Sự kiện giáo dụcTin tức

Vá víu do thiếu tiền

Tạp Chí Giáo Dục

Việc thành lập các phòng tư vấn học đường là điều cấp bách để giải quyết những xung đột trong trường học.
Cho đến năm học 2009-2010, 90% các trường phổ thông tại TP.HCM đều đã thành lập phòng tư vấn học đường hoặc có các hoạt động liên quan đến công tác tư vấn học đường dưới nhiều hình thức: phòng tư vấn học đường riêng biệt; phòng tư vấn ghép chung văn phòng đoàn, y tế học đường, giám thị hoặc thông qua giáo viên chủ nhiệm, các buổi sinh hoạt chuyên đề.
Tuy nhiên, những thiếu thốn về kinh phí, cơ sở vật chất, nguồn cán bộ và cả tâm lý học sinh, phụ huynh vẫn chưa quen với việc đến các phòng tư vấn để trao đổi, chia sẻ khiến hoạt động tư vấn học đường ở nhiều trường rất khó khăn, thậm chí phải bỏ dở.
Thiếu phòng ốc, thiếu chuyên viên…
Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (quận 5) hiện vẫn chưa có phòng tư vấn tâm lý học đường riêng biệt mà chung với phòng công tác đoàn. Người phụ trách công tác này vừa là giáo viên, vừa là trợ lý thanh niên. “Vì chưa xây dựng được phòng tâm lý học đường nên hoạt động tư vấn chủ yếu dựa theo nhu cầu của học sinh, nếu các em cần có thể đến gặp người phụ trách để được chia sẻ những vấn đề của mình. Hoạt động tư vấn trong trường cũng chưa bài bản, chưa có lịch hoạt động rõ ràng. Trường đang dần thành lập một phòng tư vấn học đường với một ban tư vấn để làm tốt công tác này” – người phụ trách cho biết.
Đã xây dựng được phòng tư vấn nhưng Trường THCS Hoàng Văn Thụ (quận 10) không thể duy trì được hoạt động này vì không có cán bộ chuyên trách. Thầy Trần Diệu Tôn, Hiệu trưởng, cho biết: “Trước đây, trường đã thành lập được phòng tư vấn, do chuyên viên tâm lý phụ trách nhưng từ ba năm nay, phòng tư vấn của trường phải ngừng hoạt động vì nhiều yếu tố. Trong đó, chủ yếu là do đồng lương còn thấp (chỉ 500.000-600.000 đồng/tháng) khiến họ không thể tiếp tục công tác”.
Thầy Hoàng Đình Ấm, giám thị Trường THCS Colette (quận 3), đang tư vấn cho học sinh. Vì điều kiện cơ sở vật chất của trường gặp khó khăn nên phòng giám thị đồng thời là phòng tư vấn học đường với hai giám thị kiêm nhiệm.
Theo thầy Ấm, để tư vấn cho học sinh, người tư vấn cần hiểu rõ hoàn cảnh của các em, để từ đó tìm hiểu nguyên nhân và giúp đỡ các em tháo gỡ những khó khăn của mình. Tuy nhiên, việc nắm bắt tâm lý của học trò cũng gặp khó khăn bởi các thầy làm tư vấn đều dựa trên kinh nghiệm, trong khi công tác này muốn đạt hiệu quả cần phải có những chuyên gia về tâm lý.
“Thực tế hiện nay, việc tuyển cán bộ làm tư vấn trong trường học rất căng thẳng. Nếu chỉ tư vấn thì với mức lương chỉ hơn 1 triệu đồng là không thể đảm bảo cuộc sống cho họ. Nhiều trường vì vậy phải bố trí cán bộ tư vấn kiêm thêm việc giảng dạy nhưng không phải ai cũng có thể và muốn giảng dạy vì như vậy là không đúng chuyên môn của họ” – ông Trần Khắc Huy, Trưởng phòng Công tác HSSV, Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết.
Học sinh chưa tin tưởng
Khi được hỏi về hoạt động của phòng tư vấn học đường, nhiều học sinh Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh (quận 1) không biết trường mình có phòng tư vấn hay không. “Tụi em không để ý lắm, với lại em rất ngại khi nói chuyện với người lạ. Có chuyện gì xảy ra trong lớp, trong trường, em thường tâm sự với mẹ và chị . Khi gia đình có gì không hay, em lại nói chuyện với bạn bè” – N.Phương, một học sinh lớp 8 của trường, nói.
Quang Huy (học sinh trường THCS Minh Đức, quận 1) cho biết: “Khi gặp rắc rối về chuyện học hành hay bị ba mẹ la rầy, em thường tâm sự với bạn thân. Chuyện học hành thì các bạn có thể giúp được, còn các vấn đề khác thì chỉ an ủi thôi. Trong lớp đôi khi cũng xảy ra xích mích nhưng đa phần là tụi em tự giải quyết với nhau, chứ không dám báo lên giáo viên hay ban giám hiệu”.
T.Vy, học sinh Trường THPT Hàn Thuyên (quận 3), chia sẻ: “Trường em có phòng tư vấn khá lâu rồi, cô làm ở phòng tư vấn cũng là giáo viên trong trường. Tụi em thường hay hỏi ý kiến của cô về chuyện sức khỏe, giới tính, rồi học hành. Còn những mâu thuẫn trong trường, chuyện các hội nhóm hay việc không thích một số thầy cô, tụi em rất ngại chia sẻ”.
Có người ngồi nghe tụi em tâm sự là đủ rồi

