Tính đến nay, TPHCM đã có hơn 70 trường mầm non, 40 trường tiểu học, 16 trường THCS và 2 trường THPT đạt chuẩn quốc gia. Một trong 5 tiêu chuẩn quan trọng để các trường đạt danh hiệu chuẩn quốc gia là cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, sĩ số HS/lớp. Tuy nhiên trên thực tế, chỉ sau khi công bố đạt chuẩn vài năm, hầu hết các trường đều… “tụt” chuẩn.
Trường Mầm non 19-5 là trường chuẩn quốc gia nhưng luôn trong tình trạng bị quá tải về sĩ số.
|
“Tụt” chuẩn vì quá tải
Các trường tiểu học chuẩn quốc gia như Hoàng Diệu, Nguyễn Văn Triết (Thủ Đức), Lạc Long Quân (quận 11)… sĩ số HS/lớp luôn ở mức 39-45 học sinh từ mấy năm nay.
Cô Mỹ Hằng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Diệu, cho biết năm học 2011-2012 tỷ lệ bình quân học sinh toàn trường là 39,9 học sinh/lớp. “Số lượng học sinh năm sau luôn cao hơn năm trước, chúng tôi chỉ cố gắng phấn đấu đảm bảo đủ chỗ học và chất lượng đào tạo cho các em, còn sĩ số vượt chuẩn là điều không thể tránh khỏi”, cô Hằng bày tỏ. Sĩ số HS trong lớp đông, ngày công nhận đạt chuẩn một bàn chỉ có 2 học sinh ngồi, giờ đây 2 bàn phải ghép sát nhau để thêm chỗ, khiến các em ngồi chen chúc, san sát nhau không còn khoảng trống nào.
Trường Tiểu học Lạc Long Quân (quận 11) được công nhận chuẩn quốc gia từ năm 2002 nhưng kể từ đó đến nay, nhà trường gặp nhiều khó khăn trong việc đảm bảo tỷ lệ 35 học sinh/lớp theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Trường Tiểu học Lạc Long Quân (quận 11) được công nhận chuẩn quốc gia từ năm 2002 nhưng kể từ đó đến nay, nhà trường gặp nhiều khó khăn trong việc đảm bảo tỷ lệ 35 học sinh/lớp theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Thầy hiệu trưởng Lê Quang Vĩnh Hòa cho biết: “Trước đây sĩ số bình quân toàn trường chỉ ở mức 28-30 học sinh/lớp. Nhưng từ sau khi nhận danh hiệu đạt chuẩn, chúng tôi luôn phải duy trì sĩ số ở mức 38-39 học sinh/lớp. Biết là vượt chuẩn nhưng ngoài việc tư vấn, động viên phụ huynh chuyển hồ sơ cho con qua học ở các trường khác trên địa bàn quận, nhà trường cũng không còn hướng giải quyết nào khác”.
Ở bậc mầm non, tình trạng vượt chuẩn về sĩ số, tụt chuẩn về tỷ lệ giáo viên/lớp cũng ở mức báo động. Vượt chuẩn đáng kể nhất phải kể đến là Trường Mầm non 19-5 (quận 1). Sau 3 năm ròng phấn đầu giảm sĩ số lớp học ở mức 35 HS/lớp để đạt danh hiệu trường chuẩn quốc gia giai đoạn 1 vào năm 2001, từ quy mô xây dựng ban đầu với sức chứa chỉ 650 HS nhưng nhiều năm nay, sĩ số HS toàn trường luôn ở mức cao, hơn 1.000 học sinh với 18 lớp học. Trong đó, khối lớp lá luôn ở mức sĩ số cao 63 HS/lớp, có năm vượt kỷ lục gần 70 HS/lớp, gấp đôi chuẩn sĩ số theo quy định.
Cô Trần Thị Thu Hằng, Hiệu trưởng Trường Mầm non 19-5, trăn trở: “Dù biết tăng sĩ số lớp học sẽ phá chuẩn nhưng không giải quyết chỗ học cho các cháu thì các cháu sẽ học ở đâu. Còn về đội ngũ giáo viên thì càng không đạt chuẩn về số lượng quy định. Nếu tính theo quy định đúng chuẩn quốc gia thì trường còn thiếu tới… 30 giáo viên. Nếu tuyển thêm thì lấy tiền đâu để trả lương cho giáo viên”.
