCM tăng tốc phát triển đáp ứng kỳ vọng của người dân TP và cả nước.
Cũng đánh giá cao vai trò báo chí, bà Nguyễn Thị Thảo – Học viện Chính trị khu vực II – nhấn mạnh, báo chí là công cụ tư tưởng của Đảng, có vai trò tuyên truyền, định hướng tư tưởng, nhận thức và hành động cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Phát huy vai trò của báo chí trong công tác tuyên truyền, định hướng tư tưởng là yếu tố quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi các nghị quyết phát triển TP.HCM trên mọi lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
Cần có cơ chế đặt hàng
Báo chí, xuất bản là công cụ truyền thông tạo sự đồng thuận trong xã hội để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển chung của TP. Điều này đặt ra yêu cầu thông tin phải có tính định hướng, xuyên suốt.
Theo ông Nguyễn Quốc Tuấn – Giám đốc Cơ quan Thông tấn xã Việt Nam khu vực phía Nam, để công tác truyền thông phát huy hiệu quả cao nhất, truyền thông phải có tính liên tục, tạo thành “vệt”, tuyến thông tin dài hạn từ trước, trong và sau khi chính sách, nghị quyết đi vào cuộc sống.
Đại diện một số tờ báo cho rằng TP, các sở ngành, địa phương cần chủ động cung cấp thông tin cho báo chí để có tính kịp thời và chính xác bởi hiện nay truyền thông chính sách vẫn gặp khó khăn.
“Ngay như việc tiếp cận thông tin để triển khai các nội dung của Nghị quyết 98 thì các sở, ngành cung cấp thông tin còn chậm, chưa đầy đủ”, ông Mai Ngọc Phước – Tổng Biên tập Báo Pháp luật TP.HCM – nêu ví dụ.
Theo ông Phước, việc tạo điều kiện thuận lợi để báo chí tiếp cận thông tin sớm, đúng, đủ sẽ giúp tuyên truyền tốt nhất về các nghị quyết phát triển TP. Và cần nhất là sự xuất hiện đúng lúc, đúng thời điểm của lãnh đạo TP trước các nguồn thông tin.
Với các chính sách, nghị quyết quan trọng, thường các chuyên gia xuất hiện nhiều trên mặt báo để góp tiếng nói. Nhưng cùng với đó, nếu lãnh đạo Thành ủy, UBND TP cùng các quận, huyện TP.Thủ Đức xuất hiện, góp tiếng nói từ thực tiễn địa phương thì người dân sẽ tin tưởng hơn.
Tổng Biên tập Báo Pháp luật TP.HCM cũng đề cập đến cơ chế đặt hàng báo chí. Dù chính quyền không đặt hàng, báo chí vẫn làm. Nhưng nếu có thêm kinh phí, các báo sẽ đầu tư để phát triển sản phẩm đa dạng hơn, ứng dụng tốt kỹ thuật để truyền thông đa phương tiện hơn, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ.
“Thành ủy, UBND TP cần tính thêm cơ chế đặt hàng, có thêm việc khen thưởng đột xuất cho các tác phẩm, cơ quan báo chí làm tốt. Cần hỗ trợ cơ sở dữ liệu xử lý dùng chung, giúp cho các cơ quan báo chí bảo mật dữ liệu, bảo vệ bản quyền”, ông Phước đề xuất.
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Phan Nguyễn Như Khuê đánh giá tọa đàm đã làm rõ mục tiêu của TP trong chương trình hành động thực hiện các nghị quyết về phát triển TP. Tọa đàm cũng khẳng định vai trò của báo chí – xuất bản trong công tác tuyên truyền các nghị quyết về phát triển TP; nêu ra các giải pháp truyền thông của các cơ quan báo chí – xuất bản về những nội dung trọng tâm của các nghị quyết; những đề xuất, gợi ý của các cơ quan báo chí, xuất bản về các nhiệm vụ, giải pháp trong việc xây dựng chương trình hành động, việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội cho TP… |
Ông Nguyễn Ngọc Toàn – Tổng Biên tập Báo Thanh niên – thừa nhận, TP.HCM là địa bàn hoạt động báo chí sôi động, có thực tiễn phong phú và sự cởi mở trong trao đổi, tiếp nhận thông tin. Do vậy, lãnh đạo TP cần quan tâm, tạo điều kiện để báo chí phát huy vai trò của mình đóng góp vào sự phát triển chung.
Những chính sách mới luôn tạo ra sự tranh luận trái chiều. Việc chủ động cung cấp thông tin giữ vai trò quyết định đến thành công của truyền thông chính sách. Bên cạnh đó, người được cung cấp phát ngôn báo chí phải am hiểu và tâm huyết với những chính sách mà sở ngành, địa phương mình quản lý.
“Việc cung cấp thông tin cần chủ động, nhất quán và xuyên suốt, tránh tình trạng khi xin cơ chế thì niềm nở với báo chí, xin được rồi thì dửng dưng, thờ ơ, né tránh”, ông Toàn tâm tư.
Về cơ chế đặt hàng báo chí, Tổng Biên tập Báo Thanh niên dẫn chứng Chỉ thị 07/2023 của Thủ tướng đã cho cơ chế rồi, thực tế TP.HCM cũng đã áp dụng nhiều năm trước. Tuy nhiên, thủ tục của cơ chế đặt hàng báo chí cần thông thoáng hơn, tập trung vào các cơ quan báo chí chủ lực để giúp báo chí có thêm nguồn lực, phát huy vai trò dẫn dắt trong truyền thông chính sách.
Linh Anh
Bình luận (0)