Sự kiện giáo dụcTin tức

Học một đằng, lái một nẻo

Tạp Chí Giáo Dục

Bất cập trong đào tạo lái xe ở Việt Nam không những gây lãng phí lớn, mà đôi khi còn mang đau thương đến cho chính người lái xe và những người xung quanh.
Dù ai nói gì thì nói, các trường đào tạo lái xe của Việt Nam hiện vẫn là nơi duy nhất hàng năm hoàn thành nhiệm vụ “sản xuất và cung cấp” cho xã hội hàng chục ngàn “bác tài” xe con, xe tải tương lai. Hầu hết họ học hành tử tế, và cũng được dạy đủ để có hiểu biết căn bản cho việc điều khiển xe lưu thông đúng kỹ thuật và đúng luật trên đường. Sẽ thật thiếu sót khi chúng ta không bàn về việc đào tạo việc lái xe số tự động cho những người lái xe con cả chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp trong bối cảnh hiện nay.
Bất hợp lý khi các trường lái xe và chế độ khảo thí của Việt Nam hiện nay lại chỉ tập trung dạy lái xe số sàn cho các tài xế tương lai, chưa hề tạo cơ hội để rất nhiều học viên chọn lựa ngay từ đầu, để họ có được những kiến thức về cấu tạo và vận hành của xe số tự động, từ đó hình thành những kỹ năng, đặc biệt là phản xạ có điều kiện (cảm giác lái) khi ngồi sau vô-lăng xe số tự động.
Đó là nghịch lý giữa “Cung” về xe hơi số tự động cho cá nhân, gia đình, cơ quan và tổ chức, và “Cung” về nguồn và chất lượng đào tạo người lái xe số tự động, phớt lờ thực tế là đang, và sẽ còn, có “Cầu” rất lớn trong xã hội đối với “sản phẩm” tài xế lái xe số tự động từ các trường đào tạo lái xe.
Cán bộ đang hướng dẫn học viên những thao tác lái xe cơ bản.
Sẽ là sai lầm cơ bản trong việc vận dụng quy luật của nhận thức và sự tạo dựng phản xạ có điều kiện (kỹ năng lái xe, cảm giác lái), đồng thời cũng là sự lãng phí lớn cho xã hội, khi chúng ta cứ quan niệm theo kiểu “Muốn gì thì gì, học lái xe thì cứ phải theo các cụ, phải học lái xe số sàn mới được”.
Điều đó chẳng khác gì việc chúng ta cứ mất quá nhiều thời gian và công sức để ép (rèn) trẻ con viết chữ đẹp từ tiểu học, mà lại quên mất rằng nét chữ của con người có thể thay đổi theo thời gian, để rồi khi chúng vào đại học, hay đi làm, thì trong hầu hết các trường hợp, khi chúng viết bài, làm bài, soạn thảo văn bản, viết báo cáo cho “Sếp”, hay thậm chí cả viết thư tình… đều đang (và sẽ còn) bằng laptop, hay… Ipad !
Chúng ta đều biết là để lái xe an toàn, hiệu quả, sẽ vô cùng cần đến kiến thức và kỹ năng có liên quan, trong đó có phản xạ có điều kiện, mà phải rèn luyện lâu dài và gian khổ mới có được. Sẽ là rất lãng phí cho xã hội, có nguy cơ mất an toàn rất cao cho người mới lái (mà không được học và rèn kỹ năng phù hợp), nếu nhà trường cứ bắt học viên phải tốn thời gian, công sức để học và rèn phản xạ có điều kiện, kỹ năng sử dụng nhuần nhuyễn cả “tứ chi”, trong khi ngày càng có nhiều người trong số họ quyết chí sẽ chọn mua và sử dụng lâu dài loại xe chỉ yêu cầu có “ba chi” (không có chỗ cho việc sử dụng chân trái).