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, trường chuẩn quốc gia chỉ được nhận tối đa 30 lớp, mỗi lớp không quá 35 học sinh. Diện tích đất bình quân cho một học sinh không dưới 6m2 đối với khu vực nội thành và 10m2 đối với ngoại thành. Và phải có đầy đủ các phòng chức năng, trang thiết bị giảng dạy… Thế nhưng, hầu hết các trường chuẩn quốc gia sĩ số đã vượt quá xa so với chuẩn quy định.
Không còn mặn mà
* Quy định chuẩn quốc gia giai đoạn 2 với những tiêu chí cao hơn giai đoạn 1 cũng đã được Bộ GD-ĐT ban hành. Chỉ tính riêng bậc tiểu học cũng chỉ 2 trường tiểu học An Phú 1 (Củ Chi) và Võ Văn Tần (quận 6) được công nhận trường chuẩn giai đoạn 2.
|
Hiệu trưởng của nhiều trường chuẩn quốc gia tại TPHCM cho biết, quy chế công nhận trường đạt chuẩn quốc gia quy định rõ sau 5 năm, kể từ ngày ký quyết định công nhận, nhà trường phải tự đánh giá, làm hồ sơ trình các cấp có thẩm quyền để được kiểm tra và công nhận lại danh hiệu. Tuy nhiên, cho đến nay, hầu hết các trường đều đã vượt quá thời hạn quy định nhưng chưa có trường nào nộp hồ sơ yêu cầu công nhận lại.
Vì theo hiệu trưởng các trường có nộp lại thì chắc chắn cũng không thể đạt chuẩn được nữa. TPHCM là một trong những địa phương có nhiều trường tốt, đặc biệt là về chất lượng giảng dạy nhưng không dễ đạt chuẩn quốc gia do áp lực về quy định sĩ số HS/lớp và diện tích đất. Chính vì vậy mà những trường có bề dày lịch sử và chất lượng, được phụ huynh tín nhiệm nhưng vẫn không thể nào đạt chuẩn. Điển hình như quận 3, quận Gò Vấp, quận 5…, trường đạt chuẩn chỉ là giấc mơ xa vời do không đủ quỹ đất.
Ông Đinh Thiện Căn, Trưởng phòng GD-ĐT quận 1, cho rằng: “Xét về các tiêu chí: trình độ nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, chất lượng giảng dạy, công tác xã hội hóa giáo dục thì các trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đinh Tiên Hoàng, Lê Ngọc Hân… dư sức đạt chuẩn. Tuy nhiên, họ lại vướng về diện tích đất”. Vì vậy mà đến nay quận 1 vẫn chưa có trường tiểu học nào đạt chuẩn quốc gia. Trong khi đó, điểm chung của trường đạt chuẩn quốc gia ở TPHCM là trường xây mới, nằm ở vùng ven, ngoại thành.
Ông Lê Ngọc Điệp, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TPHCM nhìn nhận khá thẳng thắn: Xây dựng trường chuẩn quốc gia tuy phù hợp với xu thế phát triển chung của đất nước, song trong điều kiện kinh tế hiện nay đầu tư cho chuẩn quốc gia là khá tốn kém. Đầu tư có trọng điểm cho một trường đạt chuẩn, lẽ tất yếu sẽ phải tạm dừng đầu tư cho nhiều trường khác. Trong khi đó vẫn còn nhiều HS phải học trong những ngôi trường xuống cấp, thiếu thốn thiết bị dạy và học.
Do đó, hiện nay đang tồn tại nghịch lý là ngay cả bản thân hiệu trưởng, giáo viên các trường chuẩn cũng không còn mặn mà với danh hiệu chuẩn đã đạt được bởi luôn phải chạy theo các tiêu chuẩn quy định trong điều kiện kinh phí hạn chế, quỹ đất có hạn, áp lực sĩ số mỗi năm “đến hẹn lại lên”. Điều này vô hình trung tạo ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng giáo dục của các trường đạt chuẩn, khiến danh hiệu này không còn mang đúng ý nghĩa của nó.
Theo Lê Linh – Thu Tâm
(SGGP)
Bình luận (0)