Lứa tuổi của tụi em do đang phát triển và tâm lý có nhiều xáo động nên thay đổi rất nhanh trong suy nghĩ và nhận thức. Ngoài việc học, mỗi người còn có nhiều vấn đề khác cần quan tâm như gia đình, bạn bè, ước mơ, mục tiêu hay thậm chí cả những điều… khó nói của học trò. Bởi là lứa tuổi có nhiều xáo động tâm lý nên nhiều khi gặp phải những vướng mắc nào đó mà bản thân không tự giải quyết được, lại không biết chia sẻ và nhờ ai giúp đỡ khiến dễ bị stress. Theo em thấy, hiện nay thầy cô, bố mẹ, thậm chí các anh chị em trong gia đình cũng ít hiểu được tâm lý của tụi em nên trong trường có phòng tư vấn tâm lý là rất cần thiết. Các cô tư vấn vừa có nghiệp vụ, lại là một người trung lập, không liên quan đến nhà trường, chuyện học tập, chuyện gia đình và là người luôn kín chuyện thì quá tốt. Đôi lúc có nhiều chuyện, bọn em chỉ cần một người nào đó ngồi nghe bọn em tâm sự cũng là đủ rồi. 

Em NGUYỄN ÁNH THU, học sinh Trường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3

Bắt buộc phải có phòng tư vấn học đường
Mỗi học sinh là một túi chứa đựng nhiều vấn đề tâm lý xã hội. Nếu giải quyết tốt sẽ giảm thiểu tối đa các xung đột cá nhân, giúp các em an tâm học tập và hình thành nên tính cách tốt đẹp cho các em.
Nhiều trường ở TP.HCM không có phòng tư vấn học đường, đôi khi cho thầy giám thị kiêm luôn nhiệm vụ này, có vấn đề gì, các em cứ việc méc với thầy. Tuy nhiên, nhiệm vụ của thầy giám thị đơn giản chỉ là thiết lập kỷ luật trong trường chứ không thể làm một tư vấn viên. Vì vậy, phòng tư vấn học đường phải làm được nhiệm vụ hỗ trợ về mặt tâm lý xã hội, tương tác về mặt học tập với học sinh, trên nguyên tắc bí mật tuyệt đối nhằm tạo cảm giác tin tưởng cho các em. Phòng này phải thành lập một tổ chuyên biệt gồm: Chuyên gia tâm lý, hội đồng sư phạm, đại diện ban giám hiệu, giám thị. Phòng phải được xây cách biệt, không nên nằm cạnh phòng của giáo viên, giám thị hay phòng của ban giám hiệu.
TS THẠCH NGỌC YẾN, chuyên viên tư vấn tâm lý Trung tâm Công tác xã hội TP.HCM 
Theo KHẮC HUY – HÀN GIANG
(PhapLuatTTP)

Bình luận (0)