Có lẽ sẽ là phản khoa học khi rèn luyện phản xạ có điều kiện và kỹ năng lái xe số sàn cho rất nhiều người mà ngay từ đầu đã tự nguyện chọn suốt đời đi xe số tự động! Khi vào trường học lái, những người này đã không chỉ không được cung cấp đầy đủ thông tin để lựa chọn loại xe mà mình muốn học lái để sử dụng lâu dài.
Không chỉ có vậy, họ còn bị “cưỡng chế” học lái xe số sàn, để rồi sau khi có bằng (số sàn), mua xe số tự động, thì họ lại phải cố mà quên cho hết cái phản xạ và kỹ năng sử dụng thuần thục cả 4 “chi” đó, và rồi lại phải làm lại gần như từ đầu qua việc mày mò, học lỏm những kinh nghiệm “trời ơi, đất hỡi” cho việc lái xe số tự động (chẳng hạn “kinh nghiệm” sử dụng cả hai chân) trong dân gian…
Không may là số người chấp nhận “đi tu” (từ bỏ vĩnh viễn quyền lái xe số sàn) bằng việc chọn mua xe số tự động lại ngày càng tăng, và đang có xu hướng áp đảo! Vậy mà ngay từ đầu đã chẳng có ai dạy họ lái xe số tự động một cách khoa học, bài bản cả.
Nếu tôi, hay bạn, là người thuận tay trái (hoặc tay phải), liệu có chắc là chúng ta có thể xúc/gắp thức ăn, hay sử dụng bàn chải đánh răng đánh bằng tay kia, một cách thuần thục, vui vẻ ở mọi nơi, mọi lúc (ngay cả khi đi ăn tiệc hay khi đang rất vội vào buổi sáng sớm) hay không? “Lái xe số tự động bằng kỹ năng, phản xạ cho xe số sàn” khi ăn tiệc, hay vào lúc đang vội đi cho kịp giờ vào buổi sáng sớm, có thể chỉ làm cho chúng ta không cảm thấy thoải mái trong bữa tiệc, hoặc sẽ để cho bàn chải đáng răng làm chấn thương phần nướu (răng) của mình. Nhưng việc vận dụng kỹ năng, phản xạ có điều kiện của việc lái xe số sàn trên xe số tự động một cách tùy tiện đối với người mới lái xe số tự động, thì có thể phải trả giá bằng những mạng người và/hoặc chính sự tự do về thân thể (bị cách ly có thời hạn với xã hội) của người lái xe.
Trong khi chúng ta đang ngồi tranh luận chuyện “Hộp số tự động liệu có an toàn như (hay hơn) số sàn”, thì các máy bay thương mại có sức chở vài trăm hành khách mỗi chiếc vẫn bay trên trời, các tàu biển có sức chở vài trăm ngàn tấn hàng, hay gần cả triệu tấn dầu mỗi chiếc vẫn ngược xuôi nối liền các châu lục thông qua cơ chế lái tự động.
Gần đây nhất, ngày 21/10/2011, trên VnExpress đã có bài “GM sẽ có xe lái tự động vào năm 2015”, theo đó, đến cuối thập kỷ này (năm 2020) sẽ có xe hơi lái tự động hoàn toàn, người lái xe hơi khi đó cũng chỉ còn là (một) hành khách trên xe. Chẳng lẽ đến lúc ấy chúng ta vẫn còn cứ khăng khăng là “Hãy lắp hộp số sàn cho chiếc xe lái tự động hoàn toàn của tớ nhé !”; hoặc “Trước khi trèo lên xe lái tự động hoàn toàn, các trường dạy lái xe của Việt Nam vẫn cứ nên bắt buộc học viên học lái xe số sàn cho thuần thục?"
Chẳng lẽ cứ phải “rèn” chữ viết cho trẻ em theo một quan niệm “cổ kính”, nhưng từ lâu đã không còn hợp lý trong thực tiễn, để mai sau chúng toàn sử dụng laptop hay Ipaid để “viết”?
Chúng ta vẫn nói hàng ngày về sự bất cập trong công tác đào tạo và cấp bằng lái xe cơ giới. Đây chẳng phải là một trong các bất cập đó, mà chúng ta có thể sửa chữa thật dễ dàng hay sao?

Theo Nguyễn Thanh Tuân
(vnexpress)

Bình luận (0)